Diễn đàn chuyên đề Nông nghiệp Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt sáng nay 5/6, là sự kiện mở màn cho chuỗi diễn đàn chuyên đề, bắt đầu từ tháng 5 – tháng 12, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam. Ở chuyên đề này, Diễn đàn kỳ vọng sẽ đưa ra được nhiều cách giải cho lĩnh vực nông nghiệp Việt, đang tồn tại quá nhiều vấn đề từ sản xuất đến thị trường.
Chương trình do Ban nghiên cứu, phát triển kinh tế tư nhân phối hợp cùng Báo Điện tử VnExpress thực hiện.
Nhiều câu chuyện của nông nghiệp Việt Nam đã được dẫn ra. Ví dụ, TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn nói về cơ hội thị trường. Trong đó, ông Sơn nhấn mạnh về vai trò của thị trường nội địa, với thay đổi kết cấu bữa ăn người Việt.
Đối với thị trường quốc tế, ông Sơn nhận định đang có sự thay đổi ghê gớm, nhất là ở các nước đang phát triển. “7 tỷ người sẽ tăng thành 9 tỷ người, nhu cầu ngũ cốc, sữa, rau quả thịt đều tăng mạnh, mở ra điều kiện cho Việt Nam”, ông nói.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch điều hành Cấp cao Central Group (Thái Lan) góp ý Việt Nam cần xây dựng và phát triển mô hình đầu tư canh tác quy mô lớn. Hiện sản xuất trong nước đang còn nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, diện tích canh tác còn gặp nhiều giới hạn, các cánh đồng mẫu lớn chưa được phổ biến…
“Quy mô và năng suất hiệu quả các nông trại ở Thái Lan hơn hẳn Việt Nam, các sản phẩm dễ dàng cạnh tranh trên trường quốc tế”, ông Hải cho biết. Bên cạnh đó, ông đề xuất Việt Nam cần ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, như công nghệ sinh học hoá, tự động hoá, công nghệ cao trong chế biến.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao thì nói về vấn đề tiêu chuẩn, giá trị gia tăng của hàng hoá. Bà cho rằng đây là con át chủ bài của Việt Nam. Bà Kim Hạnh nhấn mạnh nông sản hữu cơ an toàn sẽ là cơ hội giúp Việt Nam lấy lại được danh dự.
Thương lái Trung Quốc có thể tạo ra giá trị gia tăng cho nông nghiệp Việt
Tại hội thảo, bên cạnh những đề xuất vĩ mô và có phần quen thuộc, đã có một ý kiến khiến hội trường trở nên sôi động, đến từ một nhà buôn.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, người có hơn 20 năm làm thương lái sang Trung Quốc, đã kể hầu hết những ví dụ liên quan đến sản phẩm thô, tức nhấn mạnh về vai trò thương mại, lực lượng thương mại (như thương lái) cũng có thể tạo ra được giá trị gia tăng cho nông nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực
“Người ta nói muốn bán hàng thì hãy đến chợ, nhưng chợ lớn nhất là Trung Quốc thì chúng ta không có gian hàng nào”, bà Thực nói và cho biết Việt Nam chủ yếu chờ người Trung Quốc đến mua. Việc này được bà ví von như “cô gái quê danh giá giờ người ta đến tán tỉnh”.
Trong khi đó, bà Thực nhấn mạnh nông nghiệp Việt có thể học được rất nhiều thông qua thị trường và thương lái. “Tôi thầm cảm ơn họ”, bà nói.
Đơn cử như việc mua quả vải, thông qua thương lái, bà biết được thời điểm thu mua vải thiều chỉ dao động từ 7h sáng đến không quá 10h trưa. Bởi vải trước 7h là vải tồn của ngày hôm trước còn sau 10h là lúc vải bị ánh sáng nhiều, nóng lên, chất lượng bị giảm.
“Có những câu chuyện ở đó nhà khoa học cần số hoá, còn chúng tôi làm thực tế. Bà con Lục Ngạn làm được như ngày hôm nay nhờ rất nhiều từ kinh nghiệm thương lái Trung Quốc”, bà Thực nhấn mạnh.
Lực lượng thương lái, bà Thực cũng nói thêm rằng họ không chỉ buôn bán nông sản thô, thương lái còn là đầu nậu phân phối cả các thiết bị công nghệ, họ biết mua gì, ở đâu. Do đó, nếu tận dụng được lực lượng này, nông nghiệp sẽ có thêm được phần giá trị gia tăng.
Trung Quốc đối với bà Thực là thị trường tiêu dùng lớn và họ sẵn sàng mua sản phẩm thô có đầu tư bài bản nếu Việt Nam chứng minh được tính hiệu quả. Việt Nam mới chỉ làm được khâu cung cấp nguyên liệu, nếu dẫn dắt được khâu bán hàng sẽ dẫn dắt được khâu chế biến. Nghĩa là ở đây, cần quan tâm đến cả vấn đề thương mại điện tử, được xem là vai trò dẫn dắt trong sản xuất.