Những ngôn từ khiến trẻ dễ trầm cảm: Toàn câu “cửa miệng” của bố mẹ Việt!

Thiên tính của những bậc làm cha, làm mẹ là luôn muốn dành cho con mình điều tốt đẹp nhất. Vậy nhưng đôi khi, vì một phút nóng giận nhất thời, cha mẹ lại nói ra những lời làm tổn thương con cái sâu sắc.

Để tránh những phút “cả giận mất khôn”, các bậc phụ huynh nên tránh 4 lời không bao giờ nên nói với con cái dưới đây.

1. “Con nhìn con nhà người ta xem”

So sánh “con nhà mình” với “con nhà người ta” dường như đã trở thành câu nói thuận miệng của không ít các bậc phụ huynh trong đời sống hằng ngày.

Đối với họ, nhân vật “con nhà người ta” dù chẳng rõ mặt, chẳng rõ tên, nhưng lại là người “cái gì cũng tốt” và trở thành “tiêu chuẩn” để áp đặt lên “con nhà mình”. Ít ai biết rằng, những câu so sánh không hề có ác ý ấy lại có thể khiến trẻ bị tổn thương sâu sắc.

Bởi nếu cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, trẻ sẽ ý thức rằng nếu không trở thành một khuân mẫu như vậy, cha mẹ sẽ không yêu thương mình. Đem khuyết điểm của con đi so sánh với ưu điểm của người khác sẽ chỉ làm trẻ thêm rụt rè, tự ti, thậm chí nảy sinh tâm lý oán thán.

Kỳ thực, các bậc cha mẹ không nên dùng cách so sánh để “khích” con trẻ phấn đấu. Thay vào đó, ta chỉ cần để con vững tin vào năng lực của mình để các bé có thể làm điều mình thích một cách tốt nhất.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

2. “Con còn như thế, bố/mẹ sẽ không yêu con nữa”

Tình cảm của bố mẹ đối với con cái chẳng điều gì có thể so sánh được. Và không một bậc cha mẹ nào chỉ vì con mắc khuyết điểm mà có thể dễ dàng “không yêu nữa”.

Nhưng không ít các bậc phụ huynh lại thường đem tình yêu của mình ra làm điều “dọa” con trẻ. Thậm chí có người còn thường xuyên đùa với con mình bằng câu nói:

“Con mà còn như thế, mẹ sẽ không yêu con nữa, mẹ sẽ đón bạn… về nuôi”.

Điều này vô hình chung sẽ khiến trẻ cảm thấy tình thương của bố mẹ dành cho mình có thể bị thay thế bất cứ lúc nào, khiến các bé nảy sinh tâm lý sợ sệt, xa lánh người thân.

Đừng bắt ép con trẻ trở thành một khuôn mẫu nào đó chỉ vì “sở thích” cá nhân của bố mẹ. Hãy để con được sống là mình một cách hạnh phúc nhất.

Hãy tạo cho con trẻ một môi trường tự do phát triển trong chính gia đình của mình. (Ảnh minh họa).

Hãy tạo cho con trẻ một môi trường tự do phát triển trong chính gia đình của mình. (Ảnh minh họa).

3. “Bảo bao nhiêu lần rồi vẫn không nghe”

Có đôi lúc, trẻ sẽ trở nên bướng bỉnh, ương ngạnh đến nỗi cha mẹ nói “gãy lưỡi” vẫn không chịu nghe. Nhiều lần như vậy, có không ít người sẽ thường xuyên phàn nàn với con mình:

“Bố/mẹ nói không biết bao nhiêu lần rồi, vậy mà con vẫn không bao giờ chịu nghe”.

Muốn con cái nghe lời, bạn không nên lặp đi lặp lại một ám thị tiêu cực như vậy, càng không nên quát tháo ầm ĩ hay ép buộc con trẻ.

Những cách làm này chỉ khiến bé cảm thấy phiền toái, lựa chọn việc trốn tránh, làm một cách qua loa, đại khái để đối phó với bố mẹ.

Hơn nữa, nếu cứ lặp đi lặp lại câu cửa miệng “bảo bao nhiêu lần rồi vẫn không nghe”, trẻ sẽ ý thức rằng mình chính là người như vậy, lâu ngày dần trở nên khó bảo và cố tình không nghe lời phụ huynh.

Thay vào đó, cha mẹ nên thay những câu nói theo kiểu “ra lệnh” bằng những câu giải thích.

Ví dụ, nếu bé không chịu rửa tay trước bữa ăn, bạn nên giải thích cho con biết rằng thói quen xấu này sẽ làm vi khuẩn có cơ hội tiến vào cơ thể, gây đau bụng, đi ngoài. Cách nói “có đầu, có cuối” này sẽ giúp bé thay đổi nhận thức, từ đó hành động như bạn mong muốn.

Đừng dùng những ám thị tiêu cực đối với con trẻ nếu bạn không muốn các bé ngày càng trở nên lầm lì, khó bảo. (Ảnh minh họa).

Đừng dùng những ám thị tiêu cực đối với con trẻ nếu bạn không muốn các bé ngày càng trở nên lầm lì, khó bảo. (Ảnh minh họa).

4. “Con làm lại cho bố mẹ xem nào”

Trong lúc chơi đùa cùng con cái, có không ít lời nói của cha mẹ có thể làm thay đổi sở thích của các bé. Ví dụ, hôm trước bé vẽ tặng bạn một bức tranh con thỏ, hôm sau bạn lại vô tình hỏi rằng:

“Hôm qua con vẽ bé thỏ đẹp lắm, sao hôm nay lại không vẽ nữa? Vẽ lại cho mẹ một con xem nào.”

Kỳ thực, vẽ thỏ chưa chắc là sở thích của bé. Nhưng sự khích lệ của bố mẹ sẽ làm bé lặp đi lặp lại hành động này nhiều lần.

Những câu nói bâng quơ của phụ huynh sẽ khiến con trẻ không xác định được mình thích gì, ghét gì.

Các bậc phụ huynh cần nhận thức rõ giữa “cái mình muốn” và “cái con muốn”. Thay bằng việc khuyên con phải làm việc này, việc khác theo ý muốn của mình, bạn nên tự đặt ra câu hỏi: “Con có thực sự thích làm việc ấy không?”

Đừng biến việc nuôi dưỡng con trẻ giống như nuôi dạy thú cưng bằng cách ép các em “đặt đâu ngồi đấy”.

Hãy để trẻ được sống thật với bản thân mình để con trẻ có thể trở thành một người độc lập và tự tin khi trưởng thành.

Từ sự cô đơn thời hiện đại, ta đứng cách bệnh trầm cảm chưa đầy một bước chân

Bài viết mới