Áp lực buộc chính quyền của Tổng thống Trump phải rút lui khỏi cuộc chiến ở Afghanistan đang ngày càng lớn dần lên. Theo báo cáo được Tổng thanh tra đặc biệt về Tái thiết Afghanistan (trực thuộc Lầu Năm Góc) SIGAR công bố hồi tháng 7, kể từ năm 2001 đến nay, Mỹ đã chi tổng cộng 714 tỷ USD vào Afghanistan (cả chi phí chiến tranh và chi phí kiến thiết), có nghĩa là trung bình mỗi tháng Mỹ ‘đốt” 3,9 tỷ USD vào nơi đây. Quân đội Mỹ cũng chịu thiệt hại không nhỏ với hơn 2.000 binh lính thiệt mạng và ít nhất 20.000 lính bị thương.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng nỗ lực của Mỹ ở Afghanistan có thể sẽ được đền đáp về mặt tài chính, bởi vì quốc gia Nam Trung Á này sở hữu một trữ lượng khổng lồ các khoáng sản quý hiếm (như đồng, vàng, uranium và các loại nhiên liệu hóa thạch) có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động sản xuất công nghiệp. Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Bộ Xăng dầu và Khoáng sản Afghanistan, nguồn tài nguyên của nước này có giá trị ước tính 3.000 tỷ USD – thừa sức để bù đắp chi phí cho cuộc chiến.
Mới đây Tổng thống Trump cũng đã thể hiện sự quan tâm đến việc sử dụng lượng khoáng sản khổng lồ này như 1 công cụ để ổn định Afghanistan. Nhà Trắng đang xem xét cử 1 công sứ sang Afghanistan để tìm hiểu – dấu hiệu đầu tiên cho thấy Mỹ sẽ nỗ lực khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên của Afghanistan.
Xưa nay chuyện Mỹ cử quân sang Afghanistan vẫn được coi là 1 hoạt động quân sự đơn thuần, nhưng câu chuyện này mở ra 1 hướng đi mới có lợi cho cả hai bên Mỹ và Afghanistan.
New York Times đưa tin Stephen Feinberg, tỷ phú đứng sau nhà thầu quân sự tư nhân DynCorp International, đang cố vấn cho Tổng thống Trump về vấn đề Afghanistan và nhiều khả năng DynCorp sẽ đóng vai trò bảo vệ cho các mỏ khai thác của Mỹ. DynCorp đã hoạt động ở Afghanistan từ năm 2003, cung cấp dịch vụ hàng không, hậu cần, đào tạo và cả tình báo.
Trong khi ông Trump đang thăm dò khả năng kiếm tiền từ Afghanistan, các nước khác đã bắt đầu công cuộc này từ lâu. Phía Bắc Afghanistan rất giàu khí đốt và đã thu hút sự chú ý của Nga suốt mấy chục năm nay. Nga từng lên kế hoạch kiểm soát nguồn khí đốt của Afghanistan nhưng đã bỏ dở nỗ lực sau khi quân Taliban giành quyền kiểm soát.
Tháng trước, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã nói chuyện với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier về mỏ lithium ở tỉnh Helmand. Lithium là nguyên tố quan trọng để sản xuất những viên pin có thể sạc trở lại trong điện thoại di động và xe điện.
Trung Quốc cũng quan tâm tới nguồn tài nguyên thiên nhiên của nước láng giềng. Hồi tháng 2, tập đoàn MCC của Trung Quốc lên kế hoạch khai thác lượng đồng ước tính trị giá 100 tỷ USD từ Afghanistan. Năm 2007, MCC đã thuê 1 mảnh đất ở gần Kabul với giá 3 tỷ USD. Tuy nhiên dự án bị dừng lại vì các nhà khảo cổ học phát hiện 1 thành phố 5.000 tuổi ở ngay tại địa điểm có mỏ đồng lớn thứ hai thế giới.
Tính đến nay Afghanistan đã có gần 16 năm chìm trong khói lửa. Theo Liên hợp quốc, số dân thường thiệt mạng đã tăng lên mức cao kỷ lục, quân đội Mỹ cũng bị thiệt hại. Quân Taliban đang mạnh lên và ở đây cũng xuất hiện dấu hiệu của khủng bố IS với nhiều vụ đánh bom tự sát.
Mặc dù Taliban nổi tiếng với những vụ phá phách và cướp bóc, Mỹ không chính thức thừa nhận nhóm quân nổi dậy này là 1 tổ chức khủng bố. Gần 50% diện tích Afghanistan hiện do Taliban kiểm soát, theo SIGAR. Năm 2004, một số nhà ngoại giao Mỹ cho rằng nên “cho Taliban một cơ hội” vì điều đó sẽ mang lại sự ổn định cho Afghanistan. Một phần lý do dẫn đến kết luận này là Taliban nhận thức rõ tiềm năng về tài nguyên của Afghanistan và tận dụng nó khá khôn khéo. Năm 1997, nhóm này từng phái 1 đoàn tới Texas để bàn về đường ống dẫn dầu và khí đốt với 1 thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD. Sau đó thương vụ đổ bể vì Taliban muốn Mỹ thừa nhận chế độ của họ.
Tuy nhiên có vẻ như dưới thời Tổng thống Trump Taliban không còn sẵn sàng hợp tác như trước. Mới đây nhóm này hối thúc Mỹ hãy rút quân khỏi Afghanistan và yêu cầu ông Trump “không giao vấn đề Afghanistan cho những vị tướng hiếu chiến”.