Tinh giảm biên chế, cải cách bộ máy hành chính nhiều năm nay luôn là một vấn đề được dư luận rất quan tâm. Ngày 30/10, Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật cải cách bộ máy hành chính Nhà nước trong giai đoạn 5 năm gần đây.
Nội dung được các đại biểu Quốc hội đem ra ‘mổ xẻ’ xoay quanh Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016 của Quốc hội. Một trong những đại biểu đầu tiên đứng lên thể hiện sự đồng tình với kết quả là ông Trần Văn Lâm từ đoàn Bắc Giang.
Đại biểu này cho rằng bộ máy hành chính hiện đang gặp vấn đề chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa có tính kề thừa thế hệ sau với thế hệ trước, từ đó hiệu quả hoạt động không cao. Ông Lâm kể ra ví dụ các cơ quan sau khi chia tách thì mất một thời gian dài để ổn định tổ chức, thiết lập sự đoàn kết giữa chính các cán bộ.
Đại biểu đến từ Bắc Giang ví von chuyện chia tách, sát nhập, cải cách của các cơ quan Nhà nước cũng chẳng khác nào chuyện cây tre trăm đốt với câu thần chú khắc nhập khắc xuất trong dân gian. Khi những chuyện này đi vào dĩ vãng thì hoạt động của bộ máy hành chính mới có thể hiệu quả.
Bức tranh bộ máy hành chính được vẽ nên với những gam màu sáng tối lẫn lộn qua lời phát biểu của các đại biểu. Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu từ đoàn tỉnh Nghệ An tâm đắc với Báo cáo khi đã “chỉ rõ, rất rõ và rất chính xác” nguyên nhân yếu kém trong cải cách bộ máy hành chính xuất phát từ tình trạng cục bộ, nể nang, ngại va chạm vì lợi ích riêng của ngành, của địa phương mình.
Từ đây, ông Cầu gửi gắm mong mỏi của cử tri ở cuối bài phát biểu: “Cử tri mong muốn các đồng chí Bộ trưởng, thủ trưởng các địa phương đặt lợi ích đất nước, lợi ích nhân dân lên trước lợi ích của ngành mình, địa phương mình”.
Nhìn từ khía cạnh khác, đại biểu Cao Thị Xuân của đoàn đại biểu Thanh Hóa kể ra một loạt các số liệu bất hợp lý về bài toán biên chế tại các Bộ, ngành. Ví dụ, Bộ Tài chính dư 6.318 biên chế, Bộ Nội vụ dư 492, Bộ Ngoại giao dư 334, trong khi đó các Bộ ngành này hiện vẫn tiếp tục xin bổ sung biên chế.
“Tôi rất phân vân bởi việc giao biên chế hoàn toàn không xác thực với nhu cầu sử dụng biên chế ở các Tổng cục, các Vụ, Cục trực thuộc Bộ. Đáng quan tâm hơn đây không phải là hiện tượng cá biệt mà là xu hướng phổ biến ở các Bộ, ngành” – Bà Xuân nói.
Từ đó, vị đại biểu đoàn Thanh Hóa đặt vấn đề một cách thẳng thắn: “Phải chăng đây là hệ lụy của cơ chế xin cho, mạnh ngành nào thì xin biên chế cho ngành mình, không cần biết thực tế nhu cầu sử dụng đó tạo gánh nặng thế nào đối với ngân sách và quỹ lương”.
Năng lực, phẩm chất người cán bộ Nhà nước cũng là vấn đề các đại biểu Quốc hội nhắc tới. Trong gương mặt trầm tư, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng của đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương kể ra một thực trạng khá chua xót cho bộ máy hành chính Nhà nước, khi mà người giỏi, người tài của đất nước lại không chọn đây như nơi để làm việc và cống hiến.
“Các em các cháu đi du học nước ngoài không quay về nước, người giỏi trong bộ máy biên chế của chúng ta cũng đi ra khỏi biên chế” – Đại biểu Hồng nói.
Còn với đại biểu Tô Văn Tám đến từ đoàn đại biểu tỉnh Kon Tum và đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đoàn đại biểu Đà Nẵng, thực trạng về đội ngũ đang làm việc trong cơ quan công quyền là một vấn đề đáng lo ngại.
Ông Tám đề cập đến vấn đề mà không nhiều người dám nói tới là năng lực thực sự của những người đầy tớ của dân. Đại biểu này kể về câu chuyện thật: “Dưới áp lực việc làm, người ta tìm các cơ hội để vào bộ máy Nhà nước, và trong đó có một bộ phận không đủ phẩm chất năng lực để hoàn thành nhiệm vụ nhưng họ tìm mọi cách để ở lại”
Trong khi đó, bà Thúy nhắc đến khía cạnh ý thức, thái độ với nhân dân của những người cán bộ Nhà nước. Theo đại biểu miền Trung, việc bổ nhiệm, đề bạt cho đến nâng lương, khen thưởng, người công chức chỉ phụ thuộc vào cấp trên của mình.
Công chức chỉ tiếp xúc với dân khi ‘có người đến xin việc này việc kia’. Cho nên, họ có thể quên chính những người đang có việc nhờ cậy kia mới là những người đóng thuế để trả lương cho mình. Một cách tổng quát, theo bà thì: “Công chức vô cảm, quan liêu, hách dịch do ít phụ thuộc vào dân”
Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn đồng ý rằng gam màu sáng của bức tranh khi vẫn còn ở những địa phương đã xây dựng được các chính quyền tinh giảm, hiệu quả và gần với người dân.
Đứng lên phát biểu, đại biểu Phạm Trọng Nhân từ đoàn Bình Dương có lẽ là người có nhiều câu nói sắc sảo nhất Nghị trường trong sáng nay. Trước hết, nếu phải gọi ra tên một địa phương đã thực hiện rất tốt cải cách hành chính, Quảng Ninh là nơi mà ông Nhân lựa chọn.
“Nếu phải chọn một trong nhiều điểm sáng để nhấn mạnh toàn cảnh bức tranh cải cách hành chính, tôi đề nghị lấy Quảng Ninh là một ví dụ điển hình nhất trong tất cả” – Ông Nhân cất lời khen.
Tuy nhiên, ông nghiêm nghị cho rằng cải cách bộ máy hành chính Nhà nước vẫn chưa đạt được mục tiêu, chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân. “Vẫn còn thái độ vô cảm của cán bộ Nhà nước trước tiếng kêu cứu của người dân” – Đại biểu Nhân nói.
Dẫn lại vụ cống nước tại 146 Quán Thánh, vị đại biểu này gọi đây như gáo nước dội vào nền hành chính vì dân phục vụ, trong đó có hình ảnh cụ già gần 80 tuổi giành giật với cơ quan kiểm tra vỉa hè, hay một vị Phó Chủ tịch Quận nhưng phải thân chinh xuống phố dọn dẹp vỉa hè lề phố – công việc vốn thuộc về lực lượng công an trật tự.
Nhắc đến các giải pháp giúp cải cách nền hành chính vì nhân dân, vị đại biểu Bình Dương đưa ra nhiều bài học kinh nghiệm nhưng cũng nhấn mạnh rằng điều quan trọng là sự quyết tâm, nhận thức, tư duy dám thay đổi của mỗi cán bộ, giống như việc “dám bước qua chiếc cống tại Quán Thánh”.
Lấy ví dụ về chuyện biên chế, việc dám thay đổi tư duy theo ông Nhân cũng tựa như việc hiểu rằng tăng biên chế, trong trường hợp các Bộ, ngành vẫn thừa biên chế, là điều không cần thiết vì nó chẳng khác nào một dạng của tham nhũng.
“Chỉ khi nào chúng ta cho rằng việc tăng biên chế bộ máy là một dạng tham nhũng thì đến lúc đó chúng ta mới có đủ quyết tâm xử lý công cuộc này” – Đại biểu Phạm Trọng Nhân nói.
Cuối cùng, ông Nhân nhấn mạnh rằng công cuộc cải cách bộ máy hành chính sẽ là điều mà Nhà nước cần hết sức ưu tiên thực hiện, “dù phải đá ghè chân chính mình thì sẽ phải làm”.
Ông nói: “Trong công cuộc cải cách bộ máy hành chính, dù phải lấy đá ghè chân chính mình thì vẫn phải làm vì đã đến lúc người dân không thể đóng thuế để cõng cả một bộ máy hành chính cồng kềnh nhưng kém hiệu quả”.