Những người ghét bóng đá mùa World Cup thường rất giàu có?

Mùa World Cup đến, cả cõi mạng và dân tình nhộn nhịp như một phiên chợ mở cả đêm lẫn ngày. Nhiều bà vợ lo lắng hoảng hốt nếu nửa đêm sờ bên cạnh không thấy chồng mình đâu, cảm giác giống như đang rơi vào mê hồn trận của “tháng góa phụ”. Cả khu phố ngập những âm thanh thủy tinh chạm vào nhau lạch cạch của những cốc bia cỏ, tiếng reo hò rền rĩ đau khổ lẫn sung sướng của kẻ thắng người thua dẫu biết rằng niềm vui của người này là nỗi đau đớn của kẻ khác.

Cả tháng nay, cả facebook của tôi ngập tràn màu cờ sắc áo của những dân tộc khác, có người hăm hở, ngày đăng chục cái lận những trạng thái đều liên quan đến cái cúp kia, đến nỗi có lúc giật mình tưởng như “người sót lại của rừng cười”. Tôi ơ hờ, dửng dưng với bóng bánh, nên đương nhiên World Cup chẳng xi nhê gì tới cuộc của tôi.

Không xem bóng đá thì làm gì được nhỉ? Đừng lo bạn không hề cô đơn đâu vì trên trái đất này còn rất nhiều người vẫn sống tốt mà vẫn chẳng biết gì về cái giải ấy cả.

Thay vì ngồi giữa những tấm lưng trần tua túa mồ hôi ở vỉa hè cùng chăm chăm vào cái màn hình giữa những người đang khóc cười cùng bóng, nín thở chờ đợi thần tượng của mình sút vào gôn thì bạn có thể ngồi ở nhà xem phim với vợ, dạy con học bài hoặc thậm chí lên giường đi ngủ cho khỏe.

Những người ghét bóng đá mùa World Cup thường rất giàu có? - Ảnh 1.

Có khi khoảng thời gian bão tố của đàn ông ngoài kia lại là những phút giây lãng mạn của gia đình bạn, đừng đùa, cô vợ dù không nói cũng sẽ thầm sung sướng tự hào chồng mình thật có tâm.

Bạn sẽ chẳng phải nghe tiếng càu nhàu bonus thêm cả cái nhìn găm vào tận xương tủy của hàng xóm vì lỡ hét hò đập phá làm phiền người già, trẻ nhỏ.

Sếp sẽ nhìn bạn trìu mến vì phong độ đẹp trai lượt là, hoàn thành công việc ngon lành chứ không giống những nhân viên khác: te tua, bầm dập, mắt mũi thâm quầng, lơ là công việc sau những trận cầu đêm trước. Rõ là không xem bóng thật khiến tình làng nghĩa xóm gần gũi, sếp thương yêu đồng nghiệp ngưỡng mộ – chẳng gì sánh bằng!Đặc biệt sẽ chẳng có kẻ nào rút được polyme trong ví của bạn vì bạn không xem bóng thì chẳng có lý do gì để ngồi giữa đám bạn bè chỉ để uống bia. Thử tính xem, cả tháng World cup nhậu nhẹt không mất vài triệu cũng là lạ, bình dân là thế, lỡ có chú nào ham vui là “đi ngay” cả tháng lương, vợ con càu nhàu, giận dỗi?

Không xem bóng, sẽ chẳng có những hỉ nộ ái ố tức thời, để trong phút giây lầm lỡ bốc đồng với bạn bè tham gia cá cược, “bay” ngay con Dream Thái quý hóa hay chú Iphone X vừa lên đời. Yên tâm đi, tài sản là của bạn, chúng sẽ được an toàn qua cơn cuồng nhiệt của trái bóng.

Nếu bạn chưa có người yêu, thì đây là cơ hội quá tốt để hẹn hò tán tỉnh nàng hoặc chàng vì không nhiều người hững hờ với môn thể thao này như bạn đâu. Biết đâu được xong cái giải, thế giới vẫn bình lặng còn bạn đã có “gấu” tay trong tay.Bóng đá không thể xáo trộn cuộc sống sinh hoạt tươi đẹp của bạn, ngược lại nó có thể biến khoảng thời gian này rất có ích cho những việc lớn lao bất ngờ mà bạn khó có thể tưởng tượng.

Những người ghét bóng đá mùa World Cup thường rất giàu có? - Ảnh 2.

Mấy bạn trẻ start – up tôi biết, rất ít người trong số họ “phát điên” với những trận cầu mùa giải này dù lý do có chính đáng như 4 năm mới có một lần hay đàn ông không xem bóng đá thì vứt. Khi bạn bè đang xem bóng, họ vẫn làm việc, đọc sách, vẫn ngâm cứu, tích lũy, học hỏi. Cuộc sống của họ là sự tính toán hơn thiệt, chi phí cơ hội mà. Họ nhất quyết làm mình tốt hơn, giỏi hơn chứ không lao vào nhậu nhẹt bóng trái mà từ bỏ thói quen sinh hoạt khoa học, quên mất nhiệm vụ chính của mình. Thậm chí, họ tỏ ra rất khó chịu khi nhân viên, đối tác của họ vì ham mê World Cup mà ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng công việc. Còn họ, tuyệt đối để bản thân “miễn nhiễm” với cơn sốt trái bóng tròn.

Có lẽ đây cũng là khác biệt giữa những người trẻ, ai vui cứ vui, ai học hỏi, làm việc thì cứ tiếp tục và ai cũng hiểu thành công không phải là thứ ăn may mà có mà chính là những giây phút chăm chỉ cần mẫn khi người khác đang vui chơi như thế này.

Sếp của tôi, 33 tuổi, sở hữu hai công ty, một về viễn thông, một về dược đã nói với tôi rằng những người thông minh và giàu có thường chẳng sa đà vào thú vui gì quá đáng cả.

Đúng thật, cái gì cũng có giới hạn của nó. Nếu là nhân viên văn phòng hoặc hành chính bình thường, chắc chắn bạn không thoát khỏi “hội chứng thứ Hai”, tức là sau 2 ngày nghỉ thứ bảy và chủ nhật, bạn vẫn lơ lửng trên mây, hiệu quả công việc giảm sút vì bạn không thể tập trung được khi vẫn lưu luyến ngày nghỉ. Thế mà, World Cup kéo dài cả tháng, bạn làm sao có thể chữa được hội chứng này khi mà cứ đắm đuối mãi theo trái bóng nhỉ? Sung sướng là quyền của bạn nhưng miếng cơm manh áo của bạn tất nhiên cũng không ai lo thay cho bạn rồi.

Lành mạnh qua giải World Cup hay là men gan tăng vì uống quá nhiều bia, công việc bỏ bê, vợ con giận vì chẳng được đoái hoài? Vui vẻ giải trí hay là gánh nặng, đầu độc cơ thể bằng những cuộc vui thâu đêm suốt sáng? Giỏi hơn, thông minh hơn, có nhiều thời gian đầu tư cho kế hoạch công việc, cho gia đình, cho bản thân hay là ích kỉ chỉ màng tới sự hưởng thụ của chính mình? Chỉ là những trận bóng thôi mà, sao chúng ta không suy xét đến sự đánh đổi quá lớn lao của nó nhỉ?

Thực ra, World Cup không đáng ghét đâu, bởi nó không ép bạn uống bia rượu, không cướp đi tiền bạc, sức khỏe, hạnh phúc gia đình bạn. Tất cả chỉ do cách đối xử của bạn với nó thế nào thôi. Luôn luôn có một lựa chọn mà! Đêm qua sếp tôi lại nhắn tin hỏi: World Cup và việc anh giao cho chú có liên quan gì đến nhau không? Tất nhiên, không mấy nhiều thời gian để tôi reply tin nhắn đó.

Có những người xem World Cup 1 trận đấu viết 10 status, nhưng đó chưa phải là điều đáng sợ nhất!

Bài viết mới