Nông dân trồng rau sạch ở Quảng Bình khốn đốn sau bão lũ

Cơn bão số 10 đã đi qua hơn 1 tháng nay, nhưng những nông dân trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP ở tỉnh Quảng Bình đang khốn đốn khắc phục thiệt hại. Một số hộ dân trắng tay, đứng trước nguy cơ nợ nần.

Con đường làng nhỏ dẫn vào thôn Hà Trung, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới những ngày này còn bị cát bị bao lấp. Ông Nguyễn Hữu Túy, một hộ dân đi đầu trong việc trồng rau trên núi cát ven biển cặm cụi vun vén từng gốc khoai lang và luống rau mồng tơi còn sót lại sau bão.

Hệ thống nhà giàn trồng rau khoảng 1 tỷ đồng bị bão bẻ gãy cong.

Hệ thống nhà giàn trồng rau khoảng 1 tỷ đồng bị bão bẻ gãy cong.

Ông Túy kể, mưa lũ đã làm gần 2 ha rau màu bị dập nát. Rau muống, cà chua, bí đỏ, rau lang… bị nước mưa xối vào làm thối nát, gió bão thổi đất, cát vùi lấp giàn mướp đắng, giàn dưa lê đang vào mùa thu hoạch. Hệ thống nhà lưới làm bằng sắt thép kiên cố khoảng một tỷ đồng cũng bị gió bão bẻ gãy cong, sập đổ.

“Hoa màu sản xuất trong nhà lưới cũng như ngoài trời bị bão vùi dập, các mặt bằng sản xuất bị biến dạng nên gia đình phải cải tạo, khôi phục mặt bằng sản xuất”, ông Túy than thở.

Còn ở thôn Kéc, xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch, những ngày này “kỹ sư” nông dân Lê Đình Quả đang vay vốn mua lại sắt thép, lưới bạt sửa chữa trang trại. Bao nhiêu vốn liếng đầu tư vào trang trại chưa kịp thu hồi, cơn bão số 10 càn quét qua, hơn 1 ha rau màu đủ loại của gia đình anh tan hoang, héo úa.

Anh Lê Đình Quả cho hay, trước cơn bão trang trại rau xanh mướt, đẹp như tranh vẽ nhưng sau bão, không còn lại một thứ gì.

“Bão và mưa rất nhiều khiến lưới che xung quanh trang trại rách hết, lưới che nắng, chống côn trùng, che nắng cũng hỏng. Khó khăn hơn là lượng mưa lớn khiến người sản xuất rau mất hết giống giống rau”, anh Quả cho biết.

Trong khi đó, ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết, mùa mưa bão ở Quảng Bình kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12, nông dân trồng rau vụ hè thu thường thất bát. Nhiều hộ cần khoản tiền lớn phải vay từ ngân hàng nhưng các ngân hàng thường “e dè” với những khách hàng này.

 Ông Túy xót xa bên giàn dưa lê bị gió cát vùi lấp.

Ông Túy xót xa bên giàn dưa lê bị gió cát vùi lấp.

Hiện nay, tỉnh Quảng Bình có 4 hộ dân bỏ tiền tỷ mở trang trại rau sạch và được cấp chứng chỉ VietGAP, nhưng theo ông Lê Xuân Tứ, để mô hình trồng rau theo chuẩn VietGAP phát huy hiệu quả, người nông dân cần đầu tư công nghệ của Israel và tính toán mùa vụ sản xuất cho phù hợp với thời tiết ngày càng cực đoan.

“Chi cục khuyến cáo bà con nên sản xuất vụ Đông Xuân, nếu sản xuất trong vụ Hè Thu thì nên trồng ở nơi có mực nước ngầm cao để đảm bảo đủ nước và chỉ sản xuất các loại rau ăn lá. Để phát triển cây rau Quảng Bình, đòi hỏi cần có công nghệ cao, với hệ thống nhà lưới công nghệ của Israel để chống lại mưa bão”, ông Tứ khuyến cáo.

Hằng năm, cứ đến mùa bão, thị trường rau củ, quả tại tỉnh Quảng Bình thường rất thiếu thốn. Các loại rau, củ, quả nhập về từ các nơi không đáp ứng đủ nhu cầu.

Một số hộ đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư trồng rau sạch trong mùa mưa bão để cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, sau các trận mưa bão vừa qua nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại, nông dân trắng tay./.

70.000 đồng/kg hành lá, nhiều loại rau tăng giá gấp đôi

Bài viết mới