Nỗi lo đầu ra rau an toàn

Năm 2015, UBND xã Hưng Khánh bố trí 5ha đất bãi, không thu tiền sử dụng đất để khuyến khích người dân sản xuất rau an toàn. Sau 2 năm, nhiều hộ dân đã đầu tư kéo đường điện ra tận bãi, xây bể dự trữ, khoan giếng lấy nước tưới rau.

Nỗi lo đầu ra rau an toàn - Ảnh 1.

Cánh đồng rau Hưng Khánh bạt ngàn

Mới đây, Phòng NN-PTNT huyện Hưng Nguyên cũng đã dựng 1 nhà lưới làm vườn ươm trên cánh đồng này để hỗ trợ nông dân. Thế nhưng, đến nay cũng chỉ có 3,5ha sản xuất rau hướng VietGAP với lý do đầu ra “nhỏ giọt”, chủ yếu phân phối qua kênh bán lẻ.

Ngỡ chúng tôi ra bãi mua rau về ăn, một lão nông đon đả mời: “Chú vào mua đi, rau đảm bảo không dùng thuốc, an toàn. Đầu vụ còn bán được 7 – 10 nghìn đồng/bắp cải nhưng nay thì 4 – 5 nghìn đồng/bắp cũng bán thôi”.

Theo nông dân xã Hưng Khánh, vụ đông 2015, 2016, toàn xã mới sản xuất 2ha rau theo hướng an toàn. Thời điểm đó, giá bắp cải lên đến 10 – 15 nghìn đồng/kg cũng không đủ bán, nông dân phấn khởi, nhiều hộ cùng tham gia sản xuất rau vụ đông năm nay. Vụ này thời tiết thuận lợi, rau phát triển tốt, sản lượng tăng, cung vượt cầu khiến giá cả xuống thấp, khó bán. Tuy làm rau vụ đông vẫn lãi gấp nhiều lần so với trồng ngô nhưng nông dân lo lắng vì càng về cuối vụ, giá càng thấp.

“Tôi trồng 1 sào bắp cải, tương đương khoảng 1.800 bắp. Vụ thu hoạch đã bắt đầu được nửa tháng nhưng đến nay mới bán lẻ được trên dưới chục bắp thôi. Giá năm nay rẻ quá, đầu vụ cũng chỉ 7 – 10 nghìn đồng/kg. Mấy ngày nay chỉ thấy một vài thương lái đến mua với số lượng ít ỏi. Sản xuất ra nhiều, bán sỉ chứ bán lẻ thế này khi nào cho hết hàng?”, ông Hoàng Văn Lộc, nông dân xóm 1 cho biết.

Nỗi lo đầu ra rau an toàn - Ảnh 2.

Ông Trịnh Văn Ngọ, Chủ nhiệm HTXNN Hưng Khánh cho biết thêm, hai năm trước, bình quân nông dân Hưng Khánh thu về trên 200 triệu đồng/ha rau màu vụ đông trên đất bãi bồi, trừ chi phí lãi ròng chừng 120 triệu đồng chỉ sau 3 – 4 tháng. Năm nay, rau lứa 1 sắp đến kỳ thu hoạch nhưng khách mua rất ít, chủ yếu là mua lẻ về ăn. Nhiều hộ phải chở xuống TP Vinh và các vùng phụ cận để bán nhưng đưa rau an toàn ra chợ bán giá cả không xứng với công đầu tư chăm sóc, tính tiền xăng xe, tiền công thì không còn lãi là bao.

“Giai đoạn mới vào vụ đông, nhiều đơn vị, lái buôn đến liên hệ để đặt hàng nên nông dân phấn khởi, diện tích vì thế tăng lên. Nhưng không hiểu sao thời điểm này họ không quay lại khiến bà con như ngồi trên đống lửa vì rau không xuất bán được. Vụ lạc xuân lại sắp cận kề rồi, nếu rau không xuất bán được thì chỉ có nước phá bỏ đi thôi”, ông Ngọ lo lắng.

Để quán triệt và giám sát việc sản xuất rau đảm bảo an toàn, trên diện tích 3,5 ha, HTXNN Hưng Khánh thành lập 5 tổ giám sát. Tổ trưởng và các thành viên có trách nhiệm nhắc nhở nhau hạn chế tối đa sử dụng thuốc BVTV. Với trường hợp bắt buộc phải sử dụng thuốc, HTX hướng dẫn phun thuốc thảo dược làm từ gừng, tỏi… Trường hợp bất đắc dĩ, HTX cấp thuốc và giám sát việc phun trừ, đảm bảo thời gian cách ly trước khi bán ra thị trường.

“Qua 3 năm sản xuất, nhìn chung các hộ xã viên đều tuân thủ quy trình sản xuất rau an toàn. Nhiều đêm, người dân trưng đèn bắt sâu đến tận khuya. Công bỏ ra nhiều, nếu đầu ra ổn định, giá cả cao thì không nói làm gì. Đằng này, giá thấp lại còn khó bán khiến nhiều hộ chán nản”, ông Hoàng Văn Lộc, tổ trưởng tổ giám sát số 1 cho biết.

Vài năm trở lại đây Nghệ An đã hình thành nhiều vùng sản xuất rau an toàn. Tuy nhiên, khi triển khai lại không có sự liên kết và không nằm trong chuỗi sản xuất, thường rơi vào tình cảnh được mùa, rớt giá. Đây thực sự là một thách thức trong việc phát triển các vùng rau an toàn khi nông dân bỏ công đầu tư, chăm bón lớn nhưng thị trường tiêu thụ khó khăn, giá cả thấp.

Rau quá rẻ, nông dân khóc ròng vì phải nhổ cho bò ăn

Bài viết mới