Nóng bỏng bức tranh 2018

Những dự đoán và góc nhìn của giới chuyên gia về các cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và Syria, cũng như nguy cơ xung đột tiềm tàng giữa Mỹ và Triều Tiên, sẽ mang lại một bức tranh rõ ràng hơn về những điểm nóng này trong năm mới 2018.

Mỹ – Triều đàm phán hay chiến tranh?

Năm qua, căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên dâng cao ở mức chưa từng thấy trong bối cảnh chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng cũng được đẩy mạnh ở mức độ lớn nhất từ trước tới nay, bất chấp trừng phạt của Mỹ và Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Nhà Trắng đã phát đi những thông điệp nhiễu loạn đối với vấn đề này, khiến nhiều bên liên quan không khỏi bối rối. Những cố vấn cấp cao của Tổng thống Donald Trump tỏ ý muốn đặt giải pháp ngoại giao lên trên hết trong khi ông chủ Nhà Trắng không ngừng tuôn ra những đe dọa gay gắt thiên về giải pháp quân sự. “Điều tệ hại nhất có thể xảy ra với tất cả chúng ta, đó là cuộc mộng du vào chiến tranh” – Tổng Thư ký LHQ António Guterres đã nói hôm 14-12-2017.

Pháo hoa thắp sáng trên bầu trời nhà hát opera Sydney - Úc đêm giao thừa Ảnh: REUTERS
Pháo hoa thắp sáng trên bầu trời nhà hát opera Sydney – Úc đêm giao thừa Ảnh: REUTERS

Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham cho rằng có 30% khả năng ông Trump sẽ khởi chiến với Triều Tiên. Các chuyên gia trong cộng đồng học thuật dường như cũng lo ngại kịch bản xấu như thế sớm muộn cũng xảy ra. “Tôi tin rằng một cuộc xung đột không chắc chắn xảy ra (trong năm 2018) nhưng vẫn có khả năng bùng phát, nguy cơ có thể cao hơn bất cứ thời điểm nào nào kể từ khủng hoảng hạt nhân năm 1994” – nhà sử học Charles K. Armstrong, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại Trường ĐH Columbia (Mỹ), nói với trang Newsweek.

Dù vậy, ông Amstrong vẫn đặt cược vào khả năng chính quyền của ông Trump sẽ đàm phán với chính quyền của ông Kim Jong-un trong năm mới: “Đó là cách duy nhất để tránh một cuộc chiến tranh. Nếu không sớm bắt đầu đàm phán, Triều Tiên sẽ còn thử nhiều tên lửa nữa trong năm 2018”.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm 26-12-2017 cũng đưa ra dự đoán Triều Tiên sẽ tìm cách thương lượng với Mỹ vào năm 2018, trong khi tiếp tục nỗ lực để được công nhận là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Đây có thể là một sự thay đổi chiến thuật đáng chú ý của Bình Nhưỡng sau một năm dồn lực phát triển tên lửa và hạt nhân với những kết quả khiến thế giới sửng sốt.

Khó dứt điểm ở Syria, Ukraine

Ở một điểm nóng khác cũng không hề kém nhiệt, cuộc chiến đẫm máu ở Syria đã kéo dài hơn nửa thập niên. Theo LHQ, từ khi bùng nổ năm 2011, cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của 400.000 người và biến quốc gia Trung Đông thành “ổ di dân” lớn nhất thế giới với khoảng 5,4 triệu người. Ban đầu, đây là cuộc nội chiến giữa quân nổi dậy chống chính phủ và lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Nhưng rồi nó nhanh chóng chuyển biến phức tạp, dính líu tới nhiều phe đối địch, trong đó có các nhóm thánh chiến, bao gồm tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tình hình rối loạn vô tình tạo nên môi trường lý tưởng cho IS trỗi dậy, chiếm nhiều vùng đất ở Syria và Iraq láng giềng. Dù đã bị đánh bại ở hai nước này, IS vẫn chưa hết gây đe dọa. Các chuyên gia cũng tỏ ra nghi ngờ về triển vọng kết thúc những hành động thù địch ở Syria trong năm 2018. “Tôi rất buồn phải nói rằng xem ra không thể kết thúc chiến tranh. IS vẫn duy trì cả ý chí lẫn khả năng tiếp tục gây ra một cuộc nổi dậy. Al-Qaeda có quân ở phía Tây Syria và muốn đưa chiến tranh trở lại các thành phố Syria, trong khi chúng đang nổi lên lại ở Đông Syria, thành trì lịch sử của chúng” – nữ chuyên gia lên kế hoạch tình báo Jennifer Cafarella (ở Học viện Nghiên cứu chiến tranh, Mỹ) nói với Newsweek.

Bà cũng cho rằng ông Assad không sẵn sàng đàm phán các điều khoản thỏa đáng với phe đối lập. Phía Mỹ không làm gì để gây áp lực, thay vào đó lại gần như làm ngơ cho Nga và Iran hà hơi tiếp sức cho tổng thống Syria. Nữ chuyên gia cho rằng sắp tới vai trò của Mỹ trong cuộc chiến này cũng rất không chắc chắn và chính phủ Tổng thống Trump sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi.

Khi sự chú ý của thế giới hướng vào sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở các nước phương Tây, cuộc xung đột Syria hay các cuộc thử nghiệm tên lửa tầm xa của Triều Tiên cùng nhiều vấn đề khác, cuộc chiến ở Ukraine ít nhiều bị quên lãng. Nhưng nó vẫn ở đó. Cuộc xung đột giữa quân chính phủ Ukraine với quân ly khai thân Nga tại miền Đông nước này bắt đầu từ năm 2014 và tới nay đã tước đi mạng sống của 10.000 người, bao gồm 2.500 dân thường. Theo Reuters, chiến tuyến gần 460 km ở Đông Ukraine đã trở thành khu vực nhiều bom mìn thứ 3 thế giới, gây thương vong đối với 103 dân thường trong 9 tháng đầu năm 2017.

“Cuộc chiến vẫn còn nguyên sự khốc liệt” – ông John E. Herbst, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Âu – Á Dinu Patriciu (thuộc Hội đồng Atlantic, Mỹ) nhận định. “Từ tháng 4-2014, không ngày nào không có giao chiến ở Ukraine. Mỗi ngày thậm chí ghi nhận trung bình không dưới 2 vi phạm lệnh ngừng bắn”.

Cũng theo phân tích của nhà ngoại giao kỳ cựu, cuộc xung đột đã rơi vào bế tắc nhưng cũng chẳng thể trông mong sẽ dứt điểm trong năm 2018. “Nó sẽ còn dây dưa nhiều năm, có thể một hoặc hai thập kỷ” – ông Herbst nói, đồng thời cho rằng tình thế lúc này đang đứng về phía chính quyền Ukraine. Theo nhận định của ông, Nga ít nhiều thấm đòn trừng phạt kinh tế, hơn nữa nếu tái đắc cử trong năm 2018, Tổng thống Vladimir Putin hẳn sẽ đối mặt với áp lực giảm bớt can thiệp vào chiến sự này.

Tăng cường an ninh đón năm mới

Với những tiếng chuông rộn ràng, quốc đảo Samoa, Tonga và đảo Christmas của Cộng hòa Kiribati đón chào năm mới 2018 sớm nhất trên thế giới, từ lúc 17 giờ chiều 31-12, theo giờ Việt Nam.

Trong khi đó, hơn 500.000 người đổ về TP Melbourne – Úc để chiêm ngưỡng màn trình diễn pháo hoa chào đón năm mới rực rỡ nhất từ trước đến nay. Cũng như nhiều “điểm hẹn” năm mới trên thế giới, an ninh được thắt chặt hơn thường lệ tại thành phố nhiều năm được đánh giá là đáng sống nhất thế giới này.

Tại Mỹ, khoảng 2 triệu du khách và người dân đổ về khu vực Quảng trường Thời đại ở TP New York để tham gia sự kiện “Thả rơi Trái cầu” lần này có một trải nghiệm hiếm thấy. Họ phải đi qua các trạm kiểm tra vũ khí bên cạnh chó nghiệp vụ và lực lượng cảnh sát vũ trang. Cảnh sát đã được huấn luyện đặc biệt để ngăn những kẻ đánh bom liều chết, trong khi lực lượng bắn tỉa cùng trực thăng và các lực lượng an ninh chiến thuật cũng được triển khai thêm trên những tòa nhà xung quanh khu vực.

TP Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) triển khai hơn 40.000 nhân viên an ninh để bảo đảm an ninh trong đêm giao thừa. Pháp triển khai gần 140. 000 nhân viên an ninh trên khắp cả nước vào mùa lễ hội cao điểm.

Tại London – Anh, sau 4 vụ tấn công khủng bố lớn trong năm 2017, lực lượng an ninh cũng được tăng cường tuần tra trong đêm giao thừa, cùng cảnh sát mật và chó nghiệp vụ. Đáng chú ý, giới chức Đức thậm chí thiết lập các khu vực an ninh dành cho phụ nữ, sau vụ việc hàng trăm phụ nữ ở TP Cologne bị các nhóm nam giới tấn công dịp giao thừa năm trước.

Tại châu Á, giới chức các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia…cũng tăng cường lực lượng cảnh sát cùng binh sĩ tới các thành phố lớn để bảo vệ các sự kiện chào đón năm mới.

Cao Lực

Năm mới trò chuyện cùng Phó TGĐ Samsung Việt Nam: Món ăn yêu thích của tôi là phở bò!

Bài viết mới