Những cổ phiếu giúp VnIndex trụ lại ngưỡng 1.000 điểm

Phiên 6/2 là phiên thứ 2 liên tiếp thị trường chứng khoán giảm điểm sâu. Có lúc, VnIndex mất đến 65 điểm và chỉ số đã suýt vuột khỏi điểm số 1.000 khó khăn lắm mới có được hồi cuối năm 2017. Cứu nguy cho VnIndex hôm nay là các cổ phiếu của các tỷ phú đô la của Việt Nam đã lội ngược dòng từ xanh sàn lên xanh tăng điểm như cổ phiếu VIC của Vingroup, cổ phiếu MSN của Masan, cổ phiếu NVL của Novaland, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát.

Cổ phiếu VIC của Vingroup đi đầu trong việc “bẻ hướng”. Sau khi giảm sâu xuống giá sàn 75.500 đồng, cổ phiếu VIC bất ngờ hồi phục nhanh cùng thanh khoản tăng nhanh. VIC nhích dần lên giá đỏ và rồi chốt phiên ở giá tham chiếu 81.100 đồng.

Phải nói thêm rằng, cổ phiếu VIC đã trở thành một hiện tượng trong năm 2017 khi giá liên tục tăng cao cùng với hàng loạt động thái mới của tập đoàn như đưa Vincom Retail lên sàn niêm yết, sản xuất ô tô…

Doanh thu năm 2017 của VIC vượt ngưỡng 90.000 tỷ đồng và Lợi nhuận sau thuế 5.440 tỷ đồng – tăng 55% so với năm trước đó. Công ty vượt 81% kế hoạch lợi nhuận mà Đại hội cổ đông giao phó.

Vingroup là doanh nghiệp do tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng gây dựng. Nhờ sự tăng giá mạnh mẽ của cổ phiếu VIC, tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện đã sở hữu khối tài sản hơn 125 nghìn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán.

Những cổ phiếu giúp VnIndex trụ lại ngưỡng 1.000 điểm - Ảnh 1.

Những cổ phiếu tác động lớn vào VnIndex phiên 6/2

Tiếp đến phải kể đến là cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan. Ban đầu, cổ phiếu MSN cũng “lau sàn” như nhiều cổ phiếu khác trên thị trường nhưng sau 14h thì cổ phiếu này bắt đầu tăng giá cùng khối lượng bắt đáy tăng nhanh. Cổ phiếu MSN đạt mức tăng 1,5% lên 86.000 đồng/cổ phiếu và góp phần giúp VnIndex giảm dần đà giảm và giữ được mốc 1.000 điểm.

Masan là doanh nghiệp được dẫn dắt bởi tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Theo danh sách các tỷ phú giàu nhất thế giới Bloomberg Billionaires Index, ông Quang hiện có tài sản 1,2 tỷ USD. Cổ phiếu của Masan Group, tập đoàn do ông sáng lập và hiện đang là Chủ tịch, đã tăng hơn gấp đôi trong 6 tháng qua.

Ông Quang chỉ trực tiếp sở hữu 10 cổ phiếu Masan Group tuy nhiên ông lại là cổ đông chính của của CTCP Masan (Masan Corp) công ty đang trực tiếp và gián tiếp nắm giữ 50% cổ phần của Masan Group.

Cổ phiếu NVL của Novaland cũng có phiên đảo chiều ngoạn mục. NVL là một trong số ít bluechips tăng không đáng kể trong năm 2017 trong khi toàn thị trường chứng khoán sôi động. Nhưng, những ngày đầu năm 2018 là chuỗi ngày huy hoàng của cổ phiếu này khi giá tăng liên tục từ ngưỡng ~60.000 đồng cuối năm 2017 lên hơn 80.000 đồng trước biến cố lớn của thị trường chứng khoán 2 phiên gần đây. Biến cố lớn của thị trường chứng khoán dường như không hề tác động đến đà tăng của cổ phiếu NVL. Sau khi giảm điểm nhẹ cùng thị trường chung còn 80.700 đồng thì cổ phiếu NVL đã tăng mạnh lên 81.800 đồng.

NVL được gây dựng bởi gia đình ông Bùi Thành Nhơn. Ông Nhơn là một trong những tỷ phú sở hữu khối tài sản lớn trên thị trường chứng khoán. Giá trị thị trường của các cổ phiếu ông Nhơn nắm giữ đạt gần 12.000 tỷ đồng.

Màn “trình diễn” không kém gì phim phải kể đến là cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát. Hòa Phát là một trong số ít doanh nghiệp ăn nên làm ra trong ngành thép năm 2017 vừa qua. Năm 2017, doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 46.800 tỷ đồng, tăng 38% so với 2016. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức cao nhất trong lịch sử HPG khi đạt 8.000 tỷ đồng, vượt 33% so với kế hoạch và tăng 21% so với năm trước.

Cổ phiếu HPG của Hòa Phát sau khi giảm gần kịch biên độ phiên hôm qua và sáng nay thì đã về đến mức giá ~53.000 đồng/cổ phiếu là mức giá được nhiều nhà đầu tư xem là hấp dẫn. Lực mua lớn đổ dồn vào cổ phiếu HPG ngay khi cổ phiếu này nhúc nhích tăng qua ngưỡng giá sàn. Nhờ lực mua mạnh, cổ phiếu HPG nhúc nhích đảo chiều dần và rồi tăng nhanh khi lấy được màu xanh. Có lúc, HPG đạt ngưỡng 59.400 đồng tương ứng mức tăng hơn 3,5%. Tuy nhiên, có vẻ như bull trap đã xảy ra với HPG khi bất ngờ có lực bán mạnh đã đẩy cổ phiếu từ mức tăng cao xuống giá đỏ. Kết thúc phiên giao dịch, HPG quay trở lại với mức giá xanh, đạt 58.000 đồng/cổ phiếu.

Ông Trần Đình Long, người dẫn dắt Hòa Phát, là một trong những tỷ phú đô la trên thị trường chứng khoán Việt với giá trị tài sản lên đến 21.749 tỷ đồng.

Cổ phiếu STB của Sacombank cũng đã có phiên giao dịch bất ngờ với thanh khoản tăng vọt lên 33 triệu cổ phiếu. Điều đáng nói là, cổ phiếu STB giảm sàn khá lâu trong phiên giao dịch sáng nay và nếu ai có sẵn “hàng” thì đã lãi lớn nếu thành công trong giao dịch mua, bán trong phiên.

Phiên giao dịch hôm nay, Sacombank cũng được nhà đầu tư nước ngoài tranh mua mạnh mẽ. Lượng mua vào lên đến 4,5 triệu cổ phiếu trong khi bán ra chỉ đạt hơn 750 nghìn đơn vị.

VN-Index chưa đánh mất mốc 1.000 điểm, khối ngoại đổ hơn 4.500 tỷ đồng vào VRE

Bài viết mới