Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, nhưng sau này họ không còn bình đẳng nữa. Đó là thông điệp đưa ra bởi báo cáo của OECD, tổ chức gồm 35 nền dân chủ giàu có nhất trên thế giới. Nhiều nghiên cứu khác đã chỉ ra cách mà khoảng cách thu nhập đang nới rộng theo thời gian giữa các quốc gia. Báo cáo của OECD lại chú trọng vào sự chênh lệch tăng lên của thu nhập giữa các thế hệ.
Khi mọi người xây dựng sự nghiệp, thu nhập của họ có xu hướng trở nên khác biệt. Sự không đồng đều này đạt đỉnh khi họ ở độ tuổi gần 60. Nhưng sau đó, bất bình đẳng thu nhập sẽ giảm đi khi người dân được hưởng chương trình hưu trí. Đó cũng là lúc họ chấm dứt một cuộc đua quyết liệt của sự nghiệp – cuộc chiến mà người có tiền luôn kiếm được nhiều tiền hơn. OECD gọi người lớn tuổi là những “người san bằng khoảng cách” (leveller).
Vậy việc khoảng cách thu nhập được san bằng khi mọi người nghỉ hưu còn đúng nữa không? Nghỉ hưu sẽ san bằng chênh lệch thu nhập, nhưng không bằng cách tái phân phối từ người giàu sang người nghèo, mà bằng cách chuyển tiền cho người già từ người trẻ – những người lao động đang đóng thuế. Trong tương lai, ngày càng ít người trong độ tuổi lao động cho mỗi người nghỉ hưu, điều này làm giảm vai trò của chương trình hưu trí tái phân phối.
Dân số già khiến áp lực tái phân phối thu nhập từ người trẻ cho người già tăng lên Ảnh: The Economist.
Một giải pháp logic cho vấn đề này là tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, giải pháp đó, xem xét một cách thận trọng, sẽ khiến bất bình đẳng giữa những người già thêm trầm trọng. Sự nghiệp dài hơn cho người giàu thêm thời gian để tích lũy nhiều lợi thế. Và khi tuổi nghi hưu cuối cùng cũng đến thì người nghèo, những người chết sớm hơn, có ít thời gian hơn để tận hưởng khoản lương hưu của họ.
Giới trẻ ngày nay có thể giận dữ khi phải cấp dưỡng cho số người về hưu ngày càng nhiều, nhất là vì họ cảm thấy những thế hệ trước không phải làm như họ. OECD cung cấp những bằng chứng đẩy đủ cho việc này. Thế hệ trước, Baby Boomers (phần lớn sinh ra khoảng những năm 50) đã tích lũy được nhiều của cải (tài sản, cổ phiếu và các khoản tiết kiệm khác) hơn so với thế hệ X (ra đời vào những năm 70) và hơn thế hệ Y (Millenials, sinh ra vào những năm 80 trở về sau).
Một phần lý do là những người lớn tuổi so với người trẻ đã có nhiều thời gian hơn để tích lũy của cải. Việc so sánh các thế hệ ở cùng một độ tuổi trong cuộc đời lại vẽ ra một bức tranh hoàn toàn khác.
Người trưởng thành trẻ tuổi ngày nay có thu nhập ròng cao hơn đáng kể so với các thế hệ trước ở cùng độ tuổi. Giờ đây, những công dân đang ở những năm đầu của tuổi 30 trong khối OECD kiếm tiền nhiều hơn 7% so với các thành viên của thế hệ X khi ở cùng độ tuổi và hơn 40% so với thế hệ Baby Boomers khi còn trẻ.
Người trẻ có thể thở dài mất kiên nhẫn khi một cụ già nói với họ rằng cuộc sống đã từng khó khăn như thế nào “khi ta bằng tuổi cháu”. Nhưng đúng là như vậy.
Thực tế những người Mỹ mới bước qua tuổi 30 hiện nay nghèo hơn một chút so với thế hệ đi trước ở cùng độ tuổi. Khoảng cách này có vẻ thu hẹp lại khi những thế hệ sau già đi. Những năm tuổi 30, thế hệ X có cuộc sống đầy đủ hơn những người sinh ra sau họ một đến hai thập kỷ. Nhưng giờ đây họ đã 40 tuổi hoặc hơn, thu nhập của họ không tăng nữa, trong khi thế hệ sau lại kiếm được nhiều tiền hơn khi họ đến tuổi đó.
Điều đó phản ánh tác động lâu dài của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn thì một lúc nào đó (sớm thôi), người già sẽ nói với người trẻ rằng cuộc sống đã từng dễ dàng như thế nào “khi ta bằng tuổi cháu”.