Những thương vụ chào sàn nổi bật năm 2017

Hai ‘ông lớn’ hàng không cùng lên sàn

Năm 2017, cổ phiếu 2 doanh nghiệp hàng không lớn nhất Việt Nam cùng “đổ bộ” lên sàn chứng khoán là Tổng CTCP Hàng không Việt Nam (UPCoM: HVN, Vietnam Airlines) và CTCP Hàng không Vietjet (HOSE: VJC).

Chào sàn UPCoM ngày 03/01, hơn 1,2 triệu cp HVN được giao dịch với giá tham chiếu 28.000 đồng/cp. Tính đến ngày 22/12, thị giá cổ phiếu HVN ở mức 37.800 đồng/cp, tăng 27%. Khối lượng giao dịch bình quân hơn 1 triệu cp mỗi phiên, đột biến có thể đạt hơn 2 triệu cp. Cổ phiếu HVN chỉ thực sự bứt phá trong hai tháng cuối cùng của năm, sau khi đã có một giai đoạn giảm giá khá mạnh.

Năm 2017, Vietnam Airlines dự kiến sẽ phát hành tăng vốn điều lệ thông qua hình thức chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15,57%.

Với Vietjet, tuy chào sàn sau vào ngày 28/02 nhưng doanh nghiệp này niêm yết 300 triệu cp lên sàn giao dịch lớn nhất Việt Nam – HOSE với giá tham chiếu phiên đầu tiên là 90.000 đồng/cp.

Tính đến ngày 22/12, cổ phiếu VJC giao dịch ở mức 139.200 đồng/cp, tăng 130% so với thời điểm niêm yết (giá sau khi đã điều chỉnh chia cổ tức 40% bằng cổ phiếu và 20% bằng tiền mặt). Khối lượng giao dịch trung bình 600.000 mỗi phiên, cao điểm đạt hơn 2,75 triệu cp.

Trong 9 tháng đầu năm, VJC đạt gần 3.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong đó riêng quý 3 đạt 1.054 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Tính tới 30/9/2017, tổng tài sản của Công ty đạt 26.289 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ.

Vietjet đã nhận thêm 5 tàu bay và khai trương thêm 13 đường bay mới, nâng tổng số đường bay khai thác lên 73. Trong đó, số đường bay nội địa là 38, số đường bay quốc tế là 35. Tỷ lệ đúng giờ 9 tháng đạt 85,4%.

Trong quý 4, Vietjet dự kiến sẽ mở thêm 6 đường bay mới, nâng tổng số đường bay mở thêm của cả năm 2017 lên 19 đường.

Dựa trên kết quả kinh doanh hiện đã đạt được, Vietjet ước tính lợi nhuận trước thuế cả năm 2017 vượt khoảng 10% so với kế hoạch.

“Trùm” bán lẻ xăng dầu chào HOSE

Năm 2017 cũng chào đón sự xuất hiện của Tập Đoàn Xăng Dầu Việt Nam (HOSE: PLX, Petrolimex) niêm yết trên sàn HOSE với hơn 1,29 tỷ cổ phiếu, giá tham chiếu 43.200 đồng/cp vào ngày 21/04.

Sau 7 tháng, thị giá cổ phiếu PLX đã tăng 74,55% và đạt gần 72.000 đồng/cp. Khối lượng giao dịch bình quân đạt gần 1 triệu cp/phiên, đột biến hơn 4,8 triệu cp. PLX lên sàn đã trở thành một trong các trụ cột mới của thị trường khi lọt top 10 vốn hoá lớn nhất sàn chứng khoán.

Tổng tài sản của Petrolimex ở mức 60.048 tỷ đồng, tăng 11% so với hồi đầu năm. Petrolimex hiện có hơn 17.020 tỷ đồng tiền và tiền gửi (chiếm 43% tài sản ngắn hạn). Năm 2017, tập đoàn ước đạt doanh thu 152.900 tỉ đồng, tăng 7% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế khoảng 4.736 tỉ đồng, vượt kế hoạch đề ra.

Mỗi năm Petrolimex phát triển, đầu tư mới khoảng 70 cửa hàng bán lẻ, tương đương 5 ngày làm việc Tập đoàn này có thêm 1 cửa hàng mới. Có khi là một cửa hàng diện tích vài nghìn m2 trên đường cao tốc, hoặc cửa hàng có diện tích vài trăm m2 ở một huyện tỉnh.

Hiện tại, Tập đoàn đã có hơn 2.450 cửa hàng bán lẻ trên cả nước phủ khắp 63 tỉnh thành, đây là kết quả của khoảng 20 năm Petrolimex duy trì đầu tư vào mạng lưới bán lẻ.

VPBank mới lên sàn đã hết room

Trong số những thương vụ niêm yết tiêu biểu của ngành ngân hàng không thể bỏ qua “bom tấn” khủng Ngân Hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HOSE: VPB , VPBank). Ngày 17/08, hơn 1,33 tỷ cổ phiếu của nhà băng này chính thức được giao dịch trên sàn HOSE với giá khởi điểm 39.000 đồng/cp. Trong phiên chào sàn, VPBank ghi nhận phiên khớp lệch kỷ lục gần 1.800 tỷ đồng phiên ATO, và lấp kín hoàn toàn “room” cho nhà đầu tư nước ngoài.

Sau 4 tháng giao dịch, cổ phiếu VPB đang dừng ở mức 40.400 đồng/cp, tăng hơn 4% so với thời điểm mới niêm yết. Khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên đạt hơn 1,8 triệu cp.

Trước khi lên sàn, VPBank đã theo đuổi chiến lược bán lẻ với mục tiêu trở thành 1 trong 5 ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam, 1 trong 3 ngân hàng TMCP bán lẻ hàng đầu Việt Nam vào năm 2017.

9 tháng đầu năm, VPBank ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng 41%, đạt 14.944 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế 5.635 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 78% kế hoạch.

Lộc Trời ‘đặt chân’ lên UPCoM

Ở mảng hoạt động liên quan đến nông nghiệp, CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) là “ông lớn” sáng giá lên UPCoM trong nửa cuối của 2017.

Ngày 24/07, gần 67,2 triệu cp LTG được giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 55.000 đồng/cp, vốn hóa thị trường 3.696 tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm, LTG đạt doanh thu 5.875 tỷ đồng, và lãi ròng 279,6 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 6% và 17%. Tổng tài sản của LTG ở mức 6.245 tỷ đồng.

Cơ cấu doanh thu của Lộc Trời hiện nay chủ yếu đóng góp lớn từ thuốc bảo vệ thực vật đạt chiếm 57% tổng doanh thu. Doanh thu từ lương thực – gạo chiếm 31%. Còn lại là doanh thu từ hạt giống cây trồng (chiếm 9%), doanh thu từ bao bì (2%) và các loại khác.

Trong những năm tới, Lộc Trời sẽ tập trung phát triển lĩnh vực cung cấp thuốc bảo vệ thực vật, mục tiêu năm 30% thị phần.

‘Bom tấn’ Vincom Retail

Vincom Retail (HOSE: VRE) là một trong những thương vụ chào sàn gây được sự chú ý không chỉ tại Việt Nam mà rộng ra khu vực Đông Nam Á. Ngày 06/11, hơn 1,9 tỷ cp VRE đã niêm yết trên HOSE với giá tham chiếu 33.800 đồng/cp. Thương vụ do CTCP Chứng khoán Sài Gòn tư vấn.

Chỉ sau 2 tuần giao dịch, vốn hóa của thị trường VRE đã vượt mốc 100.000 tỷ đồng, tại mức giá 54.000 đồng/cp. Tính đến phiên 25/12, thị giá VRE ở mức 47.550 đồng/cp (đã điều chỉnh), tăng 17% so với thời điểm mới niêm yết.

VRE là đơn vị sở hữu và vận hành 40 TTTM tại 21 tỉnh thành trên toàn quốc với tổng diện tích mặt bằng bán lẻ lên đến 1,1 triệu m2. Ngoài ra, Công ty có 73 dự án đang và sắp triển khai, trong đó có 22 dự án đang triển khai xây dựng và 51 dự án đang trong giai đoạn phát triển.

9 tháng đầu năm, VRE đạt doanh thu 3.995 tỷ đồng và lãi ròng 1.448 tỷ đồng. Thời gian tới, VRE đang đánh giá và cân nhắc tính khả thi của 86 dự án khác để đưa ra quyết định đầu tư các dự án này trong tương lai.

Vincom Retail nắm giữ 60% thị phần và đang dẫn đầu thị trường vận hành và cho thuê mặt bằng bán lẻ TTTM không chỉ tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Doanh nghiệp ‘nước’ vốn ngàn tỷ Biwase

CTCP Nước – Môi trường Bình Dương (HOSE: BWE, Biwase) là một trong những doanh nghiệp “khủng” hoạt động trong lĩnh vực cấp thoát nước và liên quan được chờ mong lên sàn.

150 triệu cp BWE đã niêm yết trên HOSE với giá khởi điểm 14.000 đồng/cp. Tính đến phiên 25/12, thị giá BWE ở mức 22.750 đồng/cp, tăng 34% khi mới lên sàn. Thanh khoản giao dịch của BWE ở mức tương đối cao trền 281.000 cp/phiên, cá biệt có thể đạt hơn 1,2 triệu cp.

9 tháng đầu 2017, Biwase đạt doanh thu thuần 1.247 tỷ đồng, tăng 24% nhưng lợi nhuận ròng lại giảm 43% xuống 122 tỷ đồng do giá vốn và chi phí tăng.

Hiện nay, Biwase đang quản lý và khai thác tổng cộng 3.301 km đường ống cấp nước loại D60-D1400. Năm 2016, Biwase cho biết đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cho các dự án. Trong đó, Các dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn II, tiến độ 95%; Dự án cấp nước Nam Thủ Dầu Một mở rộng, tiến độ 90%; Dự án mở rộng kênh Ba Bò đang hoàn thành… Đặc biệt, công trình nhà máy cấp nước Chơn Thành công suất 30.000m3 ngày đêm đã đưa vào hoạt động tháng 11/2016.

Nhiều “tổng lớn” của Nhà nước lên sàn

2017 cũng là năm chứng kiến nhiều doanh nghiệp nhà nước đổ bộ lên sàn trong đó có nhiều tổng công ty.

Đầu tháng 1, Tập Đoàn Dệt May Việt Nam (UPCoM: VGT, Vinatex) cũng vừa chính thức lên UPCoM với 500 triệu cp, giá tham chiếu 13.500 đồng/cp. Tuy nhiên, tính đến phiên 25/12, thị giá VGT đã giảm 29% xuống còn 11.200 đồng/cp (phiên 25/12), thanh khoản giao dịch khá thấp chỉ quan mức 31.000 cp mỗi phiên.

9 tháng đầu năm, VGT đạt doanh thu thuần 13.045 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng đạt 271 tỷ đồng, tăng trưởng 6%.

Một doanh nghiệp khác là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam – CTCP (UPCoM: LLM) đã đưa gần 80 triệu cp lên sàn UPCoM với giá tham chiếu 10.000 đồng/cp vào đầu tháng 10.

Tính đến phiên 25/12, cổ phiếu LLM có giá 13.000 đồng/cp, tăng 23%, tuy nhiên khối lượng giao dịch khá thấp.

Các doanh nghiệp lớn lên sàn đã giúp quy mô TTCK Việt Nam tăng vọt hàng tỷ USD.Mức vốn hóa thị trường đạt gần 3.360 nghìn tỷ đồng, tăng 73% so với cuối năm 2016, tương đương 74,6% GDP, vượt chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020; Thanh khoản cải thiện mạnh, quy mô giao dịch bình quân đạt gần 4.981 tỷ đồng/phiên, tăng 63% so với bình quân năm 2016.

2017 – Năm của những ‘bom tấn’ khuấy động sàn chứng khoán

Bài viết mới