Lần đầu số nợ thu hồi được lớn hơn số nợ mua thêm
Báo cáo tài chính năm 2017 của Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) công bố cho thấy sau hơn 4 năm thành lập, tổng tài sản xấp xỉ 203.988 tỷ đồng, giảm gần 5.000 tỷ đồng. Tài sản của VAMC lần đầu tiên giảm sau 2 năm liên tục mở rộng bằng việc mua thêm nợ và phát hành trái phiếu đặc biệt.
Cơ cấu tài sản của VAMC gồm 2 phần chính là các khoản nợ đã mua và tiền. Tỷ trọng nợ đã mua đạt 90% tại thời điểm cuối năm 2017 so với mức 97% cuối năm 2014. Tiền tại VAMC chủ yếu là các khoản tiền gửi và tiền thu hồi nợ (bị phong tỏa). Tới 31/12/2017, VAMC có 17.262 tỷ đồng tiền thu hồi nợ, tăng 3.500 tỷ đồng so với năm trước đó. Tiền gửi tại các nhà băng xấp xỉ 728 tỷ đồng.
Trong khi ‘dư dả’ tiền mặt hơn trước, số nợ đã mua của VAMC đảo chiều giảm hơn 12.000 tỷ đồng.
VAMC được thành lập năm 2013 dựa trên Nghị định 53/2013/NĐ-CP với chức năng xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế. Phát hành trái phiếu đặc biệt để đổi lấy nợ là phương thức VAMC thực hiện từ khi thành lập đến nay và là nguồn chính tài trợ cho hoạt động mua nợ của công ty quản lý tài sản này. Giá trị trái phiếu phát hành đến cuối năm 2017 xấp xỉ 182.684 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ngoài ngoài nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt, 2017 là năm đầu tiên nhà băng này sử dụng tiền thật để mua nợ (xấp xỉ 532 tỷ đồng).
Về số liệu thu hồi nợ, báo cáo mới cập nhật tới cuối năm 2016. VAMC cho biết số tiền thu hồi nợ riêng năm 2016 là 28.000 tỷ đồng, lũy kế đến hết năm 2016 đạt 50.169 tỷ đồng. Số nợ bán ra năm 2016 có giá trị sổ sách 4.860 tỷ đồng nhưng giá bán là 6.356 tỷ đồng. 81 khách hàng với 1.178 tỷ đồng dư nợ được điều chỉnh lãi suất; 434 khách hàng nợ 834 tỷ đồng được miễn/ giảm lãi; 12 khách hàng nợ 233 tỷ đồng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Tài sản và nguồn vốn chủ yếu của VAMC
Nguồn vốn tự có của VAMC ban đầu chỉ là 500 tỷ đồng nhưng tăng gấp 4 lần vào năm 2017. Theo đề án tái cơ cấu ngành ngân hàng, mức vốn điều lệ VAMC kế hoạch tăng lên 10.000 tỷ đồng vào năm 2020.
Xử lý nợ xấu tích cực hơn nhờ thay đổi tư duy và khung pháp lý
Tại một Hội thảo tổ chức đầu tháng 5, Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Tiến Đông nhận định ý thức trả nợ của khách hàng đã tốt lên rất nhiều sau khi Nghị quyết 42 được Quốc hội ban hành gần một năm trước.
“Nếu như trước đây, khi làm việc với khách hàng có nợ xấu do sản xuất kinh doanh khó khăn, cứ 10 khách hàng thì chỉ được 1-2 khách thiện chí nhưng với việc có một số hành lang pháp lý trong việc thu giữ tài sản có khách hàng mới nhận giấy mời lên làm việc đã phải đem tiền đến trả”, ông Đông cho hay.
Bên cạnh sự thay đổi tư duy về việc nợ xấu như ông Đông đề cập, sự hồi phục của nền kinh tế, thị trường bất động sản… cũng là nguyên nhân từ khách quan đẩy nhanh tốc độ nợ xấu so với trước đây.
Ông Nguyễn Tiến Đông mới đảm nhận vị trí Chủ tịch hồi đầu năm 2017. Trước khi trở thành người đứng đầu công ty có nhiệm vụ thu hồi nợ xấu, ông Đông đảm nhiệm Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN.