Lòng tham lợi nhuận đã khiến không ít tiểu thương bất chấp thủ đoạn, đe dọa tới thương hiệu nông sản Đà Lạt, vốn được người nông dân và chính quyền nỗ lực gây dựng hàng chục năm qua.
Hàng Trung Quốc đội lốt nông sản Đà Lạt
Vùng rau Đà Lạt gồm TP Đà Lạt, các huyện Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng và Lâm Hà. Trong nỗ lực xây dựng thương hiệu, bảo vệ nông sản Đà Lạt trước những hành vi gian dối xảy ra ngày càng nhiều, xâm hại nghiêm trọng và gây thiệt hại lớn cho nông dân, những năm qua, UBND TP Đà Lạt đang nỗ lực cấp chứng nhận nhãn hiệu “nông sản Đà Lạt” cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh lực sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả đạt yêu cầu đề ra.
Đây được xem là một giải pháp căn bản nhằm bảo vệ nông sản Đà Lạt. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực xây dựng thương hiệu, làm trong sạch nông sản Đà Lạt của chính quyền và người nông dân thì một bộ phận không nhỏ tiểu thương lại nhập nông sản Trung Quốc với số lượng lớn về địa phương, sau đó thay nhãn mác, đóng sản phẩm vào bao bì mới xuất bán đi nhiều nơi, trong đó có cả thị trường Campuchia.
Điều đáng nói, nếu như trước đây, các loại nông sản Trung Quốc được nhập về Đà Lạt chủ yếu vào thời điểm các mặt hàng ở Lâm Đồng khan hiếm, giá cả lên cao như hành tây, khoai tây, cà rốt… thì nay các nông sản của Trung Quốc gần như hiện diện quanh năm ở Lâm Đồng.
Tại huyện Đơn Dương, Công ty TNHH Đ.X.A là doanh nghiệp chuyên nhập nông sản Trung Quốc về địa phương. Theo Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Đơn Dương, trung bình mỗi ngày doanh nghiệp này nhập về khoảng 16 tấn nông sản của Trung Quốc.
Vào cuối năm 2016, công ty trên đã bị các cơ quan chức năng tạm đình chỉ hoạt động vì nhiều vi phạm liên quan đến nguồn gốc hàng hóa, nhãn mác, các giấy tờ liên quan.
Tại Chợ nông sản Đà Lạt các mặt hàng nông sản của Trung Quốc cũng lấn át sản phẩm cùng loại được sản xuất tại Đà Lạt. Hành tây, khoai tây, cà rốt… của Trung Quốc mỗi ngày được nhập về chợ nhiều container.
Tại đây, các tiểu thương nhanh chóng phân loại sản phẩm, trộn với đất đỏ (loại đất đặc trưng của Đà Lạt) cho giống với nông sản được trồng trên vùng đất này, đóng vào bao bì mới và vận chuyển đi tiêu thụ, phần lớn là thị trường TP HCM.
Theo Ban quản lý Chợ nông sản Đà Lạt, điều phi lý là từng có thời điểm hành tây, khoai tây của Trung Quốc lại được vận chuyển từ TP HCM vượt hơn 300km ngược lên Đà Lạt để làm động tác “mặc áo”, tức trộn đất đỏ và đóng vào một loại bao bì, nhãn mác mới sau đó lại chở về các chợ đầu mối ở TP HCM.
Kết quả phân tích các mẫu nông sản có xuất xứ từ Trung Quốc được nhập về Chợ nông sản Đà Lạt tại Chi Cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng thời gian gần đây chưa phát hiện các chỉ số độc hại vượt quá ngưỡng cho phép.
Tuy nhiên, việc tràn lan nông sản Trung Quốc ở thủ phủ rau Đà Lạt và cố tình tạo sự mập mờ về nguồn gốc, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng đã làm thiệt hại trực tiếp nông dân Đà Lạt và người sử dụng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nông sản của Trung Quốc được các tiểu thương tại Lâm Đồng nhập về thông qua một số doanh nghiệp ở các tỉnh phía Bắc, giáp với biên giới Trung Quốc. Giá hầu hết các loại nông sản của Trung Quốc chỉ bằng 20-30% so với mặt hàng cùng loại được sản xuất tại Đà Lạt và vùng lân cận.
Sau khi nhập về đây, chỉ qua một công đoạn đơn giản, các tiểu thương xuất bán với giá tương đương, hoặc thấp hơn đôi chút so với nông sản Đà Lạt. Buôn bán nông sản Trung Quốc lợi nhuận cao, lại có hàng quanh năm nên nhiều tiểu thương sẵn sàng “tự hại” thị trường nông sản trong nước.
Nông sản Trung Quốc được nhập về Chợ nông sản Đà Lạt. |
Nông sản Đà Lạt ngày càng gặp khó
Tại TP Đà Lạt và các huyện lân cận, giá hầu hết các loại nông sản giảm từ 20%-30%, thậm chí nhiều mặt hàng còn giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều nông dân Đà Lạt cho biết, khi thị trường thông thương, thủ tục đơn giản thì nông sản Trung Quốc tràn vào Đà Lạt ngày càng nhiều, cùng với đó là những đợt nông sản mất giá “bán không ai mua, cho không ai lấy” lặp lại nhiều hơn.
Trước đây, nông sản Đà Lạt vốn chiếm ưu thế lớn trên thị trường nay đang không cạnh tranh được với mặt hàng cùng loại của Trung Quốc.
Theo ông Trần Thanh Vũ, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Đơn Dương, phần lớn các mặt hàng nhập từ Trung Quốc được sơ chế lại sau đó đem đi tiêu thụ một số địa bàn khác.
“Cái khó là họ có giấy tờ hợp pháp, vẫn thừa nhận là hàng Trung Quốc, và chúng tôi chỉ kiểm tra được khi còn ở trên địa bàn. Lúc vận chuyển tới nơi tiêu thụ, họ giới thiệu là hàng Trung Quốc hay Đà Lạt thì chúng tôi không thể kiểm soát được”, ông Vũ nói.
Trong khi đó, một lãnh đạo Ban quản lý chợ nông sản Đà Lạt xác nhận, đã có những chủ quầy kinh doanh bao nhiêu năm nay tại chợ giờ phải gửi đơn xin nghỉ vì hàng Đà Lạt không xuất đi được, thậm chí có người phải bán cả xe tải để trả nợ. “Chưa thấy năm nào mặt hàng nông sản Đà Lạt lại rơi vào thảm cảnh như thế!..”, người này nói.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho biết, để ngăn chặn tình trạng gian lận giữa nông sản Trung Quốc với nông sản Đà Lạt, những năm qua tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc giao cho UBND TP Đà Lạt chủ trì, tăng cường kiểm tra và trao nhãn hiệu “nông sản Đà Lạt” cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện. Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng cũng kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp gian lận, gây ảnh hưởng xấu tới nông sản Đà Lạt.