Lợi ích
Điều thu hút sự quan tâm lớn nhất và trước tiên của công dân bất cứ quốc gia nào khi quốc gia đó tham gia một hiệp định thương mại tự do là những lợi ích mang lại cho mình. Trên nghĩa này, CPTPP tạo thuận lợi hơn cho hàng hóa và đầu tư của Việt Nam nói riêng và các nước thành viên nói chung tiếp cận một thị trường rộng lớn ở châu Á Thái Bình Dương gồm Nhật, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và là đối tác thương mại lớn của nhiều nước thành viên, nơi hiện vẫn đang có sự bảo hộ thương mại với biểu thuế cao và nhiều rào cản khác.
CPTPP cũng có những thỏa thuận mạnh mẽ về môi trường và lao động, mạnh hơn tất cả các hiệp định thương mại tự do trên thế giới đã ký kết từ trước đến nay. Về môi trường, các điều khoản thỏa thuận trong CPTPP sẽ giúp bảo vệ môi trường nước sở tại thông qua việc yêu cầu các bên liên đới tuân thủ các thỏa thuận quốc tế (về bảo vệ) môi trường và dùng những thỏa thuận này để giải quyết các tranh chấp. Hiệp định còn có điều khoản về trợ cấp đánh bắt hải sản dẫn đến đánh bắt quá mức, cũng như quy định nghĩa vụ cho các nước thành viên xử lý việc mua bán thực vật và động vật hoang dã bất hợp pháp.
Các thỏa thuận về lao động nhằm bảo vệ và thực thi các quyền lao động, cải thiện điều kiện làm việc và chất lượng sống, thắt chặt sự phối hợp trong các tranh chấp lao động… Và đây là lần đầu tiên, trong khuôn khổ CPTPP, các vấn đề về lao động được giải quyết qua cơ chế giải quyết tranh chấp, đảm bảo sự bình đẳng về nghĩa vụ giữa các công ty bản địa và nước ngoài với người lao động tại tất cả các nước thành viên. Điều này giúp bảo đảm rằng không một nước thành viên nào thu được lợi thế cạnh tranh thương mại nhờ có luật lao động lỏng lẻo và không được thực thi nghiêm túc.
Với những ưu việt của nó, CPTPP được kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều thành viên mới trong tương lai, không ngoại trừ cả Mỹ và thậm chí là Trung Quốc (nếu được các nước thành viên hiện thời đồng ý). Điều này càng tạo thêm thuận lợi cho sự tiếp cận các thị trường mới khổng lồ của các nước thành viên hiện tại, trong đó có Việt Nam.
Chủ quyền quốc gia
Dù có nhiều điểu khoản thỏa thuận ở mức cao, gồm quyền của doanh nghiệp nước ngoài kiện Chính phủ, nhưng CPTPP không tước đi quyền được có các lựa chọn phù hợp với lợi ích quốc gia nhất của Chính phủ các nước thành viên. Trong mọi trường hợp, các nước thành viên luôn có quyền rút ra khỏi hiệp định trong tương lai nếu họ muốn vậy.
Cụ thể hơn, CPTPP vẫn giành cho các Chính phủ thành viên quyền chế tài nhằm đảm bảo các lợi ích công cộng của quốc gia mình, gồm các lĩnh vực như hệ thống y tế, cung cấp dược phẩm, giáo dục công cộng, môi trường, và an ninh quốc gia…
Quyền chủ quyền của các nước thành viên còn được thể hiện cụ thể bằng việc tiếp tục được phép giám sát và hạn chế đầu tư nước ngoài vào những khu vực nhạy cảm (về, ví dụ, đất đai và hạn chế đánh bắt hải sản), và hạn chế người nước ngoài được sở hữu nhà.
CPTPP cũng không cấm đoán các nước thành viên thành lập mới các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Và cũng chỉ các DNNN ở một quy mô (về doanh thu thương mại) đủ lớn nào đó mới là đối tượng chế tài của CPTPP. Ngoài ra, các điều khoản quy định về DNNN của CPTPP không áp dụng với các đơn vị chăm sóc y tế cơ sở, viện nghiên cứu, các tổ chức và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế công cộng…
CPTPP cũng không có một điều khoản nào ngăn cấm các nước thành viên được quốc hữu hóa các công ty tư nhân trong tương lai. Tất nhiên, khi quốc hữu hóa, các Chính phủ được kỳ vọng sẽ phải bồi thường thỏa đáng cho các chủ sở hữu công ty tư nhân theo luật lệ quốc tế và trong nước.
Và cũng giống như với các hiệp định thương mại tự do đa phương khác, CPTPP khẳng định lại cam kết của các nước thành viên không cố ý lạm dụng các quy định của CPTPP cho các mục đích công cộng không chính đáng dưới dạng các rào cản thương mại mang tính phân biệt đối xử bất hợp lý.
Những khác biệt
Do không có sự tham dự của Mỹ, thành viên chủ chốt của TPP, nên CPTPP tất yếu có những nội dung khác biệt với của TPP. Cụ thể, có 20 điều khoản của TPP đã bị đình chỉ trong các lĩnh vực gồm đầu tư và sở hữu trí tuệ.
Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, TPP sẽ làm vô hiệu hóa một số luật và thông lệ của các nước thành viên trong việc bảo vệ các dược phẩm mới không bị cạnh tranh bởi các thuốc gốc (generic drug). Trong khuôn khổ của CPTPP, không có yêu cầu nào cho các nước thành viên thay đổi các luật và thông lệ đối với các dược phẩm mới gồm cả chế phẩm sinh học. Các nước thành viên cũng đồng ý đình chỉ nghĩa vụ gia hạn thời hạn bản quyền trong những trường hợp có những sự trì hoãn bất hợp lý trong việc cấp bản quyền cũng như cấp phép nhập khẩu một loại thuốc nào đó vào các nước thành viên.
Ngoài ra, một số quy định về sở hữu trí tuệ có trong TPP cũng bị đình chỉ trong CPTPP. Chẳng hạn, các nước thành viên không còn phải gia hạn thời gian bảo hộ bản quyền lên 70 năm (từ 50 năm), và điều này giúp làm giảm chi phí hữu hình cho các nước thành viên của CPTPP so với TPP. Có tổng cộng 11 quy định về sở hữu trí tuệ của TPP đã bị đình chỉ trong CPTPP.
Về Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ và Nhà đầu tư (ISDS), CPTPP vẫn bảo lưu ISDS nhưng có sự giảm bớt về phạm vi cho phép nhà đầu tư nước ngoài sử dụng cơ chế này để kiện Chính phủ nước thành viên sở tại. Theo đó, trong khuôn khổ CPTPP, các công ty tư nhân có hợp đồng đầu tư với Chính phủ sẽ không được phép sử dụng cơ chế ISDS để kiện Chính phủ nước sở tại nếu đó là tranh chấp về hợp đồng.
Lưu ý rằng công ty sở tại không được sử dụng ISDS để khởi kiện Chính phủ nước sở tại, mặc dù công ty sở tại có thể sử dụng ISDS để khởi kiện Chính phủ của một nước thành viên khác. ISDS chỉ liên quan đến các tranh chấp về các điều khoản đầu tư của CPTPP.
Và cũng cần lưu ý rằng các công ty không có quyền quyết định lập ban trọng tài của ISDS. CPTPP có điều khoản về việc này, theo đó, ban trọng tài có ba thành viên, một do Chính phủ cử ra, một do nguyên đơn lựa chọn, và một trọng tài chủ tọa cùng do Chính phủ và nguyên đơn lựa chọn.