Những năm 1970, Tadashi Yanai quyết định quay trở về Ube, tỉnh miền tây nam Hiroshima để đảm nhận công việc quản lý cửa hiệu may của gia đình.
Sau đó ở tuổi 20, với tính tình quá quyết liệt, Yanai đã nhanh chóng biến cửa hiệu thành một nơi mà nhân viên chẳng hề muốn làm việc. “6 trong 7 người đã rời đi”, Yanai nhớ lại. “Cho tới sau đó, tôi vẫn nghĩ quản lý kinh doanh là công việc chẳng hề phù hợp với tôi”.
Nhưng hiện tại, trải qua hơn 4 thập kỷ, Yanai, 68 tuổi đang là chủ tịch hãng Fast Retailing – công ty mẹ của thương hiệu quần áo Uniqlo nổi tiếng toàn thế giới. Những bài học sâu sắc ông rút ra được sau thời gian ngắn ngủi quản lý công việc kinh doanh của gia đình, cùng với bản tính ham học hỏi bẩm sinh về phong cách lãnh đạo, đã tạo nên thành công cho Yanai.
Trong bài phỏng vấn mới đây tới tờ Nikkei, Yanai đã chia sẻ về triết lý lãnh đạo, thói quen làm việc và quan điểm của ông về kinh doanh tại Nhật Bản.
Ông bắt đầu buổi trò chuyện bằng việc đề cập tới quan điểm khác thường về sự nghiệp của mình. Làm việc chăm chỉ thôi chưa đủ. “Nếu nỗ lực nhưng sai hướng, bạn sẽ mãi trong một vòng luẩn quẩn”.
Từ kẻ mọt sách thành ông trùm thời trang
Yanai thừa nhận mình là một người hướng nội. Ông thích sách hơn là trò chuyện với mọi người. Nhu cầu đọc tới hết sức tự nhiên còn nhu cầu giao tiếp với người khác thì… không nhiều lắm.
“Tôi là một con mọt sách. Tôi thích đọc tiểu sử về những doanh nhân huyền thoại và nhà lãnh đạo như người sáng lập Panasonic Konosuke Matsushita và nhà sáng lập Honda Soichiro Honda. Tôi không chắc bạn có cho đây là những câu chuyện kinh doanh điển hình hay không nhưng chúng giống hệt những trải nghiệm mà tôi trải qua. Cho tới tận bây giờ, thi thoảng tôi vẫn phải thốt lên rằng: “Chờ một chút, điều này giống hệt với những gì người đi trước đã trải qua”.
Bước đột phá trong sự nghiệp của Yandai đến sau những chuyến du lịch tới Mỹ và Anh. “Tôi thích nền văn hóa Mỹ, đặc biệt là văn hóa của thế hệ những người trẻ. Vì vậy tôi ghé thăm Mỹ và Anh nhiều lần kể từ khi còn sinh viên, học hỏi những doanh nhân trong lĩnh vực thời trang.
Ở thời điểm đó, tôi đọc và biết được rằng một doanh nhân tên Leslie Wexner của L Brands – đơn vị đang điều hành hãng Victoria Secret kiếm được 1 nghìn tỷ yen (tương đương 9 tỷ USD) trong một giai đoạn ngắn kỷ lục. Đó là người mà tôi cực kỳ ngưỡng mộ.
“Tại Anh, tôi biết được nhà sản xuất quần áo có tên Next tăng doanh thu hàng năm từ 2 tỷ yen tới 200 tỷ yen trong 8 năm. Tôi cũng ghé thăm những cửa hàng quần áo của họ vào mỗi mùa khác nhau. Khi nhìn vào catalog từ những năm 1980, dù có là bây giờ bạn vẫn không nghĩ những thiết kế đó là lỗi thời.
“Tôi nghĩ đây chính là những gì mình nên làm ở Nhật Bản. Tôi mơ về việc phát triển một doanh nghiệp của riêng mình trở thành một công ty giống như vậy“.
Trở về Nhật Bản, hiện thực khá ảm đạm. “Chúng tôi đang có một cửa hàng quần áo cho nam giới tại một thành phố nhỏ nơi có 170.000 người sinh sống. Thấy thực tế này, tôi nghĩ sẽ không tồi nếu như có thể phát triển được một công ty có 30 cửa hàng với doanh thu 3 tỷ yen”.
Nghĩ lớn nhưng thận trọng
Hiện nay, Fast Retailing có hơn 110.000 nhân viên, điều hành 1.920 cửa hàng Uniqlo trên toàn thế giới với 1.000 cửa hàng trong số đó bên ngoài nước Nhật. Với tình hình kinh doanh đặc biệt tốt tại Trung Quốc, Hong Kong và Đông Nam Á, Fast Retailing kiếm được 47% doanh thu từ thị trường nước ngoài.
Mặc cho tham vọng khiêm tốn nhưng Yanai vẫn chứng minh rằng ông đang làm rất thành công và không bao giờ tiếc nuối về quyết định quay trở lại Ube sau khi đã được nhận vào làm tại Aeon – một trong những nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản.
“Rất nhiều người không hiểu điều này nhưng những doanh nhân thực sự thành công đều cực kỳ thận trọng. Nhà sáng lập Microsoft Bill Gates là một ví dụ. Lúc nào cũng phải lo ngại. Táo bạo không mang lại gì tốt cả và bạn cần phải tập trung”.
“Một điều nữa là tìm ra khát khao muốn làm lớn bên trong con người bạn. Tôi muốn nói là tinh thần doanh nhân. Châm ngôn ở công ty tôi là: Thay đổi quần áo. Thay đổi quan điểm lỗi thời. Thay đổi thế giới.
Triết lý của Yanai có thể dễ bị hiểu nhầm. Tham vọng thay đổi thế giới của Yandai ở đây ít nhất là thay đổi cách con người mặc quần áo. Nhiều người nghĩ điều này có thể giống việc khát khao chinh phục thế giới và kiếm tiền.
Nhưng đó là một ý tưởng sai lầm.
“Chưa bao giờ trong cuộc sống này tôi làm việc vì tiền cả. Tôi không bận tâm tới việc kiếm tiền. Bạn sẽ không có hy vọng nếu tiền là điều đang thúc đẩy bạn. Quá nhiều doanh nhân như vậy, với mục tiêu là đưa công ty của họ lên sàn chứng khoán và kiếm tiền. Nhưng tiền sẽ nhanh chóng mất đi. Bạn có thể kiếm được cả trăm tỷ yen? Nhưng rồi sao?
Ông cũng áp dụng triết lý giản dị này vào việc sắp xếp giờ làm việc. Yanai luôn thức dậy vào lúc 5 giờ sáng và tới công ty vào đúng 6h45 phút. Thời gian ưa thích trong ngày của ông là từ 6h30 đến 7h30 khi không có bất kỳ cuộc điện thoại cũng như không có bất kỳ vị khách nào ghé thăm. Ông sử dụng khoảng thời gian quý giá này để suy nghĩ về những gì diễn ra trong ngày.
“Việc của lãnh đạo chỉ là suy nghĩ chứ không phải những công việc nặng nhọc. Lãnh đạo phải là người nghĩ ra cách biến công ty thành nơi mà nhân viên cảm thấy rất quan trọng, xứng đáng để cống hiến. Tôi chắc đó là cách mà ông chủ Softbank Masayoshi Son cũng đang làm. Chúng tôi nghĩ trong suốt 24 giờ làm việc mỗi ngày”.
Yanai rời văn phòng vào lúc 3 hoặc 4 giờ chiều. Thậm chí ông đang lên kế hoạch sẽ rời văn phòng sớm hơn nữa trong tương lai.
Hãy thận trọng. Tránh liều lĩnh. Không quá xem trọng đồng tiền. Với những triết lý kinh doanh như vậy, bạn có thể sẽ bất ngờ khi biết Yandai nằm trong hội đồng quản trị của Softbank. Chính vì vậy khi được hỏi về tính cách khá đối lập giữa Masayoshi Son và mình, Yandai chia sẻ rằng: “Bạn biết đấy, Son khá là liều. Tôi luôn phải nói với ông ấy hãy thận trọng với những rủi ro. Hầu hết những dự án đầu tư lớn của ông ấy tôi đều phản đối. Nhưng dù thế nào thì cuối cùng Son vẫn tự đưa ra quyết định của mình”.