Bắt đầu tìm đến cây mận từ 20 năm trước, bà Loan cũng như nhiều nhà vườn nhận thấy đặc điểm về đất và khí hậu mát mẻ của thung lũng Nà Ka (xã Tân Lập, tiểu khu Pa Khen I) có điều kiện thuận lợi để cây mận phát triển nên đã lựa chọn canh tác giống cây này.
Tổng diện tích của thung lũng mận khoảng 1.500 ha. Ảnh: KD
Từ những cây giống nhỏ được tách chiết, chỉ sau 3 năm, lứa mận đầu tiên đã được thu hoạch đem lại gần một trăm triệu cho chủ vườn. “Mận ngày xưa mỗi năm chỉ thu được một mùa chính, từ độ rằm tháng ba trở đi”, thời gian còn lại người nông dân phải tỉa lá, tỉa cành khô, làm cỏ, trừ sâu, nấm, rệp… để đảm bảo cho năng suất cây trồng.
Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây, thu nhập từ cây mận Mộc Châu của người dân lại tăng lên đáng kể. Lí giải điều này, bà Loan cho rằng: “Mấy năm nay, khách du lịch tìm đến rất nhiều”. Do vậy, các dịch vụ du lịch mới được mở ra như: Vào vườn chụp ảnh với hoa mận (tháng 11- tháng 12), trải nghiệm thu hoạch mận (tháng 4 – tháng 6)…
Thời điểm hoa mận mới bung nở, một vé vào cửa vườn dao động từ 10.000- 20.000 đồng một người, dịch vụ hái mận hậu khoảng thời gian sau đó mỗi lượt 20.000- 25.000 đồng. Chưa kể, do hoa có đợt nở sớm nên lượng mận trái mùa cũng đem về một nguồn thu nhất định cho nhà vườn. Bà Loan chia sẻ: “Năm ngoái, lứa mận đầu ra sớm cũng thu được 60 triệu đồng”.
Mùa thu hoạch chính của mận Mộc Châu từ khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5. Do đặc tính thu hái loại quả này là phải đi từng hàng cây, lựa những trái chín đạt yêu cầu, nên bà Loan phải thuê thêm nhân công. “Vào vụ, tôi phải thuê 7-8 người làm, nuôi ăn ở trong cả một tháng thì mới đáp ứng được việc”.
Tính đến cuối mùa, vườn nhà bà Loan thu được 80 tấn mận, nhà vườn nào rộng hơn thu được cả trăm tấn, bán chủ yếu cho thương lái. “Khách du lịch mua thì ít chỉ vài cân, người nào đem về bán hàng trên mạng thì lấy nhiều hơn, khoảng 30- 50kg, có người đến một tạ”. Tổng thu nhập của mùa mận chính là hơn 500 triệu đồng.