Vậy là hành trình tại World Cup 2018 với đội tuyển Đức đã chấm dứt. Dàn soái ca đã bị Hàn Quốc đẩy xuống bét bảng bằng một trận thua 0-2, để rồi phải rời giải trong tư thế cúi đầu và ê chề.
Nhưng nếu là một người quan tâm theo dõi trận đấu này, bạn sẽ thấy có rất nhiều điểm kỳ lạ xảy ra với các cầu thủ Đức. Cỗ xe tăng hôm nay thi đấu chệch choạc, phối hợp dễ bắt, bài vở ít, và đặc biệt là khâu dứt điểm thì rất không chính xác.
Tuyển Đức và những đôi chân nặng nề khi đấu với Hàn Quốc
Những pha băng lên sút xa từ tuyến 2 của Toni Kroos, pha cắt mặt của Marco Reus, và đỉnh điểm là pha đánh đầu bằng… vai Hummels trong tư thế không người kèm. Tất cả đều có đặc điểm chung là không đi vào gôn, thậm chí còn bay rất xa nữa.
Cần nhớ rằng Đức là một đội bóng mạnh, là một trong những ứng viên vô địch trước giải đấu lần này. Họ có trong tay những cầu thủ đẳng cấp thế giới, kỹ thuật thuộc dạng đỉnh cao, đá cho những câu lạc bộ hàng đầu. Vậy mà, sút quả bóng cũng không vào!
Hummels trước phá bóng đội đầu lên trời của mình
Nhưng như thế mới biết yếu tố áp lực trong bóng đá là có thực, và nó gây ảnh hưởng hết sức khủng khiếp.
Áp lực – con quỷ giết chết thiên tài
Trong ngành tâm lý thể thao, áp lực là một khái niệm có thực. Vận động viên đứng trước áp lực lớn có thể bị căng cứng cơ thể, mọi khả năng vận động bị đình trệ.
Nhịp tim tăng lên, hơi thở gấp hơn, họ đốt sức cũng nhanh hơn. Mặt khác, đôi chân của họ lại trở nên nặng nề, cơ bắp khó thả lỏng, và hệ quả tất yếu là một màn trình diễn tồi tệ. Chuyền sai, sút kém, kèm người lỗi, bỏ lỡ cơ hội ghi bàn…
Với các giải đấu ở cấp độ càng cao, càng đòi hỏi cầu thủ phải có khả năng vượt qua áp lực. Nếu không thể, hành trình của một đội bóng tại giải đấu có thể dừng lại. Thậm chí, sự nghiệp cầu thủ của một vài cá nhân cũng có thể chấm dứt. Nói áp lực là con quỷ giết chết thiên tài là vì vậy.
Tuyển Anh tại World Cup 2010
Áp lực của dàn giai đẹp tuyển Đức đến từ đâu?
Trên thực tế, áp lực là một khái niệm thường bị hiểu nhầm. Nhiều người cho rằng áp lực đến từ kỳ vọng của người khác – truyền thông, gia đình, bạn bè, và danh dự quốc gia – đặt lên đôi vai của cầu thủ.
Điều này cũng có thể đúng, nhưng không hoàn toàn chính xác. Theo Sian Beilock, chuyên gia đến từ ĐH Barnard (New York, Mỹ), áp lực thực chất là nỗi sợ, và nó đến từ cái gọi là “kỳ vọng tưởng tượng” trong mỗi cầu thủ.
Đồng ý rằng kỳ vọng của mọi người có thể lớn, nhưng chẳng ai muốn tạo trở thành gánh nặng cho các cầu thủ cả. Nhưng bi kịch thay, khi nghĩ đến kỳ vọng, chúng ta không thể nào gạt bỏ nó ra khỏi đầu được. Từ đó, nỗi sợ dần dần hình thành.
Sợ gây thất vọng, sợ thi đấu dưới sức, sợ thua, sợ mắc lỗi, sợ trở thành tội đồ… đó là những nỗi sợ phổ biến nhất. Cầu thủ không thể vượt qua nỗi sợ sẽ không còn là chính mình, dễ dàng đưa ra màn trình diễn mà khi nhìn lại, tất cả chỉ muốn quên đi.
Với trường hợp của các cầu thủ Đức, áp lực họ phải chịu xét trên nhiều góc độ là vô cùng nặng nề. Họ đến giải với tư cách là đội đương kim vô địch, thi đấu trận cuối cùng với quyền tự quyết, mà thậm chí chỉ cần hòa thôi cũng có thể đi tiếp.
Nhưng Thụy Điển xuất sắc quá, họ bắt đầu vùi dập Mexico ngay từ đầu hiệp 2, và nó đẩy tuyển Đức vào tư thế buộc phải thắng, dù chỉ một bàn. Điều này vô tình khiến áp lực trở nên thật nặng nề, nhất là khi Hàn Quốc đưa ra thế trận phòng ngự phản công nhiều lớp cực kỳ khó chịu.
Như đã nêu, áp lực là nỗi sợ, và nỗi sợ với các cầu thủ Đức lần này lớn quá. Họ sợ cái danh đương kim vô địch, họ sợ phải rời giải trong tủi hổ, để rồi đôi chân dường như không còn nghe lời nữa. 19 cú sút được tung ra, 6 cú trúng khung thành, nhưng chẳng thể làm rung mành lưới của anh thủ môn xứ củ sâm.
Thế rồi điều nghiệt ngã nhất trong bóng đá cũng đến. Tấn công nhiều mà không ghi được bàn, một thoáng sơ sảy của hàng phòng ngự đã khiến tuyển Đức phải trả giá bằng bàn thua phút bù giờ thứ 2. Chẳng còn gì để mất, cả thủ môn Neuer cũng dồn lên, và họ nhận thêm một bàn thua nữa đến từ Son Heung Min khi tiếng còi mãn cuộc sắp vang lên.
Niềm hân hoan của các cầu thủ Hàn Quốc, đối lập với vẻ buồn bã của Mario Gomez
Các chàng trai Hàn Quốc đã rất quả cảm và cực kỳ xuất sắc, nhưng có lẽ áp lực mới là thủ phạm giết chết dàn sao tuyển Đức. Cỗ xe tăng xuống bét bảng, rời giải và gia nhập danh sách các đội đương kim vô địch thế giới phải ra đi ngay từ vòng bảng đang ngày càng dài thêm.
Tham khảo: Quora, Soccer Psychology…