Tại cuộc họp báo về công tác chống buôn lậu do Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính tổ chức ngày 28-12, thông tin một số vụ việc nổi cộm trong năm nay được báo chí đặc biệt quan tâm. Điển hình như vụ 213 container tại cảng Cát Lái (TP.HCM) mất tích, vụ buôn lậu xe BMW tại Công ty Cổ phần Ô tô Âu châu (Euro Auto), vụ kho nhôm khổng lồ nghi của tỉ phú Trung Quốc tại Bà Rịa-Vũng Tàu.
700 chiếc BMW vẫn đang nằm chờ
Thông tin tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Thọ, Cục phó Cục Điều tra chống buôn lậu, cho hay sau khi khởi tố vụ án buôn lậu xe BMW nhập khẩu từ Đức tại Công ty Euro Auto, phía hải quan đã bàn giao vụ việc cho lực lượng công an và đang tiếp tục phối hợp điều tra làm rõ.
Về hướng xử lý đối với số xe đang nằm tại cảng, ông Thọ giải thích: “Trong rất nhiều lần làm việc với các cơ quan như Tập đoàn BMW, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam… chúng tôi đã trả lời rằng nếu doanh nghiệp nộp đủ hồ sơ, thủ tục thì cơ quan hải quan sẽ thông quan. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy doanh nghiệp xuất trình thủ tục làm hồ sơ thông quan”.
Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, chia sẻ đến thời điểm hiện tại Cơ quan CSĐT Bộ Công an khẳng định đây là hành vi buôn lậu, đã xác định đối tượng cụ thể và đang tiếp tục điều tra theo đúng trình tự, thủ tục. Sở dĩ đến nay chưa thông quan là do các đối tác chưa làm thủ tục, Bộ Tài chính cũng như các cơ quan liên quan luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp”.
Trước đó, cuối tháng 11-2016, lô hàng gồm 700 chiếc BMW trị giá khoảng 15 triệu euro bị lực lượng chức năng lưu giữ tại cảng , không được thông quan do những sai phạm từ đơn vị nhập khẩu chính hãng là Công ty Euro Auto .
Kho nhôm khổng lồ được phủ bạt đen ở Vũng Tàu. Ảnh: WALL STREET JOURNAL
Thành lập công ty “ma”
Đối với vụ 213 container mất tích ở cảng Cát Lái (TP.HCM), ông Nguyễn Khánh Quang, Cục phó Cục Điều tra chống buôn lậu, cho biết đây là kết quả rất tích cực của lực lượng chống buôn lậu hải quan.
Cụ thể qua nắm tình hình, rà soát, lực lượng hải quan phát hiện đây là phương thức mới, lợi dụng hình thức hàng trung chuyển để buôn lậu nên đã báo cáo lãnh đạo tổ chức điều tra, xác minh khẩn trương.
Một thủ đoạn tuy không mới nhưng táo bạo và trắng trợn, đó là thành lập công ty “ma”, khi lực lượng chức năng xác minh tìm đến địa chỉ thì hầu hết là không có thật; có trường hợp ăn cắp giấy tờ tùy thân để thành lập công ty. Nguyên nhân trước hết là khâu quản lý thành lập doanh nghiệp còn lỏng lẻo.
“Hiện ngành hải quan đã triển khai chương trình giám sát bằng hệ thống camera, trong đó có TP.HCM là cảng biển lớn nhất cả nước; đồng thời áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật khác trong quá trình giám sát vận chuyển các lô hàng tạm nhập tái xuất qua cảng trung chuyển” – ông Quang nhấn mạnh.
Không để hưởng lợi bất chính
Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Phi Hùng đã thông tin về kết quả kiểm tra tại Công ty Nhôm Toàn Cầu Việt Nam có trụ sở tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Theo ông Hùng, thời gian qua báo chí có đưa thông tin đồng loạt về nghi vấn kho nhôm nói trên có dấu hiệu lợi dụng buôn lậu, tuồn hàng xuất xứ Trung Quốc vào Việt Nam.
Do đó, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì tiến hành kiểm tra. Một số cơ quan khác ở trung ương như cảnh sát kinh tế, an ninh kinh tế cũng vào xác minh; phía hải quan cũng đã tiến hành nghiệp vụ xác minh.
“Thông qua kiểm tra của đoàn liên ngành, của hải quan và của các cơ quan khác, cho đến nay xác định các nghi vấn về sai phạm cụ thể của công ty trên như báo chí nêu là chưa có cơ sở, chưa có căn cứ. Chính phủ đã giao Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và một số cơ quan chức năng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cho Công ty Nhôm Toàn Cầu thực hiện đúng pháp luật Việt Nam, đúng thông lệ quốc tế nhưng không để hoạt động sai quy định hoặc hưởng lợi bất chính” – ông Hùng nói.
Trước đó, cuối năm 2016 một số báo dẫn nguồn từ Wall Street Journal cho hay sau khi bị Mỹ đánh thuế bán phá giá, công ty của tỉ phú Liu Zhongtian và nhiều nhà xuất khẩu nhôm Trung Quốc đã tìm cách thành lập các pháp nhân bí mật tại những nước như Mexico hay Việt Nam để che giấu nguồn gốc xuất xứ nhằm trốn thuế khi xuất khẩu hàng của mình vào Mỹ. Lý do là xuất khẩu phôi nhôm từ Trung Quốc vào Mỹ bị áp thuế chống bán phá giá tới 374% trong khi mức thuế cho mặt hàng này có xuất xứ từ Việt Nam chỉ vào khoảng 5%.
Hải quan bị buôn lậu “bôi bẩn”
Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu – ông Nguyễn Phi Hùng chia sẻ cán bộ ngành hải quan luôn chịu rất nhiều áp lực từ các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại chuyên nghiệp. Theo đó, các đối tượng này tìm đủ cách để đối phó, trong đó việc nhắn tin điện thoại; khủng bố đe dọa bản thân cán bộ, công chức cũng như gia đình; vứt chất bẩn vào người, vào nhà; viết đơn tố cáo nặc danh, vu khống, dựng chuyện,… để làm giảm ý chí, tinh thần quyết tâm của lực lượng chống buôn lậu.
Theo Công ty Dịch vụ Thông tin Thương mại Toàn cầu (GTIS), một tổ chức chuyên theo dõi các hoạt động thương mại trên toàn thế giới, từ đầu năm 2015 khoảng 1,7 triệu tấn phôi nhôm trị giá 5 tỉ USD đã được nhập khẩu vào Việt Nam từ Mexico, Trung Quốc và Mỹ. Việt Nam trở thành kho chứa nhôm lớn nhất thế giới, kho lớn thứ nhì ở Hà Lan chỉ bằng 1/3 ở nước ta.