Anh Huy với lấy chiếc mắt kính đen đeo vào, rồi nói: “Đeo kính vào cho ngầu, chạy xe cho đẹp trai!”. Nói rồi ổng cười khà khà: “Mấy đứa thấy anh tào lao không? Chớ anh thấy anh tào lao dữ lắm!
Tôi cười: “Dạ tào lao thiệt, mà tào lao như anh bà con thương”.
Bác tài xe buýt dễ thương ở Sài Gòn.
Rổ tiền đặc biệt trên chiếc xe buýt số 54 ở Sài Gòn
Hơn 1 tuần nay, những hành khách đi trên chuyến xe buýt số 54 của tài xế Lê Xuân Huy (36 tuổi, Long Xuyên, An Giang) đều không khỏi tò mò với một rổ tiền lẻ có dòng chữ: “Nếu quên mang theo tiền lẻ bạn cứ lấy tiền lẻ đủ để mua vé”.
Rổ tiền lẻ cứu nguy cho hành khách trong trường hợp cần thiết.
‘Ủa vụ này là vụ gì vậy Huy?” – một vị khách quen dù đã biết rõ tính chịu chơi của bác tài nhưng cũng không khỏi ngạc nhiên trước rổ tiền. Anh Huy cười giải thích: “Thông thường trên xe buýt thường nhắc nhở hành khách trước khi lên xe nên chuẩn bị tiền lẻ, tuy nhiên cũng có nhiều khách không để ý nên không có tiền lẻ, những lúc đó tiếp viên yêu cầu khách xuống xe đổi tiền lẻ.
Anh nghĩ đời người ai cũng một hai lần rơi vào những hoàn cảnh khó khăn hay quên trước quên sau, nên anh quyết định trích ra 50 ngàn mỗi ngày, đem đổi ra tiền lẻ rồi để vào cái rổ, hễ ai quên hoặc không có tiền lẻ thì có thể lấy để trả tiền xe. Anh để chữ “quên” để mọi người không ngại khi lấy tiền”.
Anh Huy giải thích cho khách về rổ tiền.
Tuyến 54 đi từ bến xe Miền Đông đến bến xe Chợ Lớn, đi qua khá nhiều bệnh viện nên lượng khách lớn tuổi và khách đi khám bệnh khá nhiều, chính vì vậy rổ tiền của anh Huy đã giúp được khá nhiều hành khách khi rơi vào hoàn cảnh éo leo.
Cô Tuyết Sương (57 tuổi, Bình Định) tâm sự: “Cô đi xe buýt nhiều nhưng thấy quý anh tài này lắm, hỏi gì cũng trả lời tận tình. Cái rổ tiền này cô thấy là rất hợp lý, con người mà ai chẳng có lúc quên. Cô sinh ra ở miền Trung, từng ra Bắc làm việc, nhưng vẫn quý nhất tính hào hiệp của người miền Nam”.
Bất kỳ ai cần cũng có thể lấy 1 phần tiền đủ để đi xe buýt.
Anh Huy kể có nhiều lần khách thấy rổ tiền dễ thương nên ngỏ ý góp tiền vào, nhưng anh từ chối, bởi anh không muốn mọi người hiểu lầm rằng anh muốn kêu gọi quyên góp. “Anh cũng không khá giả gì nhưng ngày trích ra 50 ngàn cũng không bao nhiêu, mỗi ngày nhịn một ly cà phê thì cũng đủ rồi mà!”.
Công việc lái xe căng thẳng, vì vậy anh Huy nghĩ ra những việc làm này để lấy hứng khởi với công việc.
Từ chàng nhân viên nhân viên ngân hàng đến bác tài xe buýt “chịu chơi” số một Sài thành
Ít ai biết rằng anh Huy từng có 12 năm làm việc trong bộ phận hành chính nhân sự ở một ngân hàng lớn tại Sài Gòn. Thế nhưng cuộc đời vốn tồn tại những biến cố mà chúng ta chẳng thể làm gì để thay đổi được. Tôi nhận ra trong nụ cười nhàn nhạt của anh gợn chút buồn khi nhắc về những điều đã qua.
“Anh có tiếc không? Về những tấm bằng kế toán, kinh tế hay ngoại ngữ của mình?” – tôi hỏi. Anh Huy thoáng chút suy tư rồi nói: “Thì cũng đi với nó 12 năm trời rồi còn gì, anh không còn gì luyến tiếc đâu. Có những thứ buộc mình phải chấp nhận”.
Anh từng có thời gian dài làm việc trong ngân hàng.
Thật vậy, hơn 1 năm qua anh Huy đã sống hết mình với cuộc sống mới và một công việc mới – tài xế xe buýt. Nhưng là anh tài xế “chịu chơi” nhất Sài Gòn. Trên xe của anh Huy lúc nào cũng chuẩn bị rất nhiều kẹo ngọt miễn phí. Anh bảo để vậy cho không khí nó tươi vui, rồi cho hành khách hay em bé đi xe ngậm ngọt ngọt miệng cũng đỡ bị say xe.
Kẹo là thứ không thiếu trên xe của anh Huy.
Chưa hết, hồi Tết nguyên đán anh chàng chi hẳn 9 triệu để mua búp bê trang trí xe và tặng cho khách hàng thân thiết. Rồi có đợt anh chi tiền mua móc chìa khoá để tặng cho mấy bạn sinh viên. Anh hóm hỉnh nói: “Tặng vậy để ra đường thấy ai mang balo mà tòn ten cái móc khoá của mình thì cũng thấy vui lắm. Với lại lỡ có thiếu tiền thì biết đường tới mà đòi”.
Móc chìa khoá dành tặng khách hàng thân thiết.
Làm tài xế anh chàng còn kiêm luôn vai trò là một “hiệp sĩ xe buýt”. Chứng kiến nhiều hoàn cảnh bị móc túi trên xe buýt, anh Huy luôn cảm thấy áy náy khi hành khách trên xe của mình gặp nạn. Anh thường nhắc nhở hành khách bảo quản tư trang cẩn thận, trên xe luôn có camera để theo dõi. Và trong những trường hợp bọn tội phạm manh động anh chàng luôn sẵn sàng đuổi theo để bắt kẻ gian.
Hàng khách đều rất quý bác tài.
“Thật ra mình bắt cũng chẳng phải muốn đánh đập gì bọn trộm, chủ yếu là lấy lại được của cải cho hành khách là mừng rồi. Nhiều người khuyên anh nên nhắm mắt cho qua mấy vụ này, chứ để bọn tội phạm nó ghét, nó trả thù. Tụi nó đe doạ anh rồi đó chứ, nhưng nếu sợ thì anh đã không làm” – anh Huy tâm sự, anh bảo nhiều khi anh cứ suy nghĩ tào lao vu vơ vậy đó.
Chuyến xe buýt đặc biệt nhất cuộc đời của cô sinh viên trễ giờ thi
Trưa hôm đó anh Huy vừa chạy xe ra khỏi trạm thì thấy bóng dáng một nữ sinh đang tất tả chạy theo đằng sau xe. Dù hơi trái quy định nhưng vì trời khá nắng mà trông cô bé có vẻ hối hả nên anh quyết định ngừng xe lại để đợi. Ngay khi lên xe cô nữ sinh nọ liền hỏi:
– Bác tài ơi từ đây tới trường Đại học Văn Hoá thì 20 phút nữa tới kịp không ạ?
– Trời đất! Giờ qua trường Đại học Văn hoá phải 50 phút mới tới.
Thế là cô bé ngồi khóc ngon lành. Hỏi ra mới biết chiều nay thi hết môn, mà bạn con bé bận công việc không chở qua trường được đành phải tự đón xe buýt đi thi, nó đã trừ hao hơn 1 giờ đồng hồ nhưng vì không đứng đúng trạm nên trễ xe.
Anh Huy an ủi:
-Thôi ráng năm sau học lại vậy!
Con bé gật đầu: Dạ!
Nghe thấy thương, lòng lại bứt rứt anh Huy hỏi:
– Giờ em biết đường tắt để qua trường không?
– Dạ biết! (Con bé nhanh nhẩu nói)
– Vậy giờ chơi liều luôn, đi đường tắt để qua trường, bỏ hết các trạm còn lại, lỡ công ty phạt thì chịu! Giờ em chỉ đường đi! (Anh Huy cố hết sức để có thể giúp cô bé)
– Nhưng mà lỡ bác tài bị đuổi việc thì sao? Thôi để năm sau em học lại được rồi ạ!
Anh Huy đạp ga: “Đuổi thì cũng đuổi rồi, cứ đi đi rồi tính”.
Xe thắng cái kịt trước cổng trường đại học Văn hoá, cô bé không kịp nói câu cảm ơn chạy ào vào trường. Anh Huy cũng chẳng biết con bé có kịp giờ thi hay không, nhưng anh hài lòng vì đã giúp hết lòng.
Hơn 1 tháng sau con bé gặp lại anh Huy trên chuyến xe số 54. Nó vui mừng nó:
– Em đợi hơn 1 tháng nay, ngày nào đi học xong cũng ra trạm này đứng đợi xe buýt 54, nhưng không nhớ biển số xe, may quá giờ đã gặp lại được anh tài xế để nói lời cảm ơn.
Anh Huy cười bảo:
– Vậy bữa đó kịp giờ thi không?
Con bé mừng rỡ nói:
– Dạ sớm được 2 phút.
Sài Gòn vốn đâu thể tự mình dễ thương, mà chính những con người đang sinh sống trên mảnh đất này mới khiến nó trở nên đáng yêu đầy da diết.