Tháng 4-2015, người dân nhiều xã của hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh, Hà Tĩnh khấp khởi mừng thầm khi dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt do Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà) được triển khai với bao hứa hẹn.
Địa điểm triển khai dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt của Công ty Bình Hà. |
Với hy vọng vào việc làm và có thu nhập ổn định, người dân đã chấp nhận nhượng lại hàng trăm ha đất sản xuất và tỉnh Hà Tĩnh đã chuyển đổi hàng ngàn ha đất trồng rừng để cho doanh nghiệp thực hiện dự án trên. |
Điều đáng nói, sau ba năm triển khai, dự án hàng ngàn tỷ này đang dần chết, lãnh đạo dự án đã bị khởi tố, hàng ngàn tỷ đồng của nhà nước có nguy cơ mất trắng, còn người dân mất đất sản xuất và đang đối mặt với nhiều hệ lụy do dự án gây ra.
“Bánh vẽ” trên vùng đất khó
Còn nhớ, cách đây hơn 3 năm trống giong cờ mở khi dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt do Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà khởi công ở Hà Tĩnh. Ngay từ khi lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận cho Công ty Bình Hà triển khai dự án này, nhiều cán bộ ở một số sở, ban, ngành liên quan đã tỏ ý không đồng tình bởi dự án triển khai chiếm diện tích đất quá lớn, đồng thời những tính toán của nhà đầu tư có nhiều chỗ kiểu “đếm cua trong lỗ”, không phù hợp thực tế.
Mặc dù vậy, tỉnh Hà Tĩnh vẫn quyết cho doanh nghiệp thuê 6.119ha đất rừng và đất lâm nghiệp tại hai huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên để thực hiện dự án (đến nay tỉnh Hà Tĩnh đã giao cho Công ty Bình Hà 819ha đất). Lúc triển khai, nhà đầu tư cho biết sẽ đầu tư với số vốn 4.582 tỷ đồng, có quy mô 254.200 con bò/năm. Để có vốn triển khai, phía Công ty Bình Hà sẽ được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho vay dài hạn hơn 2.000 tỷ đồng.
Theo đó, Ngân hàng BIDV sẽ tiếp tục đầu tư vốn lưu động cho dự án 1.000 tỷ đồng. Ngay sau khi triển khai dự án, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh kỳ vọng, dự án chăn nuôi bò này sẽ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Sau 3 năm triển khai, dự án thực sự gây thất vọng cho lãnh đạo và nhân dân Hà Tĩnh. Lúc triển khai dự án, Hà Tĩnh hy vọng sẽ có hơn 4.000 lao động của huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh được tạo việc làm ổn định, kinh tế người dân phát triển bền vững… Hy vọng là vậy nhưng hiện nay, chính dự án này đang làm cuộc sống người dân bị đảo lộn, nhiều hộ dân mất đất sản xuất, diện tích trồng rừng của Hà Tĩnh bị thu hẹp dần.
Trước khi triển khai dự án, nhiều hộ dân ở Cẩm Xuyên trồng rừng gồm thông, keo, bạch đàn, cao su… sau 5-7 năm cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng. Sau đó, người dân đã đồng thuận chấp nhận nhường đất rừng đang canh tác để phát triển dự án, song giờ họ thực sự thất vọng.
Ông Trần Đình Nam, một hộ dân trong vùng dự án bày tỏ “tui nhớ mãi ngày Hà Tĩnh phải chặt cả ngàn ha cao su đang chuẩn bị cho khai thác để nhường đất cho dự án, ai ngờ sau đó hàng ngàn người mất việc và dự án cũng chẳng đi đến mô”.
Đầu voi đuôi chuột
Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, cho biết: “Mặc dù dự án chăn nuôi bò của Công ty Bình Hà là 254.200 con bò/năm, nhưng thực tế trong 3 năm qua, trại bò này chỉ mới nhập về 43.387 con. Như vậy, mỗi năm Công ty Bình Hà chỉ nhập về gần 15.000 con bò, chỉ bằng 6% theo chủ trương ban đầu.
Hiện tại, tổng đàn bò trong trại chỉ còn lại gần 782 con. Sắp tới, công ty này sẽ chuyển thêm 300 con bò từ tỉnh Gia Lai về và nâng tổng số bò lên hơn 1.000 con”. Như vậy, từ quy mô dự án 254.200 con, nay chỉ còn chưa đầy 1.000 con bò, nhiều người dân địa phương cho rằng, số bò này chỉ bằng người dân nuôi rải rác ở một vài xã.
Vậy vì sao những người thiết lập dự án ban đầu lại “vẽ” lên quy mô dự án trên 4.000 tỷ đồng? Phải chăng đây là thủ thuật để rút tiền ngân hàng mà không ít dự án ở một số công ty đã bị cơ quan chức năng “điểm huyệt” trong thời gian qua.
Theo lãnh đạo Công ty Bình Hà, càng chăn nuôi càng lỗ nên giờ họ chuyển từ trồng cỏ sang trồng chuối. Và công ty này đã trồng được 190ha chuối. Và một lần nữa công ty này lại kỳ vọng sẽ thu hoạch từ 35 đến 50 tấn chuối/ha để thu lợi nhuận từ 150-300 triệu đồng/ha và tạo việc làm cho 1.500 lao động địa phương.
Mặc dù phía công ty kỳ vọng như vậy nhưng nhiều cán bộ có chuyên môn trong lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt ở Hà Tĩnh cho rằng, lập dự án kiểu “bánh vẽ” khi nuôi bò, giờ Công ty Bình Hà lại chuyển qua “bánh vẽ” trong trồng chuối. Bởi đầu tư hàng ngàn tỷ trồng chuối để mong thu hồi vốn và có lãi ở một vùng đất khó chỉ là câu chuyện hoang đường mà thôi.
Ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Xuyên cho biết, việc Công ty Bình Hà chuyển từ chăn nuôi bò sang trồng chuối là tự ý, không nằm trong danh mục được cơ quan nhà nước chấp thuận đầu tư. Hiện tại, các cơ quan chức năng đang yêu cầu phía Công ty Bình Hà giải trình về vấn đề này.
Được biết, hiện nay UBND huyện Cẩm Xuyên không muốn lãng phí quỹ đất nên có nguyện vọng đề xuất với UBND tỉnh Hà Tĩnh thu hồi dự án, điều chỉnh lại quy hoạch, trả lại đất cho địa phương để cấp cho người dân trồng rừng.
Ông Hoàng Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Hà Tĩnh cũng khẳng định, về việc công ty chuyển đổi sang trồng chuối thì tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa cho phép. Liên quan đến dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt của Công ty Bình Hà, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố ông Đinh Văn Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà và ông Nguyễn Xuân Lương – Giám đốc Công ty Tân Đại Việt, có trụ sở tại phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh để điều tra về hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Được biết, trong quá trình thực hiện dự án, hai đối tượng này đã cấu kết với nhau để nâng khống khối lượng, chiếm đoạt 110 tỷ đồng.