“Nóng” các vụ đường cát nhập lậu

Tại thị trường nội địa, riêng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh kiểm tra 29 vụ thì phát hiện đến 25 vụ vi phạm, 4 vụ còn lại đang tiếp tục làm rõ. Chi cục QLTT đã tạm giữ hơn 138 tấn đường vi phạm…

Thực tế, tình trạng buôn lậu mặt hàng đường cát không phải mới đây mà đã bùng phát từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, mức độ vi phạm của các đối tượng buôn lậu đường ngày càng tinh vi hơn đã khiến công tác chống buôn lậu càng khó khăn, tình trạng đường lậu tuồn vào thị trường nội địa ngày càng lớn.

“Nóng” các vụ đường cát nhập lậu - Ảnh 1.

Tình trạng đường lậu tuồn vào thị trường nội địa ngày càng lớn.

Theo lực lượng chống buôn lậu, giá đường trong nước cao hơn đường Thái Lan nhập lậu 1.000 – 2.000 đồng/kg chính là nguyên nhân khiến đường trong nước cạnh tranh kém, tiêu thụ chậm. Đường nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu từ Thái Lan. Qua từng thời điểm, phương thức và địa bàn hoạt động của các đối tượng buôn lậu cũng thay đổi để dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng.

Trước đây, ở phía Nam đường nhập lậu chủ yếu qua biên giới các tỉnh An Giang, thì nay mở rộng ra Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh, Bình Phước. Phương thức, thủ đoạn nhập lậu cũng được các đối tượng thay đổi thường xuyên và ngày càng tinh vi hơn. Như ở An Giang, có sông biên giới nên đường lậu “tập kết” bên kia biên giới thuộc Campuchia, sau đó vận chuyển vào Việt Nam bằng ghe và sau đó chuyển ngay lên xe tải nhỏ 6-7 tấn.

Ngoài vận chuyển bằng xe tải nhỏ, các đối tượng còn “ngụy trang” đường cát nhập lậu trên những chuyến xe khách, xe ôtô gia đình hay xe máy để đưa về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Tại TP Hồ Chí Minh, có một số đầu nậu chuyên buôn đường lậu tiếp nhận hàng và phân phối đi các quận, huyện và các tỉnh miền Đông. Tại Hội nghị “Triển khai đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới các tỉnh trọng điểm Tây Nam Bộ 6 tháng đầu năm 2018” vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, bà Lê Thị Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, dù chưa là “điểm nóng” của hàng lậu, nhưng tình hình buôn lậu đường cát tại địa phương này diễn biến hết sức căng thẳng.

Đường lậu chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan, sau khi hàng cập bến tàu vào Việt Nam, các đối tượng thuê nhân công dùng xe máy chờ sẵn, vận chuyển đường lậu thẳng đến “kho” hàng. Tại đây, đường lậu được sang chiết vào bao giấy rồi đưa đi tiêu thụ.

Ngoài các thủ đoạn để đưa số lượng lớn đường nhập lậu vào thị trường nội địa, các đối tượng còn dùng thủ đoạn để hợp thức hóa lượng đường nhâp lậu để công khai bán ngoài thị trường. Cụ thể, để có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, các đối tượng sử dụng hóa đơn quay vòng của một số nhà máy đường trong nước.

Sử dụng hóa đơn mua hàng từ nguồn đường lậu bị bắt được đem bán đấu giá của các cơ quan chức năng. Sử dụng chứng từ của một số công ty nhập khẩu hợp pháp đường để báo xuất xứ hàng hóa.

Mới đây, Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh phối hợp với Tổ công tác 334 của Cục QLTT (Bộ Công Thương) đồng loạt kiểm tra 10 điểm kinh doanh đường cát trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, kết quả 100% điểm kinh doanh đều phát hiện vi phạm. Cụ thể, kiểm tra Chi nhánh Công ty TNHH DL-TM Thành Thành Phát (quận Bình Tân), lực lượng phối hợp phát hiện đơn vị này kinh doanh đường cát không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đội QLTT 3A lập biên bản tạm giữ hơn 3,7 tấn đường cát vàng đựng trong bao giấy dầu (12kg/bao) và 2 tấn đường cát trắng đựng trong bao (50kg/bao). Kiểm tra một cơ sở kinh doanh trên đường Võ Văn Kiệt, Đội QLTT 3A cũng tạm giữ 5 tấn đường cát vàng có nhãn ghi Công ty CP Mía đường Sóc Trăng hết hạn sử dụng tháng từ 4-2018 và 3,6 tấn đường cát ghi cơ sở Ngọc Bích không có hóa đơn chứng từ.

Kiểm tra tại một số điểm kinh doanh đường ở quận 6, Đội QLTT 5A tạm giữ hơn 32 tấn đường cát, đường phèn không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lực lượng kiểm tra cũng tạm giữ 12,5 tấn đường cát (loại 1kg/gói) và (loại 5kg/gói) của Công ty TNHH TM Hoàn Bảo Nguyên (quận 6) để tiếp tục làm rõ…

Ông Trần Hùng, Tổ trưởng Tổ Công tác 334 của Cục QLTT cho biết, Tổ công tác cũng đã phối hợp cùng Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiểm tra, đánh giá cho thấy tình hình đường nhập lậu, giả xuất xứ… rất nghiêm trọng. Tổ công tác 334 đã phối hợp với lực lượng QLTT các địa phương để xử lý tận gốc tình trạng kinh doanh đường cát trái phép, đường cát nhập lậu trên địa bàn.

Sắp tới, tại các tỉnh như Tây Ninh, An Giang, Long An, Kiên Giang, Tổ công tác sẽ cùng với lực lượng QLTT địa phương tổ chức kiểm tra và xử lý tình trạng kinh doanh đường cát bất hợp pháp, nhất là sản phẩm đường nhập lậu, để lập lại trật tự thị trường và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất đường cát trong nước trước sức ép dữ dội của đường cát nhập lậu.

Ngành mía đường lao đao vì tồn kho và đường lậu

Bài viết mới