Tháng 10 năm ngoái, Ripple – 1 công ty 5 năm tuổi – tự nhận mình là “một trong những startup có giá trị lớn nhất ở Mỹ… sau Uber, Airbnb, Palantir và WeWork”.
Fintech – mảng kinh doanh cốt lõi của Ripple – chưa thực sự đột phá. Tuy nhiên, cơn sốt tiền số đã đẩy giá XRP, đồng tiền số được tạo ra bởi các nhà đồng sáng lập của Ripple và có nguồn cung vẫn đang chịu sự kiểm soát của công ty này, đã tăng 36.000% trong năm 2017, thậm chí đe dọa cướp lấy ngôi vị số 1 của bitcoin. Tính đến thời điểm trước Giáng sinh, tổng giá trị vốn hóa của XRP lên đến 200 tỷ USD.
Nhưng ngoài chuyện tăng giá phi mã như bao đồng tiền số khác, XRP là 1 đồng tiền số khá đặc biệt. Không giống như đồng bitcoin hoàn toàn phi tập trung và đầy tính nổi loạn và ra đời sau khủng hoảng tài chính giữa lúc niềm tin vào hệ thống ngân hàng truyền thống rớt xuống đáy, XRP nhắm đến mục đích thay đổi hoàn toàn cơ sở hạ tầng của hệ thống ngân hàng. CEO Brad Garlinghouse của Ripple gọi XRP là “giải pháp thanh khoản tầm cỡ toàn cầu cho các ngân hàng cũng như các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán”.
XRP sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong hệ thống ngân hàng?
Dẫu vậy, bản thân đồng XRP – giờ đã hạ nhiệt – cũng là trung tâm của nhiều câu hỏi. Giải pháp công nghệ giúp giảm đáng kể thời gian và chi phí thực hiện các giao dịch thanh toán của Ripple có thể gây ấn tượng mạnh với các chuyên gia tài chính. Tuy nhiên, mức độ biến động của đồng XRP và việc Ripple sở hữu hơn một nửa trong tổng số 100 tỷ đồng XRP đã được tạo ra lại gây ra lo lắng trong các ngân hàng từng được kỳ vọng sẽ sử dụng XRP như một đồng tiền trung gian.
Ripple muốn “hất cẳng” Swift – mạng lưới thanh toán quốc tế đang được sở hữu bởi và kết nối khoảng 11.000 ngân hàng trên toàn thế giới. Ripple hứa hẹn sẽ sử dụng công nghệ sổ cái phân phối để truyền thông tin giữa các ngân hàng, từ đó đẩy nhanh tốc độ xử lý giao dịch. Đồng thời XRP sẽ được sử dụng như 1 đồng tiền trung gian có giá rẻ và được chấp nhận trên toàn cầu để thay thế các tài khoản nostro và vostro đắt đỏ của các ngân hàng trung gian truyền thống.
“Hãy nghĩ về XRP như một loại dầu nhờn mà bạn bơm vào chiếc xe hơi của mình”, Greg Kidd – cựu giám đốc quản lý rủi ro của Ripple nói. Thực sự thì các ngân hàng “không cần đến quá nhiều XRP”, cũng như mỗi chiếc xe chỉ cần đến 1 lượng dầu nhất định, ông bổ sung thêm.
Giá trị vốn hóa của 3 đồng tiền số bitcoin, ethereum và ripple. Nguồn: FT.
Giới đầu cơ lại đang đặt cược rằng các ngân hàng sẽ cần đến rất nhiều XRP với vai trò là 1 đồng tiền dự trữ. Và nếu điều này đúng, XRP sẽ bùng nổ trong hệ thống tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng không bị thuyết phục rằng họ cần phải sở hữu 1 lượng XRP nhất định – thực chất hệ thống xử lý giao dịch thanh toán của Ripple cũng không yêu cầu điều này, mức giá trị vốn hóa 60 tỷ USD hiện nay của XRP là quá cao, mang nặng tính đầu cơ.
Ripple cho biết hơn 100 định chế tài chính đã sử dụng ít nhất 1 sản phẩm của Ripple. Mới đây hãng cũng thông báo đang chạy chương trình thử nghiệm với công ty chuyển tiền MoneyGram. Nhưng dù Ripple luôn tự hào về những dự án với Santander và American Express, các ngân hàng khác đang tỏ ra lưỡng lự chưa muốn đi xa hơn.
Phóng viên Financial Times đã liên hệ với 16 ngân hàng và công ty cung cấp dịch vụ tài chính có liên quan đến Ripple. Hầu hết cho biết vẫn chỉ dừng lại ở giai đoạn thử nghiệm các khả năng hợp tác, nhưng một số cho biết đang sử dụng hệ thống của Ripple cho các giao dịch chuyển tiền thực. Ví dụ, ngân hàng SEB của Thụy Điển đã sử dụng phần mềm của Ripple để thực hiện thanh toán xuyên biên giới giữa những tài khoản nắm giữ bởi một số khách hàng tổ chức. Santander cũng hi vọng sẽ sớm tung ra app thanh toán xuyên biên giới sử dụng công nghệ của Ripple, áp dụng cho các khách hàng ở châu Âu và Mỹ.
Nhưng không có ngân hàng nào nói họ đã sử dụng đồng XRP.
CBW Bank, một ngân hàng có trụ sở ở Texas, là một trong những đối tác đầu tiên thông báo hợp tác với Ripple từ năm 2014. Tuy nhiên, Chủ tịch Suresh Ramamurthi của CBW cho biết đã ngừng kế hoạch sử dụng hệ thống của Ripple, chờ đến khi giới chức có hướng dẫn rõ ràng hơn. Ông bổ sung thêm rằng một số ngân hàng chưa muốn sử dụng những đồng tiền số như XRP vì sợ trở thành “bên đầu tiên chịu thiệt hại”.
Hank Uberoi, Chủ tịch của công ty chuyên về thanh toán xuyên biên giới Earthport, đã phối hợp với Ripple để cùng cung cấp dịch vụ cho các định chế tài chính. “Các ngân hàng chưa sẵn sàng sử dụng XRP bởi vì họ không thể chắc chắn về tính pháp lý. Bên cạnh đó nếu tiền đang được giao dịch mà giá XRP lao dốc kinh hoàng, điều gì sẽ xảy ra?”
Uberoi cho rằng một vấn đề khác của Ripple là phải có một lượng lớn ngân hàng đăng ký tham gia mạng lưới để có thể thực sự cạnh tranh với Swift. Ripple cũng thừa nhận họ không thể tự mình làm điều này, đây là điều không thể xảy ra chỉ sau 1 đêm.
Một cựu nhân viên của Ripple đã nghỉ việc từ năm ngoái cho biết đôi lúc Ripple quá vội vã thông báo các ngân hàng đang sử dụng công nghệ của mình trong khi đó mới chỉ là những cuộc thử nghiệm công nghệ blockchain. Người này cho rằng đây là một “mẹo để sống sót”.
Mới đây, trước những lo ngại từ các ngân hàng, Ripple đã phải cam kết sẽ “đóng băng” 55 tỷ đồng XRP và sẽ kiểm soát nguồn cung bằng cách không phát hành quá 1 tỷ XRP mỗi tháng.
Tấm gương phản chiếu hoàn hảo sự hưng phấn của thị trường tiền số
Dẫu vậy, dù các ngân hàng có sử dụng XRP hay không thì Ripple đã hưởng lợi khá lớn từ đà tăng giá của đồng tiền này. Riêng trong quý III năm ngoái Ripple đã bán số XRP trị giá 52,2 triệu USD cho các định chế tài chính và thông qua các sàn, tăng 67% so với mức 31,3 triệu USD của quý II. Ripple giảm giá cho các nhà tạo lập thị trường để tăng số lượng các nhà đầu tư định chế tham gia vào mạng lưới.
Kể từ khi Ripple tự so sánh mình với Uber và Airbnb, giá XRP đã từng phá đỉnh 3,8 USD nhưng cũng có lúc rơi xuống dưới 1 USD trước khi hồi phục trở lại trong tuần vừa qua. Biến động mạnh cũng là tình trạng chung của thị trường tiền số mang nặng tính đầu cơ.
Khi Coinmarketcap loại bỏ số liệu từ các sàn giao dịch ở Hàn Quốc khỏi công thức tính toán, giá trị vốn hóa của Ripple đã ngay lập tức giảm từ mức 124 tỷ USD xuống còn 101 tỷ USD, cho thấy Hàn Quốc là thị trường tác động mạnh đến đồng tiền này.
Giá XRP cũng rất nhạy cảm với các tin tức dù chúng đến từ những nguồn không thực sự đáng tin cậy. Giá tăng vọt trong tháng 12 năm ngoái vì tin đồn thất thiệt rằng XRP sẽ được niêm yết trên sàn giao dịch nổi tiếng Coinbase, và gần đây hơi là tăng 20% sau báo cáo không được kiểm chứng cho rằng Western Union sẽ áp dụng công nghệ của Ripple.
Đúng như nhận định của Eric Turner, chuyên gia phân tích của S&P Global Market Intelligence, diễn biến giá XRP là “tấm gương phản chiếu hoàn hảo sự hưng phấn của thị trường tiền số”.