Những điều cần biết về cuộc chiến thương mại sắp nổ ra của Tổng thống Donald Trump

Đề xuất đánh thuế “cao chót vót” lên thép và nhôm nhập khẩu của Tổng thống Donald Trump đã làm gia tăng nỗi sợ về một cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Cụ thể là kế hoạch này, vốn đã được thảo luận căng thẳng bên trong Nhà Trắng trước đó, sẽ tăng mức thuế dành cho các sản phẩm nhập khẩu làm từ thép và nhôm thêm 10%, so với các mức cũ là 25% và 10%.

Tuy nhiên, những quốc gia bị ảnh hưởng có thể sẽ trả đũa bằng các mức thuế riêng của họ dành cho những sản phẩm của Mỹ. Nói cách khác, sẽ có một cuộc chiến thương mại. Vậy điều đó nghĩa là gì, có thể ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế Mỹ và liệu chúng ta có nên lo lắng không:

Chiến tranh thương mại là gì?

Chiến tranh thương mại là khi một quốc gia áp thuế hay những rào cản khác dành cho những sản phẩm nhập khẩu, khiến cho các quốc gia khác trả đũa bằng cách áp dụng những mức thuế hay các biện pháp trừng phạt tương tự.

Theo Manuel Perez-Rocha, chuyên gia tại Viện nghiên cứu chính sách Mỹ, ông Trump đã thật sự “tuyên chiến” bằng cách kêu gọi đánh thuế lên thép và nhôm nhập khẩu. “Những gì chúng ta có thể nhận được là các đối tác thương mại của mình sẽ vận dụng pháp lý theo các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và bắt đầu trả đũa đối với những sản phẩm xuất khẩu của Mỹ”, ông nói với tạp chí Fortune.

Lần cuối cùng Mỹ rơi vào tình trạng chiến tranh thương mại là khi nào?

Theo các nhà kinh tế học và chuyên gia thương mại, cuộc chiến thương mại gần đây nhất mà Mỹ đã gặp phải là vào thập niên 1930, và nó đã làm trầm trọng thêm những tác động của cuộc Đại suy thoái. Nó bắt đầu sau khi cựu Tổng thống Herbert Hoover biến dự luật thuế Smoot Hawley thành luật vào năm 1930, tăng thuế đánh vào hơn 20.000 sản phẩm.

Các cố vấn của ông Trump tranh luận rằng những mức thuế hiện tại của họ, mà chỉ nhắm vào thép và nhôm, thì không giống như những điều khoản bảo hộ trong Smoot Hawley, vốn tăng thuế dành cho nhiều sản phẩm và tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng đề xuất của ông Trump vẫn có thể sẽ khởi xướng một cuộc chiến thương mại đúng nghĩa.

“Nếu Trung Quốc và Mexico trả đũa Mỹ, thì điều đó sẽ tương tự như đạo luật Smoot-Hawley”, Doug Irwin, giáo sư kinh tế học tại Dartmouth và tác giả của cuốn Peddling Protectionism: Smoot-Hawley and the Great Depression,phân tích.

Tại sao ông Trump lại muốn một cuộc chiến thương mại?

Theo Joshua Meltzer, một chuyên gia cao cấp tại viện Brookings, ông Trump hiện rất “điên tiết” về vấn đề thâm hụt thương mại. Kiểu chiến lược ăn miếng trả miếng này hiện làm mất đi hình ảnh lớn hơn của Mỹ trong các mối quan hệ thương mại.

“Một biến động mạnh trong thương mại sẽ mất đi tất cả những điều có thể đạt được từ nỗ lực bỏ bớt các quy định và giảm thuế của chính quyền ông Trump. Khả năng là một sự vượt rào trong chủ nghĩa bảo hộ ở mức độ cao nhất sẽ khiến cho giá USD tăng lên, xuất khẩu bị giảm và tăng trưởng gặp khó khăn”, Shawn Tully, phóng viên của Fortune viết.

Douglas Holtz-Eakin, chủ tịch diễn đàn American Action, và là cựu giám đốc Văn phòng ngân sách Quốc hội dưới thời Tổng thống George W. Bush, đã gọi một cuộc chiến thương mại là “nguy cơ lớn đối với thành công của ông Trump”.

Perez-Rocha, chuyên gia tại Viện nghiên cứu chính sách, thì cho rằng “một cuộc chiến thương mại đầy đủ là nguy hiểm cho cả hai phía. Các công ty xuất khẩu của Mỹ, từ máy bay cho tới các sản phẩm đóng hộp, cũng có thể bị thiệt hại nặng nề”.

Sẽ có một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc?

“Nếu tất cả các quốc gia đều theo gương của Mỹ thì điều đó chắc chắn sẽ dẫn tới một tác động nghiêm trọng lên trật tự thương mại quốc tế”, Hua Chunying, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc, lên tiếng tại một cuộc họp báo vào sáng thứ Năm vừa qua.

Và không chỉ quan hệ thương mại Mỹ – Trung là gặp nguy hiểm.

Perez-Rocha cho biết “Các đối tác thương mại chính của Mỹ, gồm Canada, Liên minh châu Âu (EU), Mexico, Nhật Bản, Trung Quốc và Brazil, đều nói rằng họ đang cân nhắc các biện pháp trả đũa đối với các mức thuế mới ‘cao chót vót’ này”.

Tránh một cuộc chiến thương mại nghĩa là “xử lý sự mất cân bằng hay thay đổi trong thương mại theo hướng đa phương, chứ không phải đơn phương và đột ngột như cách ông Trump đã làm. Thay vì cố gắng ‘hạ gục’ các đối tác, đặc biệt là Trung Quốc, sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ nên được dựa trên việc cố gắng làm hài hòa các lợi ích – mà chính xác là điều trái ngược với tính khí hay làm phật lòng người khác của ông Trump”, ông nói thêm.

Từ iPhone đến những chai bia đều sẽ tăng giá, đề xuất thuế nhập khẩu nhôm thép của ông Trump lợi bất cập hại?

Bài viết mới