Nỗi lo chiến tranh thương mại “phủ bóng đen” lên ngành hàng không thế giới

Căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng có thể gây ra những tổn hại không nhỏ đến ngành hàng không cũng như kinh tế thế giới. Đó là lời cảnh báo vừa được lãnh đạo các doanh nghiệp và lãnh đạo ngành hàng không thế giới đưa ra tại hội nghị thường niên lần thứ 74 của IATA đang diễn ra ở Sydney (Úc).

Những động thái mới đây của Mỹ được cho là đã “châm ngòi” cho chiến tranh thương mại khi đe dọa sẽ đánh thuế nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc và áp thuế lên nhôm thép nhập khẩu từ nhiều nước đồng minh gồm Canada, Mexico và các nước EU.

Theo ông Alexandre de Juniac, tổng giám đốc của IATA, “bất kỳ động thái nào làm cản trở hoạt động thương mại và có thể dẫn đến hệ quả làm lượng hành khách đi lại bằng máy bay giảm xuống đều là tin xấu”.

“Tin tức về các lệnh cấm vận, chính sách thuế quan và xung đột địa chính trị xuất hiện trên báo chí ngày càng nhiều. Bóng ma chiến tranh thương mại đang hiện diện. Những cuộc tranh luận về di cư và nhập cư ngày càng gay gắt, trong khi niềm tin giữa các quốc gia ngày càng trở nên mong manh hơn”.

Trong khi đó bà Gloria Guevara Manzo, CEO của Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (WTTC), nhận định môi trường bất ổn hiện nay có thể làm giảm nhu cầu về các chuyến đi công tác (business trip) vốn là một trong những nguồn lợi nhuận chính của ngành hàng không. “Các doanh nghiệp cần phải chờ đợi điều gì sẽ diễn ra tiếp theo, doanh nghiệp của họ có bị ảnh hưởng không, liệu có phải đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thị trường khác hay không. Chiến tranh thương mại chẳng bao giờ đem lại điều gì tốt đẹp”, bà nói.

Bên cạnh đó, WTTC còn lo ngại bối cảnh hiện nay khiến các nước giảm lượng vốn đầu tư vào các cơ sở hạ tầng như sân bay, khách sạn hay cầu cảng bến bãi – điều không tốt cho sự phát triển của ngành hàng không.

Đồng tình với quan điểm chung, đại diện của các nhà sản xuất máy bay Boeing và Airbus nhấn mạnh sự thiếu chắc chắn là điều cực kỳ tệ hại đối với hoạt động kinh doanh. “Hàng không là ngành có tính chất toàn cầu. Thương mại tự do giúp tạo ra tăng trưởng kinh tế và việc làm. Ngành hàng không tồn tại là bởi mọi người có thể đi lại tự do và các thị trường đều mở cửa”. Trong khi đó 1 lãnh đạo của Boeing chia sẻ thuế nhập khẩu thép không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh của Boeing vì 90% lượng nhôm mà hãng này sử dụng là đến từ trong nước.

Hội nghị thường niên lần thứ 74 của IATA quy tụ khoảng 130 CEO hàng không và khoảng 1.000 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới. Năm nay hội nghị bị bao trùm bởi nỗi lo sau 3 năm ở mức cao đột biến lợi nhuận của ngành hàng không sẽ sụt giảm do chi phí nhiên liệu, nhân công và cơ sở hạ tầng đều tăng cao.

“Thế giới càng hạn chế hoạt động thương mại tự do hay di cư và du lịch thì sự thịnh vượng của ngành hàng không càng giảm sút”, ông de Juaniac nhấn mạnh.

Giá nhiên liệu và nhân công tăng cao, ngành hàng không toàn cầu đối mặt với nhiều áp lực

Bài viết mới