Việc đặt tên “Tây” cho các dự án ngày nay quá phổ biến và được nhiều chủ đầu tư tận dụng triệt để trong các dự án của mình. Họ cho rằng, cách làm này sẽ khiến khách hàng quan tâm hơn, phong cách sang trọng hơn, thể hiện đẳng cấp hơn…Còn khách hàng thì cũng nhiều người sính tên ngoại, muốn “gọi cho sang” khi nhắc đến nơi mình ở.
Tuy nhiên, trên thực tế đã có không ít những tình huống dở khóc dở cười với cư dân sống ở các khu chung cư có những cái tên đọc đến “trẹo cả lưỡi”.
Những tình huống này thường rơi vào trường hợp người có tuổi. Đơn cử như trường hợp của bác Minh Hải (Hà Nội), sau thời gian dài tìm mua nhà, bác Hải khá hài lòng với căn hộ cao cấp tại Golden Westlake (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội). Về đến nhà, dở khóc, dở cười bác không thể nhớ nổi cái tên nghe rất tây của dự án để khoe với bạn bè, người thân. Bác cũng không thể đọc được bởi không biết tiếng anh mà chỉ nói được địa chỉ của dự án.
Không giống như bác Hải mới đi tìm căn hộ, mẹ anh Trung sống ở chung cư Goldenland Building (Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân) đã nhiều năm nay nhưng bà vẫn không thể nhớ nổi cái tên chung cư nơi mình ở dù đã được các con nhắc đi nhắc lại cho nghe rất nhiều lần. Mỗi lần có người thân từ quê hỏi địa chỉ hay đến thăm thì bà cũng đành chịu vì không biết nơi mình đang ở cụ thể nó tên là gì.
Hiện nay, hầu như mọi dự án, khu nhà ở từ nhỏ đến lớn đều đặt tên theo tiếng Anh, thậm chí là cả tiếng pháp. Quả thật việc này rất bất tiện cho người mua nhà. Họ phải “méo cả miệng” và thậm chí còn đọc sai tên nơi mình cư ngụ cho bà con, bạn bè. Đâu phải ai cũng thành thạo ngôn ngữ này, ngôn ngữ kia, kể cả người có học tiếng nước ngoài vẫn có thể đọc sai.
Không những thế còn có những dự án đặt tên Tây dài loằng ngoằng rất khó nhớ như Centana Grand Saint Simeon (Bà Rịa – Vũng Tàu). Hay không ít dự án thích tên nửa Tây nửa ta như Berriver Long Biên (Hà Nội).
Mới dọn về sống tại một dự án có tên Tây rất dài tại Hà Nội chưa được bao lâu, gia đình anh Nam đã gặp một tình huống chớ trêu với mác tên Tây của tòa nhà chung cư khi làm giấy tờ thủ tục chuyển khẩu lên thành phố.
Anh Nam cho biết: “Khi tôi về quê để làm thủ tục chuyển hộ khẩu cho cả gia đình lên địa chỉ mới ở Hà Nội, thì cán bộ hộ khẩu tại địa phương không thể ghi một cách chính xác tên tòa nhà bằng tiếng Anh do nó quá dài và khó nhớ. Sau đó, cũng vì cái tên này tôi đã gặp không ít khó khăn trong quá trình chuyển hộ khẩu”.
Không chỉ vậy, nhiều người dân ở các khu chung cư có tên nước ngoài, nhất là các dự án có tên dài còn gặp rắc rối khi đi làm các thủ tục giấy tờ như chứng minh nhân dân, hộ chiếu, visa….. Những loại giấy tờ này vì quá bé nên phần ghi địa chỉ chỉ riêng cái tên của khu chung cư thôi cũng đã chiếm hết, còn tên phường/xã, quận/huyện….không còn đủ chỗ để ghi tiếp…..Hay cũng có những trường hợp chỉ cập nhật được mỗi số căn hộ, tên đường, phường mà không còn đủ chỗ để ghi tên chung cư, khu phố….
Việc đặt tên ngoại cho dự án bất động sản từng được đưa ra bàn luận sôi nổi những năm trước đây. Khi đó, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi do Bộ Xây dựng từng đưa ra quy định tên của dự án phát triển nhà ở phải sử dụng bằng tiếng Việt và không được viết tắt.
Tại Khoản 4, Điều 19 Luật Nhà ở 2014 quy định “dự án đầu tư xây dựng nhà ở, các khu vực trong dự án phải được đặt tên bằng tiếng Việt; trường hợp chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có nhu cầu đặt tên dự án bằng tiếng nước ngoài thì phải viết tên đầy đủ bằng tiếng Việt trước, viết tiếng nước ngoài sau. Tên dự án, tên các khu vực trong dự án phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định, được sử dụng trong cả quá trình đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng”.
Tuy nhiên, thực tế hiện này vẫn có tình trạng “loạn” tên, các dự án đua nhau lấy tên ngoại, gây khó nhớ cho người mua nhà và việc sử dụng những tên nước ngoài cũng đã gây ra những khó khăn nhất định cho người dân sinh sống ở các khu chung cư.