Nhiều cổ phiếu bất động sản tăng kịch trần, phần còn lại vẫn giảm giá

Nghị quyết số 33/NQ-CP về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh… rất được trông đợi. Nhưng hôm nay, nghị quyết chưa giúp thị trường chứng khoán bứt phá mạnh, nhà đầu tư và chuyên gia nói gì?

Một dự án ở quận 4 (TP.HCM) đang được cơ quan chức năng rà soát để xác định vướng mắc (nếu có) liên quan đến việc cổ phần hóa doanh nghiệp trước đây, từ đó tìm kiếm giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện phát triển dự án. Ảnh: Quang Định

Thị trường chứng khoán khép lại phiên giao dịch đầu tuần này 13-3 trong sắc đỏ giảm điểm, song nhiều cổ phiếu ngàn bất động sản vẫn giữ được sắc xanh/tím tăng trưởng, trong đó có các gương mặt nổi bật như: NVL (Novaland), PDR (Phát Đạt), VHM (Vinhomes), VIC (Vingroup), HQC (Địa ốc Hoàng Quân), QCG (Quốc Cường Gia Lai)…

Trong một diễn biến liên quan, mới đây Chính phủ vừa ban hành nghị quyết số 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.

Một số nhà đầu tư chứng khoán cho rằng nghị quyết 33 sẽ hỗ trợ tích cực cho nhóm doanh nghiệp bất động sản, giảm gánh nặng cho hệ thống ngân hàng, khơi thông dòng vốn và tác động tích cực đến thị trường chứng khoán. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng đây chỉ là thông tin hỗ trợ trong ngắn hạn.

Nhận định về nghị quyết 33, ông Huỳnh Anh Tuấn, tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Đông Á, cho rằng vấn đề quan trọng nhất là pháp lý của các dự án vì pháp lý ảnh hưởng khâu xét duyệt cho vay, quyền lợi của người mua bất động sản. Theo ông Tuấn, nếu giải được bài toán trái phiếu và pháp lý thì thị trường bất động sản sẽ khơi thông.

Theo ông Vũ Hải Đăng – trưởng phòng tư vấn đầu tư hội sở Công ty chứng khoán VPS, nghị quyết 33 tác động tích cực đến mặt tâm lý thị trường nhiều hơn là con số thực tiễn, nhưng cũng cho thấy chủ trương của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản.

Nhận định về mảng nhà ở xã hội, ông Đăng cho rằng chủ trương này giống với giai đoạn 2014, khi bất động sản có vấn đề thì Nhà nước đi theo hướng nhà ở xã hội để hướng về người thu nhập thấp, tạo việc làm nhiều hơn cho các chủ đầu tư và nhà thầu, nhân công, hướng đi này khá tốt trong ngắn hạn

Ông Lê Trọng Nghĩa, nhà đầu tư chứng khoán đồng thời công tác tại Tổng công ty Xây dựng số 1, cho rằng các dự án nhà ở xã hội cần xét đến chất lượng sản phẩm và lợi nhuận của công ty đầu tư vào các dự án này.

Thầu phụ như công ty của ông chịu sức ép rất lớn từ các chủ đầu tư. Một số doanh nghiệp bất động sản mua đất giá rẻ và xây dựng nhà phân khúc cao cấp, ký hợp đồng mua bán nhà trước khi được cấp sổ đỏ làm chuyển giao rủi ro cho khách hàng cũng là những vấn đề của thị trường bất động sản.

Với góc nhìn dài hạn, nhu cầu nhà ở của nhóm trung lưu mới nổi ngày càng nhiều, nhưng thiếu trầm trọng nguồn cung. Bất chấp động lực đó, một số doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức về thanh khoản, chủ yếu là do quá trình phê duyệt dự án chậm.

Vì vậy, thông qua những cuộc hội nghị tháo gỡ, kèm các chính sách vừa được ban hành, phía VinaCapital cho rằng đã xuất hiện: “Một số tín hiệu lạc quan khi Chính phủ có hành động để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các nhà phát triển bất động sản”.

Thị trường chứng khoán đón nhận những tin tức hỗ trợ cũng như tin xấu đan xen, tuy nhiên thanh khoản thị trường phiên 13-3 tăng 14% so với mức trung bình 1 tháng gần đây cho thấy dòng tiền đã trở lại. Kết phiên 13-3-2023, trong số 125 cổ phiếu bất động sản, có 31 cổ phiếu tăng, 51 cổ phiếu giảm, đặc biệt có HD8, LEC, HQC tăng kịch trần.

Bài viết mới