Khắp các nhà tang lễ quanh TP Las Vegas, bang Texas – Mỹ nhan nhản tờ rơi của Công ty Dịch vụ Hiến tặng Nam Nevada (gọi tắt là Nam Nevada), nổi bật với hình ảnh 2 bàn tay nắm chặt. Trên ảnh là dòng chữ đầy hứa hẹn: “Mang lại những lựa chọn trong lúc bạn cần”.
Ai cũng làm được
Nam Nevada không giấu giếm dịch vụ của họ. Đó là trao cho các gia đình đang đau buồn vì mất người thân một cách để trang trải chi phí tang lễ tốn kém: hỏa táng miễn phí, đổi lại việc hiến tặng các bộ phận thi thể người đã khuất cho “các nghiên cứu khoa học tiến bộ”.
Một buổi hướng dẫn thực hành dụng cụ y tế trên một phần cột sống người hiến tặng trong hội thảo hồi tháng 9-2017 ở Virginia – Mỹ Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, cảnh tượng ở nhà kho vùng ngoại ô của công ty này không khỏi gây sốc. Vào mùa thu năm 2015, hàng xóm bắt đầu phàn nàn về mùi hôi bí ẩn và những chiếc hộp máu me trong thùng rác. Tháng 12-2015, hồ sơ y tế địa phương cho thấy có người đã liên lạc với giới chức trách để phản ánh hoạt động bất thường trong sân của nhà kho mờ ám nói trên.
Giới chức thanh tra y tế tới hiện trường, phát hiện một người bận trang phục y tế “tác nghiệp” bằng vòi nước làm vườn. Ông ta đang bày phần thân một thi thể người đông đá giữa ánh nắng mặt trời buổi trưa. Nước xối vào phần thi thể rồi chảy xuống rãnh chạy dọc con đường ngang qua một ngôi trường địa phương.
Giới chức thanh tra nắm được Nam Nevada là một công ty thu mua thi thể, mổ xẻ và bán cho các nhà nghiên cứu y khoa, các tổ chức huấn luyện và nhiều đối tượng khách hàng khác. Phần thi thể phơi trong sân sau nhà kho vốn đang được chuẩn bị cho một cuộc mua bán như vậy.
Mỗi năm, hàng ngàn người Mỹ hiến xác với niềm tin rằng họ đang đóng góp cho khoa học. Thực tế, nhiều người không ngờ các bộ phận cơ thể mình lại trở thành món hàng để mua bán trên thị trường. Theo Reuters, cái gọi là nhà môi giới thi thể còn được biết tới với cái tên hoa mỹ hơn và cũng được dân trong nghề ưa thích hơn là các ngân hàng thi thể không cấy ghép. Các “ngân hàng” này hoàn toàn không liên quan tới ngành công nghiệp cấy ghép mô và nội tạng vốn được chính phủ Mỹ quản lý chặt chẽ.
Mua bán tim, thận và gân để cấy ghép là hành vi bất hợp pháp. Nhưng không có luật liên bang nào quản lý việc mua bán thi thể hay các bộ phận thi thể dùng cho nghiên cứu hay giáo dục. Luật của từng bang cũng rất ít giám sát vấn đề này khiến hầu như bất cứ ai, không cần cứ phải có chuyên môn, đều có thể phân xác và bán thu lời.
“Vấn đề hiện tại là ai cũng làm được việc này. Chúng ta đang chứng kiến vấn đề tương tự đã xảy ra nhiều thế kỷ trước với những kẻ cướp mộ” – bà Angela McArthur nói với Reuters trong loạt phóng sự điều tra công bố hồi tháng 10-2017.
Chia sẻ của nữ Giám đốc Chương trình hiến xác tại ĐH Y Minnesota này đề cập tới nạn trộm xác hồi thế kỷ XIX, hành động lúc bấy giờ bị coi là xâm phạm giá trị của người đã khuất. “Tôi không biết liệu tôi có thể tìm kiếm được lời lẽ nào đủ mạnh để lột tả mức độ nghiêm trọng của vấn đề này. Việc họ đang làm ngoài kia là kiếm lời từ buôn bán con người” – bà McArthur – người từng dẫn đầu một ủy ban giải phẫu hiến xác bang Minnesota, nhấn mạnh.
Vùng xám
Mô hình kinh doanh của ngành công nghiệp này xoay quanh các con đường tiếp cận với nguồn cung thi thể miễn phí lớn. Xót xa thay, nó thường đến từ người nghèo. Những kẻ môi giới thường “thu gom” thi thể bằng giao ước sẽ chịu chi phí hỏa táng cho thân nhân của những người đã khuất.
Theo một số “cựu binh” trong nền công nghiệp chăm sóc chặng an nghỉ cuối cùng của con người, chiêu hỏa táng miễn phí của những kẻ môi giới thi thể đã nhắm trúng vào những gia đình thu nhập thấp. Nhiều gia đình đã dồn tất cả tiền bạc để chữa chạy cho người thân trong thời gian bệnh tật và không thể kham nổi chi phí tang lễ sau đó.
“Có tiền thì người ta còn có thể bàn tới các lựa chọn cách tiễn đưa như thế nào với người đã khuất… Nhưng nếu không có tiền, họ có thể phải gật đầu với lựa chọn cuối cùng: “hiến xác” – ông Dawn Vander Kolk, nhân viên xã hội thuộc trại cứu tế ở Illinois, nói.
Luật lệ lỏng lẻo đồng nghĩa với hậu quả cũng mơ hồ khi các thi thể bị lạm dụng hay ngược đãi. Trong vụ việc của Công ty Nam Nevada, giới chức trách nói rằng họ không thể làm gì hơn ngoài đưa ra một trát đòi hầu tòa về cáo buộc gây ô nhiễm nhỏ đối với nhân viên liên quan nói trên. Người điều hành của công ty, ông Joe Collazo nói “lấy làm tiếc về sự tình”.
Ông này cũng cho rằng một sự giám sát sẽ rất có lợi cho ngành công nghiệp này, nó sẽ giúp người hiến tặng, người môi giới và các nhà nghiên cứu an tâm hơn. “Thú thực, tôi nghĩ là cần có các quy định. Có quá nhiều vùng xám” – ông Collazo nói.
Phân xác cho… dễ bán
Theo Giáo sư Ray Madoff từ ĐH Luật Boston, “có một thị trường lớn buôn bán các thi thể ở Mỹ nhưng chúng ta lại biết rất ít về những ai đang thu mua và họ đã làm gì”.
Thông qua phỏng vấn và các hồ sơ công bố, Reuters xác định được Nam Nevada và 33 nhà môi giới thi thể khác hoạt động trong suốt 5 năm qua. Trong đó, 25 doanh nghiệp bán thu lời, phần còn lại làm việc phi lợi nhuận. Chỉ trong 3 năm, một công ty kiếm được ít nhất 12,5 triệu USD từ các thương vụ mua bán các bộ phận thi thể. Chỉ có 4 bang của nước Mỹ giám sát chặt các hoạt động hiến xác và mua bán gồm New York, Virginia, Oklahoma và Florida. Ước tính từ năm 2011-2015, các nhà môi giới tư nhân nhận ít nhất 50.000 thi thể và phân phối hơn 182.000 bộ phận thi thể.
Giấy phép lưu trữ từ Florida và Virginia cũng phần nào cho thấy các bộ phận thi thể hiến tặng được sử dụng ra sao: một chuyến hàng năm 2013 tới một hội nghị tập huấn chỉnh hình có 27 phần vai. Một chuyến hàng năm 2015 tới phiên họp về hội chứng ống cổ tay có 5 cánh tay. Nhìn chung, các nhà môi giới có thể bán một thi thể hiến tặng từ 3.000-5.000 USD, có khi lên tới 10.000 USD. Tuy nhiên, thi thể thường được phân chia làm 6 phần để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Các tài liệu nội bộ từ 7 nhà môi giới cho thấy mức giá của từng phần thi thể: 3.575 USD cho phần thân kèm chân, 500 USD cho phần đầu, 350 USD cho bàn chân, 300 USD cho phần cột sống.