Nông dân Lâm Đồng “điên đầu” vì sâu bệnh

Ngày 5.1, tại cuộc họp giao ban định kỳ hàng tháng của UBND tỉnh Lâm Đồng về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội tháng 12.2107, vấn đề dịch bệnh trên cây trồng được nhấn mạnh.

Theo đó, thời gian gần đây, một số dịch bệnh đã lan rộng, gây tổn thất lớn cho bà con nông dân như rầy nâu, đạo ôn lá, khô vằn trên cây lúa. Bệnh xoăn lá, mốc sương gây hại trên cây cà chua. Bệnh sưng rễ trên cây rau họ thập tự, bệnh héo vàng trên cây cúc, sâu đục thân, bọ xít muỗi trên cây cà phê và điều…

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh, các cây trồng chủ lực bị tàn phá nặng nề bởi sâu bệnh. Đặc biệt là cây điều với hơn 7.600ha bệnh thán thư và hơn 7.100ha bị bọ xít muỗi gây hại. Nhiều nông dân trồng chè cũng đau đầu vì cây trồng này bị nhiễm bọ xít muỗi và bọ cánh tơ, bệnh khô cành. Diện tích ảnh hưởng gần 11.000ha.

Ngoài ra, nông dân trồng hoa cúc ở TP. Đà Lạt, huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà cũng bị ảnh hưởng nặng bởi bệnh héo vàng do virus, nhiễm 80ha. Diện tích lớn trồng lúa bị ảnh hưởng nặng với hơn 538ha lúa bị bệnh đạo ôn lá, hơn 1.600ha bệnh khô vằn, gần 300ha bệnh rầy nâu và sâu cuốn.

Cây càphê – cây trồng chủ lực của bà con nông dân ở tỉnh Lâm Đồng nhất là các huyện Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng – bị ảnh hưởng nặng bởi bệnh sâu đục thân và bọ xít muỗi. Hơn 3.000ha diện tích càphê bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, bệnh xoăn lá do virus trên cây cà chua khiến nông dân lẫn cơ quan chức năng “điên đầu” vì chưa tìm ra thuốc đặc trị. Tại Lâm Đồng, bệnh xoăn lá xuất hiện từ lâu nhưng gần đây gia tăng trên cây cà chua. Có khoảng 931ha cây cà chua bị ảnh hưởng. Nhiều gia đình phải nhổ bỏ hàng hecta cà chua và chuyển đổi bằng cây trồng khác. Đó cũng là lý do giá cà chua năm nay tăng mạnh.

Trồng 600 chậu quất cảnh Tết, thu lãi gần 300 triệu đồng

Bài viết mới