Nước chảy chỗ trũng: Gần 243.000 tỷ đồng tiền gửi ‘đổ’ thêm về Vietcombank năm 2017

Theo báo cáo vừa được Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã VCB-HoSE) công bố mới đây, tổng tài sản của nhà băng này tính đến ngày 31/12/2017 đã tăng 31,4% so với đầu năm và tăng 11,5% trong riêng quý IV, qua đó chính thức vượt qua con số 1 triệu tỷ đồng.

“Bước nhảy” ngoạn mục này có được, một yếu tố không thể không nhắc tới là sự tăng trưởng đột biến của các nguồn tiền gửi. Tổng cộng, các khoản tiền gửi đã tăng 35%, tương đương 242.906 tỷ đồng.

Trong đó, tiền gửi khách hàng tăng 118.054 tỷ đồng, tương đương xấp xỉ 20% lên 708.505 tỷ đồng. Kho bạc Nhà nước gửi tiền trên tài khoản thanh toán tổng cộng 165.081 tỷ đồng, cao gấp 3,83 lần cuối năm trước. Trên thị trường liên ngân hàng, lượng tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác tại Vietcombank tăng thêm 2.500 tỷ đồng lên 55.803 tỷ đồng. Dù vậy, do Vietcombank giảm khá mạnh vay trên liên ngân hàng nên tổng vốn huy động trên thị trường 2 lại giảm ròng 5.300 tỷ đồng.

Nước chảy chỗ trũng: Gần 243.000 tỷ đồng tiền gửi đổ thêm về Vietcombank năm 2017 - Ảnh 1.

Bên cạnh việc huy động vốn qua kênh tiền gửi, ngân hàng còn đẩy mạnh phát hành giấy tờ có giá, trong đó có gần 8.000 tỷ đồng trái phiếu trung dài hạn mới.

Với nguồn vốn dồi dào, Vietcombank cũng đẩy mạnh tín dụng ra nền kinh tế. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 543.434 tỷ đồng, tăng 17,9% hồi đầu năm. Trong đó, cho vay nhóm khách hàng cá nhân tăng gấp rưỡi, nâng tỷ trọng trong tổng dư nợ từ 25,3% hồi đầu năm lên 32,7% cuối năm vừa qua.

Cùng đó, lượng tiền gửi thanh toán tại NHNN cũng cao gấp 5,3 lần cùng kỳ năm trước với 93.615 tỷ đồng. Chỉ trong quý cuối cùng của năm, Vietcombank đã gửi thêm hơn 67.000 tỷ đồng tại NHNN.

Nước chảy chỗ trũng: Gần 243.000 tỷ đồng tiền gửi đổ thêm về Vietcombank năm 2017 - Ảnh 2.

Thay đổi một số khoản mục trong bảng CĐKT so với đầu năm 2017 – Đvi: tỷ đồng

Đóng góp vào sự tăng vọt về quy mô tài sản cũng như nguồn vốn huy động trong quý vừa rồi phải kể tới thương vụ 5 tỷ USD mua cổ phần Sabeco của Vietnam Beverage hồi cuối tháng 12/2017. Vietcombank là ngân hàng duy nhất tham gia vào giao dịch trên. Toàn bộ gần 5 tỷ USD đã được chuyển vào tài khoản tại Vietcombank của bên bán cổ phần là Bộ Công Thương. Ngân hàng đã đối ứng bằng lượng tiền nội tệ và được biết nguồn vốn chuyển đổi vẫn được nằm lại trên hệ thống Vietcombank. Còn đối với khoản ngoại tệ “khủng”, một phần trong đó đã được NHNN mua lại để tăng dự trữ ngoại hối.

Kết quả kinh doanh của Vietcombank cũng tăng mạnh nhờ gia tăng nguồn thu từ hoạt động cho vay truyền thống, kinh doanh ngoại hối và thu nhập góp vốn. Chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đều giảm nhẹ. Lợi nhuận Vietcombank nhờ đó tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ quý IV năm trước.

Nước chảy chỗ trũng: Gần 243.000 tỷ đồng tiền gửi đổ thêm về Vietcombank năm 2017 - Ảnh 3.

Lũy kế cả năm 2017, Vietcombank thu về 21.937 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 18% so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động dịch vụ cũng tăng hơn 20%. Thu nhập từ các khoản cho vay đã xử lý bằng quỹ dự phòng rủi ro đạt 2.185 tỷ đồng, tương đương với số thu năm 2016. Lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 11.337 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2016 và vượt 16% kế hoạch đề ra. EPS năm 2017 đạt 2.526 đồng/cp.

Bài viết mới