Nhiều trái chủ chỉ mong nhận lại tiền, không muốn nhận tài sản

Nhiều trái chủ cho biết chỉ muốn nhận lại số tiền đã đầu tư, một số khác cho rằng chấp nhận đổi sang bất động sản nếu tài sản đủ pháp lý, thanh khoản.

Nghị định mới cho phép doanh nghiệp thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác. Ảnh: Hoàng Hà.

Ngày 5/3, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023 về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ mới. Trong đó đáng chú ý, quy định cho phép doanh nghiệp thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác; kéo dài kỳ hạn không quá 2 năm; tạm hoãn quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thời gian phân phối trái phiếu…

Là một nhà đầu tư trái phiếu Tân Hoàng Minh, ông Nguyễn Thạch Cương (Đống Đa, Hà Nội) cho biết nhà đầu tư như ông chỉ mong muốn nhận lại tiền chứ không muốn trả nợ trái phiếu bằng tài sản.

“Bởi tiền đầu tư trái phiếu của trái chủ đầu tư riêng lẻ thường rất ít không đủ đổi lấy bất động sản, chưa kể, các bất động sản của Tân Hoàng Minh giá thường rất cao. Nhiều người cũng sợ phát sinh rắc rối khi phải đồng sở hữu bất động sản với các nhà đầu tư khác”, ông nói và cho rằng chỉ mong doanh nghiệp bán tài sản và trả lại tiền cho nhà đầu tư trong thời gian sớm nhất.

Nhà đầu tư: Miễn là tài sản hợp pháp, đủ pháp lý

Tương tự, nhiều trái chủ cũng tỏ ra lo ngại về giá trị, tính pháp lý, thanh khoản của tài sản đảm bảo mà doanh nghiệp phát hành mang ra đổi nợ. Chị T.N., trái chủ của Công ty CP Quang Thuận cho rằng Nghị định 08 chỉ có lợi cho doanh nghiệp.

“Niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang sụt giảm nghiêm trọng. Nếu chủ đầu tư chấp nhận đổi lấy bất động sản thì giá trị của bất động sản có thực sự đúng với giá thị trường, chưa kể còn rủi ro về mặt pháp lý, thanh khoản”, chị nói.

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cho biết họ vẫn chấp nhận trả nợ bằng bất động sản. Chị Diễm My, nhà đầu tư đang sở hữu trái phiếu của Tân Hoàng Minh cho biết chị chấp nhận đổi trái phiếu lấy bất động sản nếu doanh nghiệp có kế hoạch này. “Có tài sản không lấy, đến lúc không còn gì để lấy, miễn là tài sản đó hợp pháp, đủ pháp lý”, chị nhấn mạnh.

Tuy nhiên, chị My cho biết hiện tại Tân Hoàng Minh gần như không hoạt động, tê liệt hoàn toàn nên không có người đứng đầu phê duyệt trả tài sản cho nhà đầu tư.

Nghị định 08 đưa ra để nhà đầu tư và doanh nghiệp sẽ có thêm thời gian để đàm phán nhằm kéo dài thời gian trả nợ trái phiếu. Ảnh: Chí Hùng.

Chị Nguyễn Tuệ An (TP.HCM), nhà đầu tư 2 lô trái phiếu của một doanh nghiệp bất động sản lớn phía nam cho biết hiện nay do gặp khó khăn về dòng tiền nên doanh nghiệp này liên tục xin khất nợ trái phiếu đến hạn.

“Với lô trái phiếu trị giá 984 tỷ đồng đáo hạn ngày 7/3, doanh nghiệp vừa xin chậm trả lãi kỳ 4 vào ngày 7/3 và xin gia hạn lô trái phiếu thêm 1 năm với lãi suất 13,685%/năm”, chị cho biết.

Theo chị An, với lô trái phiếu trên, doanh nghiệp đã trả lãi kỳ 4 ngày 7/3, chia 2 đợt, đợt 1 trả 50% tiền lãi, đợt 2 trả phần còn lại trong 10 ngày tới (tức 16/3) kèm lãi phạt 150%. Còn lô trái phiếu thứ 2 cũng đang xin chậm trả lãi kỳ 3.

“Hiện tại doanh nghiệp thiếu tiền nên phải làm như vậy nên nhà đầu tư buộc phải chấp nhận và hi vọng họ triển khai bán hàng tốt hoặc được giải ngân tín dụng sẽ có nguồn tiền trả cho trái chủ”, chị nói với Zing.

Theo nhà đầu tư này, trong trường hợp doanh nghiệp không đủ khả năng trả lãi thì sẽ chấp nhận đổi sang bất động sản. Hoặc nếu có nhóm kiện tổ chức phát hành ra tòa thì sẽ tham gia ép tổ chức phát hành bán tài sản đảm bảo trả nợ.

“Phía doanh nghiệp cũng thông tin nếu đổi trái phiếu sang bất động sản thì sẽ giảm giá bất động sản. Đơn cử, giá hợp đồng một căn hộ của công ty ở Bình Dương là 2,4 tỷ đồng thì sẽ trả 1,6 tỷ đồng. Nhưng nếu mua tiền mặt thì được chiết khấu thêm 3%, nghĩa là còn khoảng 1,52 tỷ đồng. Nếu có trái phiếu 2 tỷ đồng, mua nhà 1,6 tỷ đồng thì còn 400 triệu đồng, doanh nghiệp sẽ làm hợp đồng vay 15% trả dần theo định kỳ 3-6-9-12 tháng”, chị nói.

Trái chủ có thể sẽ gặp bất lợi

Trao đổi với Zing, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng Nghị định 08/2023 của Chính phủ không tạo thêm quyền hoặc nghĩa vụ cho cả bên trái chủ lẫn doanh nghiệp phát hành.

“Thực chất, Nghị định này đã cởi bỏ một số quy định thắt chặt phòng ngừa các rủi ro trục lợi hoặc lừa đảo trước đây, nên so với các hành vi và nghĩa vụ nợ thông thường, các nghĩa vụ thanh toán các trái phiếu đến hạn là phải đảm bảo và không có trì hoãn cũng như bị hạn chế về khả năng đàm phán đảo/hoán đổi nợ”, ông nói.

Tuy nhiên, theo vị chuyên này, sẽ có khả năng trái chủ là bên chịu các bất lợi trong quan hệ song phương, do bất đối xứng thông tin (các thông tin phía doanh nghiệp phát hành đưa ra không rõ ràng, lĩnh vực trái phiếu phức tạp hơn so với các nghĩa vụ nợ thông thường nên không thể nắm hết).

Hơn nữa, còn rủi ro với nhà đầu tư trái phiếu là chỉ có phía doanh nghiệp mới nắm chắc thông tin về tình trạng pháp lý, khả năng thanh khoản của các loại tài sản được đề xuất đưa ra hoán đổi các khoản nợ.

Theo chuyên gia, Nghị định 08/2023 đã cởi bỏ một số quy định thắt chặt phòng ngừa các rủi ro trục lợi hoặc lừa đảo trước đây. Ảnh: Hoàng Hà.

“Ngoài ra, sẽ xảy ra trường hợp phía doanh nghiệp phát hành sẽ câu kết để có thể có hành vi trục lợi, hoặc đơn giản liên kết trái chủ chi phối ép các trái chủ đơn lẻ (không chiếm số đông)”, ông nói.

Tuy nhiên, trong Nghị định vẫn có quy định nếu trái chủ (phần thiểu số) không đồng ý phương án tái cấu trúc hay đáo hạn trái phiếu thì vẫn bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện đúng cam kết ban đầu.

Vị chuyên gia này cho rằng vì những yếu tố rủi ro và bất tương xứng nêu trên, trong bối cảnh Nghị định 08 tái lập lại hành lang pháp lý cho phép các bên cơ cấu lại hoặc hoán đổi khoản nợ trái phiếu lấy tài sản đảm bảo khác, thì vẫn nên có các thể chế đảm bảo thỏa thuận tốt hơn so với các cơ chế xử lý nợ thông thường.

Ví dụ: Cần/nên có cơ chế trung gian đàm phán để đảm bảo khách quan, minh bạch, trách nhiệm giải trình của toàn bộ quá trình tái cơ cấu các khoản nợ trái phiếu.

Tương tự, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cũng chỉ ra vấn đề về thời hạn đàm phán và những yếu tố liên quan vẫn còn bị bỏ ngỏ trong nghị định. “Chính phủ không hướng dẫn chi tiết về vấn đề đàm phán. Đây sẽ là vấn đề phụ thuộc vào thiện chí của đôi bên”, ông Lực chia sẻ.

”Nên có cơ chế trung gian đàm phán để đảm bảo khách quan, minh bạch, trách nhiệm giải trình của toàn bộ quá trình tái cơ cấu các khoản nợ trái phiếu”.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)

Theo quy định mới, việc đàm phán phải tuân thủ quy định của pháp luật và được trái chủ chấp thuận. Doanh nghiệp phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định.

Doanh nghiệp có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Kể cả khi trái chủ đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận việc thay đổi, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với những trái chủ không chấp thuận phương án đàm phán.

Bài viết mới