Nhìn lại vụ bắt lãnh đạo ngân hàng hùng mạnh nhất Nhật Bản và bài học về đạo đức cho phố Wall

Ở Nhật Bản, Katsunobu Onogi là một cái tên hoàn toàn xa lạ đối với những ai không hoạt động trong ngành tài chính. Tuy nhiên, trong tầng lớp tinh hoa Nhật, “Onogi” lại đem tới nhiều xúc cảm. “Onogi” là tên vị chủ tịch cuối cùng của Long-Term Credit Bank (LTCB). Cho tới khi sụp đổ một cách ê chề vào năm 1998, đây vẫn luôn là tổ chức đại diện cho sức mạnh của Nhật Bản trong thời hậu chiến.

Những ngày gần đây, câu chuyện về Onogi lại trở thành một câu chuyện đáng suy ngẫm cho không chỉ Nhật Bản, mà còn cả Phố Wall.

Onogi từng sống tại London trong những năm đầu sự nghiệp, khi kinh tế Nhật Bản đang bùng nổ. Kinh nghiệm sống đem đến cho ông vốn tiếng Anh dồi dào, niềm đam mê văn chương Anh và sự cởi mở kỳ lạ đối với những ý tưởng ngoại quốc. Vì vậy, khi các ngân hàng Nhật Bản bắt đầu “chìm xuồng” vì bong bóng nợ xấu trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, Onogi đã đi một bước tiên phong bằng việc đề nghị UBS, một tổ chức Thuỵ Sĩ, hợp tác tạo ra một tổ chức liên doanh với LTCB trong nỗ lực cứu vớt ngân hàng yêu thương của mình.

Dù vậy, phương án này đã thất bại. Vào năm 1998, LTCB trượt dốc không phanh, kéo theo nhiều tai hoạ: Onogi vào tù vì tội che giấu mức độ nợ xấu của LTCB (cáo buộc này đã được toà án Tokyo lật ngược vào 10 năm sau). Phó chủ tịch và nhiều cấp dưới thân cận của ông tự tử vì hổ thẹn. Nhiều quản lý cấp cao mất lương hưu. Sau đó LTCB được bán cho các quỹ đầu tư Mỹ và được đổi tên thành Shinsei.

Câu chuyện của Onogi là một biểu tượng cho sự thăng hoa sau chiến tranh của Nhật Bản cũng như sự suy tàn sau giai đoạn bong bóng tín dụng. Onogi và cấp dưới của mình đã cống hiến sức lực và sự trung thành tuyệt đối cho ngân hàng với suy nghĩ rằng họ đang tái dựng vinh quang cho Nhật Bản. Họ che giấu nợ xấu không phải để làm giàu cho chính mình, mà là để bảo vệ đồng nghiệp. Đổi lại, danh tiếng và tài sản của họ bị huỷ hoại.

Onogi vốn là một người lịch thiệp, thanh tao và khiêm tốn. Vào năm 1999, ông không còn đứng trong hàng ngũ tinh hoa có thể mạnh tay “vung tiền” chơi golf. Tuy nhiên, ông chuyển sang chơi tennis. Ông hăng hái đọc những cuốn sách về lịch sử. Và khi tài chính cạn kiệt, ông làm một công việc mà nhiều người đàn ông ưu tú Nhật Bản không bao giờ nghĩ tới: ông bắt đầu đi đón cháu sau giờ học mỗi ngày trong khi các con gái của ông làm việc. Tất cả những điều này khiến ông ngày càng trầm tư về những gì đã xảy ra. Ông hiểu những người cháu của mình, và chúng ngưỡng mộ ông.

Sau đó, vào năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ bùng nổ, Lehman Brothers sụp đổ. Ban đầu, Onogi và nhiều ngân hàng Nhật Bản khác đều cảm thấy tò mò vì sự tương đồng giữa Mỹ khi đó và họ trong quá khứ, và bởi cả những vị quản lý cấp cao bị sa thải. Tuy nhiên, câu chuyện tại Mỹ lại rẽ sang một hướng khác: trái ngược hoàn toàn với Nhật Bản, nhân viên tại các ngân hàng Mỹ không mất lương hưu hoặc “tự nguyện” giao tài sản. Không một nhân viên cấp cao nào tại Mỹ phải đi tù. Thay vào đó, phần lớn họ vẫn có thể điều hành ngân hàng để bảo vệ nguyên vẹn tài sản của mình. Nhiều người trong số đó còn tìm được công việc mới.

Nhiều nhân viên ngân hàng Nhật Bản không tin tưởng điều này. Họ không cho rằng mình đã phạm pháp khi LTCB (hoặc những ngân hàng khác) sụp đổ. Tuy nhiên, họ chưa bao giờ chối bỏ trách nhiệm của mình trong cuộc khủng hoảng tài chính Nhật Bản. Họ hiểu rõ mình là một phần trong một hệ thống đã thất bại ê chề. Nhiều người đặt câu hỏi: vì sao người Mỹ không cảm thấy hổ thẹn giống như họ? Vì sao nhiều “người khổng lồ” tại Phố Wall không nhận thấy mình cần phải từ bỏ một phần tài sản?

Trong khi phần lớn các ngân hàng Mỹ đều trốn tránh chỉ trích, thì hệ thống Nhật Bản lại quá tàn nhẫn với Onogi và đồng nghiệp của ông. Có lẽ câu chuyện của Katsunobu Onogi nên lan tỏa nhiều hơn trong hệ thống ngân hàng Mỹ.

Thảm kịch của nhân viên ngân hàng phố Wall: Tiền là thứ duy nhất tốt đẹp, mọi điều khác đều tồi tệ!

Bài viết mới