Những ngành nghề chịu tác động nặng vì điều chỉnh thuế

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế gồm: Thuế giá trị gia tăng, Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế tài nguyên, Thuế thu nhập cá nhân, Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, lần dự kiến sửa đổi lần này có ít nhất hơn 30 nhóm chính sách tác động rất lớn đến các lĩnh vực khác nhau, cụ thể như bất động sản, ô tô, đồ uống, thuốc lá, ngân hàng…

Ở lĩnh vực bất động sản, trong dự thảo mới, Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định “chuyển quyền sử dụng đất không chịu VAT” sang chịu mức thuế suất thông thường 10%. Nghĩa là khi thực hiện sang tên sổ đỏ theo diện mua bán, người dân sẽ phải chịu thêm 10% VAT. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất quy định VAT không được trừ tiền sử dụng đất và thuê đất.

Đề xuất này nếu được thông qua, giá giao dịch nhà đất sẽ tăng lên tương ứng với các đề xuất lần lượt là 10 – 15% và 5 – 7% theo nhận định của ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản. Điều này được ông Hà thừa nhận là gây nguy hiểm, khiến thị trường bất động sản bị đóng băng.

Ở lĩnh vực đồ uống, các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát, trong đó có mặt hàng nước ngọt sẽ chịu nhiều loại thuế với mức tăng bổ sung như: VAT từ 10 – 12%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và VAT đối với đường tăng thêm 1%.

Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát cho biết nếu dự thảo luật được ban hành, các sản phẩm nước giải khát trên thị trường giá bán sẽ tăng khoảng 12%.

Việc này có hệ luỵ ở nhiều mặt: doanh nghiệp, đặc biệt DNVVN, bị giảm doanh thu từ đó kéo theo giảm quy mô sản xuất, cắt giảm lao động; cơ hội hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng phát triển.

Ở lĩnh vực ô tô, Bộ Tài chính đang đề nghị tăng thuế đối với xe bán tải. Cụ thể, xe bán tải đang được thu thuế từ 15 – 25% tuỳ dung tích xi lanh sẽ bị áp thuế suất tiêu thụ đặc biệt bằng mức 60% xe con cùng dung tích xi lanh. Ví dụ nếu thuế suất xe con là 55% thì mức thuế suất của xe bán tải là 33%.

Đại diện hãng Ford Việt Nam cho biết một trong những nguyên nhân quan trọng Bộ Tài chính đưa ra cho đề xuất tăng thuế với ô tô bán tải là để tránh việc nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, hạn chế tình trạng xe bán tải được sử dụng làm phương tiện cá nhân, ảnh hưởng đến cả nền công nghiệp ô tô trong nước. Nhưng cũng theo Ford, thống kê của công ty này cho biết hơn 70% số xe bán ra tại Việt Nam được sử dụng vừa để chở người vừa chở hàng. Do đó, lý lẽ đưa ra không thuyết phục.

Hiện phía Bộ Tài chính vẫn chưa cung cấp đánh giá tác động của lần sửa đổi luật này mà như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt ra câu hỏi là Bộ phải đưa ra được báo cáo ngành nào bị ảnh hưởng nhiều nhất, những luật thuế sửa đổi có phù hợp chính sách phát triển các ngành hay không. Bên cạnh đó, cũng theo bà Lan, việc đánh giá này phải có sự tham gia của các đơn vị độc lập vì nếu chỉ do Bộ Tài chính đưa ra sẽ không khách quan.

Thuế tăng sốc: Làm đám cưới cũng lo

Bài viết mới