Trong đó, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 18,96 tỉ USD, tăng 15,9%; kim ngạch XK thủy sản ước đạt 8,32 tỉ USD, tăng 18% và mặt hàng lâm sản chính ước đạt xấp xỉ 8%, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Vượt khó cả năm
Năm 2017, ngành nông nghiệp nói chung, lĩnh vực trồng trọt nói riêng đối mặt với khó khăn chưa từng thấy. Nhất là thiên tai diễn ra trong cả năm, trên phạm vi cả nước. Ở phía Bắc, diễn biến thời tiết của vụ ĐX ấm, sự bùng phát của bệnh đạo ôn diễn biến phức tạp trong vụ ĐX đã gây thiệt hại nặng nề. Đến vụ mùa 2017, dịch lùn sọc đen tái bùng phát sau gần chục năm vắng bóng, cộng với mưa lũ lịch sử đã nhấn chìm một diện tích lớn lúa, hoa màu, khiến cho SX vụ mùa thất bát nặng nề…
Trong khi đó ở phía Nam, mùa khô gần như vắng bóng, mưa trái vụ đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh trưởng, phát triển, ra hoa đậu quả và làm gia tăng dịch bệnh trên hàng loạt các loại cây công nghiệp như tiêu, điều, cà phê… Các tỉnh Nam Trung Bộ thậm chí phải cấy đi cấy lại 4 – 5 lần do mưa lũ kéo dài từ cuối năm 2016 sang tận đầu năm 2017. Mưa trái vụ kèm lốc xoáy cũng đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho lúa ĐX tại các tỉnh ĐBSCL.
Mặc dù vậy đến thời điểm này, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự cần cù, sáng tạo của bà con nông dân, ngành nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả hết sức sáng sủa. Đặc biệt, XK nông sản đã ghi nhận những kết quả sáng nhất, với kim ngạch ước tính khoảng 36,37 tỉ USD (so với 32,14 tỉ USD năm 2016 và 35 tỉ USD mà Chính phủ giao). Đây là ấn tượng lớn trong bối cảnh khó khăn của ngành. Và là kết quả có tính kế thừa của những năm trước, với sự điều chỉnh của tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tập trung vào những ngành hàng có lợi thế.
Nhiều mặt hàng XK lấy lại tăng trưởng
Trong các mặt hàng nông sản chính, XK gạo năm 2017 đã lấy lại được đà tăng trưởng ấn tượng với khối lượng xấp xỉ 5,9 triệu tấn, kim ngạch ước đạt 2,66 tỉ USD, tăng 22,4% vối khối lượng và 23,2% về giá trị so với năm 2016. Trung Quốc vẫn là nước NK gạo chính của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2017 với 39,5% thị phần, tương đương 2,17 triệu tấn và 972,64 triệu USD, tăng 35,2% về khối lượng và 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Hồng Kông và Gana là hai thị trường có mức tụt giảm mạnh về XK trong 11 tháng đầu năm 2017, với mức tụt giảm tương ứng -41,2% và -10,6%.
XK gạo năm 2017 đã lấy lại được đà tăng trưởng ấn tượng
Cao su cũng là mặt hàng XK sáng trở lại với khối lượng XK cả năm ước đạt 1,39 triệu tấn, giá trị 2,26 tỷ USD, tăng 11% về khối lượng và 35,6% về giá trị so với năm 2016. Giá cao su thị trường quốc tế khởi sắc trở lại với mức bình quân 11 tháng đầu năm 2017 ở mức trung bình 1.654,7 USD/tấn, tăng 28,3% so với cùng kỳ. Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ là 3 thị trường NK cao su lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt khoảng 64%; 5,2% và 3,9%. Trong 3 thị trường lớn này, Trung Quốc là thị trường tăng vọt về lượng cao su NK từ Việt Nam, với mức tăng tới 51,8%, đưa tổng kim ngạch XK cao su của Việt Nam sang nước này lên mức 1,29 tỉ USD trong năm 2017.
Đáng chú ý trong các mặt hàng nông sản XK của Việt Nam trong năm 2017, đó là sắn và các sản phẩm từ sắn. Sau nhiều năm liên tục tụt giảm về khối lượng lẫn kim ngạch XK, năm 2017, XK sắn và sản phẩm từ sắn bất ngờ lấy lại đà tăng trường, với tổng khối lượng XK cả năm ước đạt 3,95 triệu tấn, tương đương 1,04 tỉ USD, tăng 6,9% về khối lượng và 4,2% về giá trị XK so với năm 2016. 11 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc là thị trường NK chính sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam, chiếm tới 88,6% thị phần, tăng 7,1% về khối lượng và 2,8% về giá trị XK so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, một số thị trường NK nhóm sản phẩm này lại giảm mạnh như Nhật Bản (giảm 22,8%); Hàn Quốc (giảm 20,4%)…
Mặt hàng chủ lực giữ “phong độ”
Hai mặt hàng nông sản XK chủ lực khác là hạt tiêu và hạt điều cũng có mức tăng trưởng XK rất ấn tượng trong năm 2017.
Chế biến hạt điều xuất khẩu
Cụ thể, khối lượng hạt điều XK cả năm ước đạt 353 nghìn tấn và 3,52 tỉ USD, tăng 1,9% về khối lượng và đặc biệt giá trị tăng tới 23,8%. Có được điều này bởi giá hạt điều XK của Việt Nam trong năm qua đã tăng rất cao, với mức bình quân đạt 9.926,3 USD/tấn, tăng 22,3% so với cùng kỳ. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường NK hạt điều lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt chiếm 35%; 15,6% và 12,9%.
Trong 11 tháng đầu năm 2017, nhiều thị trường XK hạt điều của Việt Nam cũng đã ghi nhận có mức tăng trưởng giá trị XK nhảy vọt, tiêu biểu như Nga (56,3%), Hà Lan (44,7%), Thái Lan (41,4%), Hoa Kỳ (27%), Anh (24,8%) và Israel (13,5%). Bên cạnh đó, với lợi thế đã xây dựng được bề dày về nền công nghiệp chế biến hạt điều hiện đại, không chỉ các sản phẩm hạt điều nguyên liệu trong nước được chế biến sâu với giá trị gia tăng cao, năm 2017, ngành điều Việt Nam còn NK khoảng 1,28 triệu tấn để phục vụ chế biến (tương đương 2,53 tỉ USD, tăng 23% về khối lượng và 52,8% về giá trị so với năm 2016). Có thể nói, hạt điều là một trong những ngành hàng hiếm hoi của Việt Nam đã hình thành được công nghiệp chế biến sâu.
Trong khi đó, XK hạt tiêu cả năm 2017 cũng tăng trên 20% về khối lượng, tuy nhiên, giá hạt tiêu XK có xu hướng giảm mạnh (ước giảm 34,7%) đã kéo kim ngạch XK của mặt hàng này về mức khoảng 1,12 tỉ US, giảm gần 22% so với năm 2016. Tuy nhiên, đây được xem là tín hiệu lấy lại “giá trị thực”, bền vững hơn cho ngành hồ tiêu Việt Nam khi mà giá tiêu XK đã tăng quá nóng trong những năm trước đây. Ba thị trường XK hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam hiện vẫn là Hoa Kỳ, Ấn Độ và Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất với thị phần lần lượt chiếm 19,6%; 6,8% và 5,7%.
Hai ngành hàng lớn khác là lâm nghiệp và thủy sản năm 2017 vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định với mức cao như nhiều năm gần đây.
Cụ thể: XK gỗ và sản phẩm gỗ cả năm ước đạt 7,6 tỉ USD, tăng 9,1%; khối lượng XK thủy sản ước đạt 8,32 tỉ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường NK hàng đầu NK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2017, với thị phần lần lượt là 42,8%, 14% và 13,5%. Các thị trường có giá trị XK gỗ tăng mạnh là Hoa Kỳ (17,6%), Canada (15,5%) và Hàn Quốc (15,3%).