Thời buổi công nghệ cộng với công việc bận rộn nên nhu cầu mua sắm online ngày càng cao. Cũng bởi vậy, các shop bán hàng thực phẩm từ sống đến đã sơ chế sẵn, hay thực phẩm đã nấu chín mua về chỉ việc dùng ngày càng xuất hiện nhiều trên các mạng xã hội. Tuy nhiên, một điều khá nghịch lý là trong khi người tiêu dùng khá e dè về chất lương thực phẩm tại các chợ dân sinh thì đối với thực phẩm trên chợ mạng lại khá dễ dãi khi chọn lựa. Và 99% người tiêu dùng lựa chọn các shop bán thực phẩm online bằng cảm tính.
Tiện thì có tiện
Là một người bận rộn từ sáng tới tối muộn nên chị Đào Mai Trang ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội, thường xuyên mua thực phẩm trên chợ mạng về tiêu dùng. Từ rau, củ quả tươi đến thịt, cá, thủy hải sản, thậm chí, chị còn mua thực phẩm đã chế biến sẵn như cá kho, sườn rán, thịt kho tàu… về chỉ việc làm nóng lại và sử dụng, rất tiện lợi và không mất thời gian.
“Tôi thường xuyên phải ở công sở đến 19-20h mới được về, có những đợt cao điểm chạy “chiến dịch” của công ty thì chuyện 21-22h mới rời công sở là bình thường. Cũng bởi vậy, tôi thường xuyên đi chợ mạng, mua đủ các loại thực phẩm cho gia đình, đợt nào bận quá thì mua luôn món ăn đã chế biến sẵn, về nhà chỉ việc sử dụng, rất tiện lợi”, chị Mai Trang cho biết.
Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề chất lượng cũng như mối lo an toàn thực phẩm (ATTP) đối với thực phẩm được mua bán trên mạng, chị Mai Trang cũng tặc lưỡi chia sẻ: “Thú thực, mình mua thực phẩm ở siêu thị hay các chợ dân sinh mắt thấy tay sờ thì cũng chỉ là cảm tính chứ cũng khó biết chất lượng ATTP đến đâu. Còn mua thực phẩm trên mạng thì càng tù mù, có khi còn là đồ đã ôi thiu, hết “đát” được gia công lại để bán cho người dùng. Nhưng khuất mắt trông coi, với lại tôi cũng thường xuyên mua của mấy shop quen, cũng có sự tin tưởng tương đối”.
Hình ảnh bánh gai người mua nhận được và ảnh người bán quảng cáo khác xa nhau.
Xu hướng tiêu dùng online hiện đã khá phổ biến trong giới công sở nói riêng và trong giới trẻ nói chung. Cũng bởi vậy mà bán hàng trên các diễn đàn mạng, các trang website… đang trở thành phổ biến. Thậm chí, nhiều shop buôn bán uy tín trên các diễn đàn mạng thu nhập còn cao hơn các cửa hàng có mặt bằng lớn. Tất cả các loại thực phẩm tươi sống, khô, hay đã chế biến đều có thể tìm mua được trên mạng, từ đồ ăn vặt đến các món ăn chính trong bữa cơm hằng ngày.
Nguyễn Phương Tuệ Minh, sinh năm 1997, đã có thâm niên kinh doanh các món ăn trên mạng hơn 3 năm chia sẻ: “Dăm năm trước phong trào kinh doanh thực phẩm trên mạng còn khá dè dặt vì người tiêu dùng cũng nghi ngại. Ai mua hàng cũng muốn mắt thấy tay sờ, nhưng khoảng vài năm trở lại đây, người tiêu dùng đã làm quen với việc mua bán online nên công việc khá thuận lợi. Tôi kinh doanh nhiều món ăn, từ hàng tươi sống như cá, cá khô, cá biển và cá kho. Một tuần tôi kho cá vào thứ 3 và thứ 5 nhưng rất đắt khách, có hôm “cháy” hàng”.
Nhưng khó tin chất lượng
Phải thừa nhận rằng mua đồ thực phẩm trên mạng cũng có những ưu điểm như tiện, không cần ra chợ chọn lựa, cũng không cần mất công chế biến. Ngồi một chỗ, chỉ cần một cú điện thoại hay tin nhắn là đã có dịch vụ mang đến tận nơi. Tuy nhiên, không phải lúc nào hàng bán cũng đúng như quảng cáo. Cũng thường xuyên mua bán thực phẩm tươi sống trên mạng, chị Trần Thùy Trang ở Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội kể lại, có lần chị mua tôm biển của một shop quen trên mạng, chủ shop khẳng định tôm tươi ngon, vừa mới đánh bắt ở Cửa Lò rồi chuyển thẳng ra Hà Nội. Giá tôm “khá chát”, 450.000 đồng/kg, chị Thùy Trang đặt mua 1kg về hấp. “Khi ăn thì tôm cũng bình thường. Nhưng đang ăn thì đứa con gái lớn kêu lên: Mẹ ơi, con ăn phải cái tăm trong con tôm, và cháu chìa ra cái tăm nhọn hai đầu. Và, cân tôm ấy có đến 4-5 con được cắm tăm như vậy”, chị Thùy Trang cho hay.
Tìm hiểu, chị Trang mới biết, tôm bị chết rụng đầu, người bán đã cắm tăm vào con tôm để ghim đầu và thân tôm lại với nhau nhằm… lừa người mua là tôm tươi ướp đá. Ngoài ra, khá phổ biến tình trạng người bán cũng chỉ là mối buôn trung gian, nhập hàng từ các chợ đầu mối hay chợ Đồng Xuân về bán nhưng bóc mác và nhận tự làm để lấy lòng tin của người mua. Có những câu chuyện dở cười dở khóc như người bán bánh gai chụp hình bánh rất to nhưng khi nhận hàng, người mua chưng hửng vì phần ruột bánh chỉ nhỏ như hai ngón tay.
Trào lưu bán thực phẩm online du nhập ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ nhiều năm nay, nhưng cho đến thời điểm này, các cơ sở kinh doanh online chưa trải qua bất kì cuộc kiểm tra nào về ATTP. Và bởi vậy, các shop bán thực phẩm online đang nở rộ như nấm sau mưa, nhà nhà kinh doanh thực phẩm qua mạng, người người bán hàng ăn qua mạng.
Theo bà Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), người tiêu dùng là người cuối cùng trong quy trình mua bán thực phẩm, nhưng họ lại là người đầu tiên gánh chịu hậu quả. Trước xu thế chung như hiện nay, nhu cầu sử dụng thực phẩm chế biến sẵn của các bà nội trợ rất nhiều.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích trên thì việc sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn lại tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP khá cao, nhất là hàng bán qua mạng… Bởi hầu hết các cửa hàng chế biến sẵn là các cơ sở tự phát, theo hộ gia đình, kinh doanh online không có giấy phép cũng như các sản phẩm chế biến cũng không có giấy chứng nhận về ATTP. Các khách hàng biết đến cửa hàng thông qua Facebook, các trang rao vặt và các món chỉ được chủ cửa hàng cam đoan bằng miệng chứ không hề có giấy tờ chứng minh về nguồn gốc thực phẩm.
Còn theo khuyến cáo của chuyên gia, người tiêu dùng nên cân nhắc khi sử dụng những loại thức ăn được bán qua mạng không rõ nguồn gốc, nhất là đồ ăn ngay, ăn nhanh. Bởi những loại thực phẩm đó trong quá trình vận chuyển đến tay người dùng thường không bảo đảm, thậm chí không được bảo quản trong những thiết bị vận chuyển chuyên dụng theo quy định về vệ sinh ATTP, có thể nhiễm vi sinh vật, vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là bệnh tiêu chảy cấp. Chính vì vậy, nếu thực khách dễ dàng tin vào lời quảng cáo “của nhà làm, đảm bảo an toàn” mà vô tư sử dụng thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.