Giá dầu thô Mỹ WTI giao tháng 9 giảm 1,14 USD, tương đương 2,4%, xuống 47,37 USD/thùng. Giá dầu thứ Sáu tuần trước tăng 3% khi có thông tin số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ giảm.
Diễn biến giá dầu WTI. Biểu đồ: Finviz
Trong khi đó, giá dầu Brent kết phiên 21/8 giảm 1,06 USD, tương đương 2%, xuống 51,66 USD/thùng.
Diễn biến giá dầu Brent. Biểu đồ: Finviz
Theo Tyler Richer, đồng chủ bút tờ Sevens Report, cuộc bứt phá của giá dầu hôm thứ Sáu để lại “khoảng trống” trên thị trường do diễn ra nhanh và khối lượng thấp. Điều này khiến giá dễ đảo chiều trong bối cảnh trống thông tin.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự kiến có cuộc họp với các nước phi thành viên tại Vienna (Áo) hôm thứ Hai để thảo luận mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của khối. OPEC không cung cấp thông tin nào cho báo chí về phiên họp kín.
“Cuộc họp bất thường hồi đầu tháng của OPEC không đem lại tin tức gì và thị trường đang bắt đầu không còn quan tâm đến các tin tức liên quan đến OPEC do họ không tạo ra tác động lớn trong những tháng gần đây”, Richey nói thêm.
OPEC và 10 nước phi thành viên gồm Nga cuối năm ngoái thống nhất cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày nhằm giảm lượng dư cung và đẩy giá. Thỏa thuận có hiệu lực đến hết tháng 3/2018.
Tuy nhiên, mức tuân thủ thỏa thuận giảm xuống còn 75%, mức thấp nhất trong năm nay, theo báo cáo của Tổ chức Năng lượng Quốc tế.
Thị trường trông đợi các số liệu hàng tuần về ngành dầu mỏ ở Mỹ, dự kiến công bố vào thứ Tư.
Richey nhận định phiên giao dịch thứ Hai không có gì nổi bật và giá dầu vẫn đang lình xình quanh mốc 50 USD/thùng.
“Các yếu tố cơ bản vẫn nằm ở bất đồng trong nội bộ OPEC và mức tăng trưởng sản lượng dầu của Mỹ trong năm nay. Cả hai yếu tố này là lực cản cho giá dầu”, Richey nói.
Theo một báo cáo của Fed tại San Francisco hôm thứ Hai, nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc có thể “đang bước vào một thời kỳ tăng tốc” và có thể đẩy giá dầu trở lại ngưỡng 100 USD/thùng vào năm 2025.