Những cổ phiếu “đắt xắt ra miếng” trong giai đoạn khó khăn của thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán đang trải qua những ngày khó khăn khi chỉ số liên tục chinh phục đỉnh cao mới nhưng hầu hết tài khoản của nhà đầu tư ở trong tình trạng thua lỗ hoặc may mắn giữ được vốn. Những cổ phiếu từng được tung hô là “cổ phiếu không đỉnh” trong giai đoạn đầu năm, nay cũng trở thành tội đồ đối với nhiều người. Trong bối cảnh đó, nếu đủ nhạy bén để chọn đúng dòng cổ phiếu trú bão thì mặc dù đó là những cổ phiếu thị giá rất cao, vẫn có thể nói rằng nhà đầu tư đã mua được những món hàng “đắt xắt ra miếng”.

MWG – CTCP Đầu tư Thế giới di động

Sau khi chinh phục đỉnh mới tại 131.000 đồng/cp, MWG giảm nhiệt và đi xuống 3 phiên liên tục, đóng cửa phiên giao dịch ngày 01/11 tại 126.900 đồng. Nhưng bất kể tính trong khoảng thời gian nào từ đầu năm đến nay (theo tháng), nhà đầu tư chọn mua MWG đều có lãi. Với 307,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Thế Giới Di Động được định giá lên đến 40,6 nghìn tỷ đồng – một con số khá ấn tượng đối với một DN chỉ có lịch sử 13 năm phát triển.

Dù có nhiều ý kiến trái chiều khi nói về Thế giới di động nhưng không thể phủ nhận đây là cổ phiếu có khả năng thu hút nhà đầu tư bởi tham vọng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng được thực tế hóa. Mới nhất, Thế giới di động đang thực hiện những bước cuối cùng cho việc mua lại chuỗi dược phẩm (với 1 thông tin ngoài lề là chuỗi Phúc An Khang), tiến tới “mô hình Amazon” như nhà đầu tư vẫn gọi.

APC – CTCP Chiếu xạ An Phú

Trong vòng nửa năm qua, APC không ngừng đi lên. Ngay cả trong giai đoạn thị trường xấu như những tháng vừa qua, cổ phiếu của doanh nghiệp chiếu xạ này vẫn liên tục tăng, đặc biệt từ ngày 19/10 đến nay. Trong vòng 10 phiên, APC tăng 41% lên tên 68.000 đồng và nếu tính từ đầu năm, cổ phiếu đã tăng gấp 3 lần.

Hỗ trợ cho sự tăng giá cổ phiếu là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm 2017, doanh thu thuần của An Phú đạt 108 tỷ đồng – tăng 45%; Lợi nhuận sau thuế 47 tỷ đồng – tăng 63% so với cùng kỳ năm trước. EPS đạt gần 4.000 đồng. Con số lợi nhuận An Phú đạt được trong 9 tháng đã vượt qua kết quả kinh doanh cả năm 2016 và kế hoạch kinh doanh năm 2017.

Hiệu quả kinh doanh của An Phú cũng là điều đáng chú ý với biên lãi gộp liên tục tăng mạnh. Nếu như năm 2012, biên lãi gộp của An Phú chỉ là 46% thì đến 9 tháng đầu năm 2017 đã tăng lên 70%. Tính riêng quý 3/2017 thì biên lãi gộp của An Phú là 72%.

Vốn hóa thị trường của APC đã lên tới hơn 800 tỷ đồng trong khi tài sản chỉ chưa đến 280 tỷ đồng và danh mục tài sản không thể hiện tiềm năng gì đã khiến cho nhiều người e ngại khi cổ phiếu tăng khá sốc. Mặc dù vậy, nếu chọn đúng APC trong những ngày qua, đó là một thành công.

CTD – CTCP Xây dựng Coteccons

Nằm im suốt nhiều tháng trời quanh giá 200.000 – 210.000 đồng, CTD dường như chỉ còn phù hợp với những nhà đầu tư muốn giữ tiền một cách an toàn. Thế nhưng bất ngờ trong tháng qua, CTD bật tăng đi ngược tình trạng chung của hầu hết các cổ phiếu trên thị trường và cùng ngành. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 01/11, CTD đạt 222.000 đồng/cp.

Với cơ cấu tài chính nổi tiếng lành mạnh, kết quả kinh doanh bứt phá đã khiến một cổ phiếu thị giá cao nhưng an toàn như CTD trở thành lựa chọn lý tưởng cho giai đoạn này. Riêng quý 3/2017 Coteccons báo lãi sau thuế 477,5 tỷ đồng, tăng trưởng 30,5% so với quý 3 năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận lớn nhất trong quý 3 mà Coteccons đạt được trong nhiều năm trở lại đây.

GAS – Tổng công ty khí Việt Nam

Giá dầu tăng cùng với sóng “cổ phiếu trụ” thay phiên giữ lửa cho thị trường đã đẩy GAS tăng từ 60.000 đồng lên 73.000 đồng. Báo cáo kết quả kinh doanh quý 3. GAS cho biết doanh thu đạt 15.085 tỷ đồng, tăng trưởng 9,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận gộp của GAS đạt đến 3.058 tỷ đồng, tăng trưởng 69,3% so với cùng kỳ. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ GAS đạt mức 1.902 tỷ đồng, tăng 97,3% so với cùng kỳ năm trước.

VIC – Tập đoàn Vingroup và SDI – CTCP Đầu tư và phát triển đô thị Sài Đồng

VIC là gương mặt sáng giá của thị trường trong 2 tháng qua. Với sự kiện đưa Vincom Retail lên sàn, VIC đã bứt phá từ giá 45.000 đồng hồi cuối tháng 8 lên 58.000 đồng. Sau đó 1 tháng, SDI cũng tăng tốc từ 60.000 đồng lên 93.000 đồng.

Theo thông tin trong bản cáo bạch của Vincom Retail ( VRE ), tính đến ngày 3/10, ba cổ đông lớn trong nước gồm Tập đoàn Vingroup – nắm giữ 18,4% cùng 2 công ty con của Vingroup là CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng ( SDI ), nắm giữ 32,3% và CTCP Phát triển Đô thị Nam Hà Nội (NHN), nắm giữ 8,3%. Như vậy tổng cộng nhóm Vingroup nắm giữ 58,9% cổ phần.

Những gương mặt này đều là những cổ phiếu đã tăng giá khá mạnh trong giai đoạn vừa qua và dù có thị giá cao nhưng là lựa chọn chính xác hơn hẳn những cổ phiếu thị giá thấp và giảm giá liên tục. Đó cũng là một minh chứng cho một bài học mà nhiều người hay nói: “không có cổ phiếu đắt hay rẻ, chỉ có cổ phiếu tăng hay giảm”.

Cổ phiếu đắng mùa kết quả kinh doanh

Bài viết mới