Nữ CEO 9x lọt top Forbes Under 30 chia sẻ bí kíp kiếm tiền tỷ từ YouTube: Mấu chốt là tham gia thị trường vào đúng lúc thị trường cần

Sinh năm 1992, từng tốt nghiệp khoa quản trị kinh doanh của Đại học Kinh tế quốc dân nhưng Hà Thị Tú Phượng đã để cơ duyên với Internet dẫn dắt con đường sự nghiệp của mình.

Chia sẻ cụ thể hơn trong chương trình Cafe khởi nghiệp gần đây trên kênh HTV7, CEO 9x cho biết năm 2013, khi vẫn còn ngồi trên giảng đường, cô có đăng ký tham gia chương trình Đại sứ sinh viên Google tại Việt Nam và may mắn trở thành 1 trong 8 bạn được chọn.

Khoảng thời gian làm việc dưới vai trò đại sứ Google, Phượng có cơ hội tiếp xúc với các sản phẩm thông minh như Gmail, Google Drive, Youtube…Từ đó, niềm đam mê với công nghệ cũng như video online cứ lớn dần lên.

Đến thời điểm 2014, Phượng vào thực tập ở một công ty truyền thông với công việc quản lý các kênh YouTube của các trang báo điện tử. Đây cũng là lúc cô biết đến sự tồn tại của một mô hình mang tên YouTube MCN (Multi-Channel Network), vốn chưa xuất hiện Việt Nam. Mô hình này đóng vai trò trung gian, tư vấn, hỗ trợ cho các cá nhân tổ chức cách xây dựng nội dung, tối đa hóa lượng người xem, kiếm tiền hoặc bán hàng trên Youtube.

Ý tưởng gây dựng Metub Network cũng bắt đầu từ đó.

“Bạn có thể tưởng tượng nếu như YouTube là một sân chơi thì Metub sẽ là công cụ giúp bạn có thể tự tin ghi điểm dễ dàng hơn”, Phượng lý giải.

Nữ CEO 9x lọt top Forbes Under 30 chia sẻ bí kíp kiếm tiền tỷ từ YouTube: Mấu chốt là tham gia thị trường vào đúng lúc thị trường cần - Ảnh 1.

Cũng như bất cứ startup nào khác, giai đoạn đầu khởi nghiệp không bao giờ dễ dàng. Sau khoảng 6, 7 tháng hoạt động, Metub gặp khó khăn liên quan đến dòng tiền. Bài toàn đặt ra là làm thế nào duy trì vận hành trong khi mô hình chưa lớn, số lượng khách hàng ít? Lúc đó cô gái 9x bắt đầu nghĩ lại về tệp khách hàng của mình, lựa chọn đâu mới là đối tượng phù hợp.

“Mình phát hiện ngoài các cá nhân sản xuất nội dung trên Youtube, còn một nhóm đối tượng nữa là các nhãn hàng sản xuất băng đĩa ngày xưa. Họ cũng sở hữu kho nội dung khổng lồ để đưa lên Youtube và khán giả thật sự muốn xem các nội dung đó”.

Vậy là cùng lúc Phượng phát triển song song hai hướng. Một mặt hỗ trợ các bạn khác sáng tạo nội dung cá nhân, một mặt mang nội dung của những công ty kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ, băng đĩa, phòng thu… lên YouTube.

Đặc biệt với các khách hàng cá nhân, công ty không xây dựng một kênh Metub riêng mà đi theo mô hình nước ngoài: Mỗi nghệ sĩ sẽ có kênh truyền thông Youtube của họ. Ở thời điểm đó, đây là quyết định khá rủi ro, không có bên nào dám đề xuất vì kiểu hợp tác này đòi hỏi các bên phải duy trì quan hệ và có sự đầu tư dài hạn.

Tuy nhiên nhờ những bước đi bước đi đúng đắn này, Metub đã đạt được sự tăng trưởng rõ rệt, mở rộng phạm vi đối tác.

Đến nay, sau 4 năm hình thành, Metub Network đang là một trong bốn công ty đối tác tại Việt Nam được YouTube công nhận. Công ty đã hỗ trợ phát triển hơn 1.200 kênh nội dung trên YouTube với 2 tỷ lượt xem hằng tháng, trong đó có nhiều kênh của các nghệ sĩ nổi tiếng như SơnTùng MTP, Min, Tóc Tiên, Đức Phúc,…

Nhìn lại chặng đường đã qua, CEO 9x khẳng định thành công là khi biết nắm bắt cơ hội đúng thời điểm. Nói cách khác “tham gia thị trường vào đúng lúc thị trường cần là yếu tố vô cùng quan trọng”.

“Ở thời điểm2014, Youtube vừa mới mở mô hình Youtube Partner, rồi video online bắt đầu bùng nổ, người người nhà nhà nói về video online. Mình nhảy vào tham gia, nghĩa là đã nắm bắt cơ hội đúng thời điểm”.

Ngoài ra việc tìm được người đồng hành phù hợp cũng là một yếu tố quan trọng. Lấy ví dụ cụ thể hơn về vấn đề này, Phượng cho biết các bạn trẻ ngày nay rất năng động tự tin, học hỏi những thay đổi mới trong lĩnh vực Internet rất nhanh. Tuy nhiên, với nhiều bạn Metub là môi trường làm việc đầu tiên nên các bạn chưa có nhiều kinh nghiệm trong ứng xử, chưa hiểu đi làm khác gì với đi học.

Để quản trị, đào tạo giúp các làm quen với môi trường công ty, Phượng đã tìm thêm người có kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự về cộng tác với mình. Người này vừa truyền cảm hứng,vừa quản lý và giúp các bạn nhân viên mới làm quen với môi trường công việc.

“Quan điểm của mình là không ai giỏi hết mọi thứ được, đặc biệt là với một startup, một người khởi sự kinh doanh trẻ. Một trong những điểm cần chấp nhận là mình còn thiếu sót nhiều, và cách nhanh nhất để bù đắp thiếu sót là tìm những người phù hợp”, Phượng kết luận.

Ngược lại với Shark Khoa, một doanh nhân top Forbes Under 30 khuyên: Hãy khởi nghiệp khi 19, 20 – độ tuổi “vàng” để phạm sai lầm, trả giá và chưa bị ‘trói’ bởi… gia đình!

Bài viết mới