Đón Tết Nguyên Đán là truyền thống đã có từ lâu đời tại Trung Quốc. Đối với hoàng tộc thời xưa, nghi thức đón năm mới càng cầu kỳ, long trọng hơn nhiều so với dân chúng.
Là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc, những tư liệu về các nghi thức đón Tết của hoàng tộc Thanh triều được lưu giữ hoàn chỉnh hơn cả.
Những lễ nghi đón xuân của Hoàng đế và hậu cung Thanh triều dưới đây sẽ khiến hậu thế không khỏi ngạc nhiên trước cách thức ăn mừng năm mới của hoàng tộc triều đại này.
Ân điển đầu năm của Hoàng đế
Thay vì lựa chọn những món quà mang tính vật chất, các Hoàng đế nhà Thanh thường ngự ban chữ do chính tay mình viết cho các đại thần vào dịp đầu năm. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Bắt đầu từ Hoàng đế Khang Hi, các đời vua Thanh triều đều thực hiện nghi thức này vào mỗi dịp năm mới. Đó là nghi thức ngự viết chữ “Phúc”.
Chữ “Phúc” do Hoàng đế tự tay viết phần lớn thường được treo trong chính điện của Càn Thanh Cung, một số được trưng bày ở các cung điện khác.
Ngoài ra, một vài trọng thần trong triều cũng có cơ hội được nhà vua ngự ban chữ “Phúc” do chính tay mình viết để thắt chặt thêm tình nghĩa quân thần.
Tập tục viết chữ “Phúc” vào đầu năm mới được bắt đầu từ Hoàng đế Khang Hi. Các vị vua sau này đều noi theo và dần coi đó trở thành “gia pháp” trong hoàng tộc.
Đặc biệt, Càn Long Hoàng đế vô cùng chú trọng nghi thức ngự viết chữ “Phúc” này. Khi còn tại vị, mỗi năm nhà vua đều tuân thủ theo “gia pháp”, hơn nữa trước khi ngự viết còn thắp hương rồi mới đến Tấu Phương trai múa bút.
Sau này, Gia Khánh, Đạo Quang, Đồng Trị mỗi dịp đầu năm ngoài việc viết chữ “Phúc” còn viết thêm một vài chữ khác như “Long”, “Hổ”, “Hỉ”.
Không chỉ bản thân các Hoàng đế cần chuẩn bị cẩn thận trước khi ngự viết, mà những vật liệu để tạo nên một bức thư pháp đề chữ “Phúc” vào dịp đầu năm cũng vô cùng cầu kỳ.
Vải để nhà vua ngự viết phần lớn được chế tạo từ tơ, lụa, sau đó lấy chu sa làm màu nền, phía bên trên có còn hoa văn hình rồng để khẳng định quyền uy.
Các Hoàng đế nhà Thanh thường ban thưởng chữ “Phúc” vào dịp đầu năm cho vương công, đại thần trong kinh thành. Nghi thức ngự ban ân điển này được cử hành hết sức long trọng.
Khi tên người được ngự ban xướng lên, chữ Phúc sẽ được hai thái giám đứng đối diện nhau cùng cúi đầu nhận lấy, sau đó ban cho đại thần đang chầu phía dưới. Sau khi nhận được ân điển này, đại thần sẽ hành lễ tạ ân Hoàng đế đã ban cho phúc phần.
Theo các nguồn sử liệu của Thanh triều, mỗi năm chỉ có khoảng trên dưới 10 người có may mắn được nhận chữ Phúc do Hoàng đế ngự ban.
Ngoài các vương công đại thần, một số tướng quân, tuần phủ, đô đốc được Hoàng đế trọng dụng cũng có cơ hội nhận ân điển này. Bên cạnh đó, một số quan viên ngoài kinh thành cũng từng được ban chữ “Phúc” của Hoàng đế, phần lớn đều là người nhà hoặc thuộc hạ của đại thần trong triều.
Bữa tiệc tất niên trong hậu cung Thanh triều
Trong thực tế, những bữa tiệc trong hoàng cung Thanh triều còn quy củ hơn nhiều so với với trên phim ảnh. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Dưới thời nhà Thanh, các Hoàng đế phần lớn thường dùng ngự thiện một mình. Nhưng tới buổi tối giao thừa hằng năm, nhà vua và hậu cung sẽ cùng nhau ăn một bữa cơm đoàn viên.
Gia yến của Hoàng tộc Thanh triều chủ yếu được tổ chức tại Càn Thanh Cung. Bữa tiệc đoàn viên cuối năm này do Kính Sự Phòng trong hậu cung tổ chức.
Mặc dù là tiệc đoàn viên, nhưng những quy củ và cấp bậc trong cung vẫn buộc phải tuân thủ tuyệt đối. Theo đó, Hoàng thượng và Hoàng hậu sẽ được ngồi ở bàn tiệc phía trên.
Hoàng đế sẽ ngồi bàn kim long đại yến, hai bên bàn tiệc bày bình hoa. Còn bàn của Hoàng hậu thì ngồi phía bên tay trái phía trước nhà vua.
Các cung phi có vị trí thấp hơn sẽ được sắp xếp ngồi ở hai dãy bàn phía dưới. Vị trí ngồi cũng được an bài cẩn thận dựa trên cấp bậc của chủ nhân.
Bữa tiệc đoàn viên của Hoàng đế Thanh triều cùng hậu cung có khoảng trên dưới 40 món, chưa kể tới hoa quả, thức uống và các loại điểm tâm.
Trước khi khai tiệc, thái giám sẽ đem các món nguội bày lên trước, sau đó mới tới các món nóng. Khi mỹ tửu cùng sơn hào hải vị đã an vị đã an bài trên bàn, thái giám sẽ kính mời Hoàng đế và các phi tần theo cấp bậc tiến vào dự tiệc.
Sau khi Hoàng đế đã an tọa, toàn thể hậu cung sẽ hành lễ. Đợi đến khi nhà vua ân chuẩn miễn lễ, mọi người mới được phép ngồi. Nhạc yến cũng sẽ được tấu lên vào lúc này.
Mở đầu của yến tiệc, Hoàng đế và Hoàng hậu là những người được quyền “đụng đũa” trước. Theo nghi thức ngự thiện trong hoàng cung nhà Thanh, hoàng tộc đầu tiên sẽ uống canh, sau đó uống trà sữa rồi mới bắt đầu vào tiệc rượu.
Lúc Hoàng đế bắt đầu nhấc chén rượu, tất cả các phi tần lại tiếp tục hành lễ. Uống rượu xong sẽ thưởng thức tới trà hoa quả và dùng bữa. Khi tiệc tàn, hậu phi sẽ hành lễ với Hoàng đế thêm lần nữa, chờ tới khi nhà vua trở về điện nghỉ ngơi thì mới được phép về cung của mình.
Mặc dù là bữa cơm đoàn viên, nhưng các vị phi tần vốn không được ngồi chung bàn, dùng chung món với Hoàng đế. Hơn nữa, bữa cơm cuối năm của Hoàng tộc nhà Thanh chỉ có một mình Hoàng đế cùng nữ quyến dùng bữa, các Hoàng tử đều không được tham gia.
Có thể nói, yến tiệc cuối năm của Hoàng tộc nhà Thanh chẳng thiếu mỹ tửu hay sơn hào hải vị, càng không thiếu sự xa hoa, hào nhoáng, nhưng vợ chồng không thể ăn chung bàn, con cái không được cùng dùng bữa, vốn không được ấm cúng như bữa cơm giao thừa của thường dân bách tính.
Hoàng đế cũng “khai bút đầu xuân”
Khai bút đầu xuân nghi thức được các Hoàng đế nhà Thanh duy trì từ đời này sang đời khác. (Tranh minh họa: Nguồn Internet).
Dưới thời Ung Chính, đêm ba mươi rạng sáng mùng 1 hằng năm, việc đầu tiên Hoàng đế làm khi bước sang năm mới là đến Dưỡng Tâm Điện cử hành nghi thức khai bút Nguyên Đán.
Để thực hiện nghi thức này, Hoàng đế trước tiên cần rửa mặt, vận hoàng phục chỉnh tề rồi đến Đông Noãn Các. Tại đây, nhà vua sẽ tự tay viết những mỹ từ mang ý nghĩa cát tường.
Vì là khai bút đầu xuân nên Hoàng đế không viết quá nhiều, chủ yếu là những câu chữ cầu mùa màng bội thu, quốc thái dân an, giang sơn vững bền.
Từ thời Ung Chính trở về sau, các Hoàng đế nhà Thanh đều duy trì nghi thức khai bút Nguyên Đán vào thời khắc chuyển từ năm cũ sang năm mới. Những bản ngự bút khai xuân của Càn Long, Gia Khánh cho tới ngày nay vẫn còn được gìn giữ tương đối hoàn chỉnh.
Những bức khai bút Nguyên Đán mang theo tâm nguyện của nhà vua sau khi viết xong sẽ được cất kín, không cho phép bất cứ ai xâm phạm.
Phong tục “ăn chay” đón Tết của hoàng tộc
Sủi cảo chay là món ăn không thể thiếu trên bàn ăn của Hoàng đế vào mỗi dịp Tết. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Nói tới phong tục đón xuân ở Trung Hoa, ta không thể bỏ qua món ăn truyền thống vào dịp Tết đã được lưu truyền nhiều đời của người dân nước này – sủi cảo.
Ăn sủi cảo vào dịp Tết không chỉ là phong tục thường thấy của bách tính, mà ngay tới Hoàng tộc cũng duy trì nét văn hóa này.
Vậy nhưng, món sủi cảo trên bàn tiệc ngày Tết của hoàng tộc nhà Thanh lại không làm từ sơn hào hải vị như nhiều người vẫn nghĩ, mà lại là loại sủi cảo có nhân chay, trong cung gọi là món “Bột Bột”.
Theo đó, món sủi cảo dịp Tết của Hoàng đế tuyệt đối không được làm từ các loại thịt mà chủ yếu dùng rau cải, nấm, măng… để làm nhân.
Nguyên nhân là bởi các Hoàng đế nhà Thanh đều rất sùng đạo Phật.
Vào những ngày đầu năm, Hoàng đế muốn tỏ lòng thành với Phật nên ăn sủi cảo chay để tránh sát sinh, đồng thời mong muốn màu trắng thanh khiết của món ăn này có thể đem lại một năm mới an lạc, thái bình, thịnh trị.