Ở nước ngoài mọc ven đường, về Việt Nam “lên thiên đường”!
Thời gian vừa qua, người “lắm tiền nhiều của” rộ lên trào lưu mua hoa quả ngoại với giá đắt đỏ để thưởng thức như một sự thể hiện đẳng cấp và đánh giá cao tác dụng tuyệt vời của những loại “siêu trái cây” đối với sức khỏe.
Một trong những loại quả được săn đón chính là Biwa, còn gọi là nhót Nhật. Loại quả này ở Trung Quốc khá phổ biến, có tên là Tì bà , Tì xoa hay Pí Pá (tiếng Anh là Loquat), một loại quả tương tự như Thanh trà, Sơn trà của Việt Nam.
Trên thị trường trái cây, chủ yếu là hình thức bán hàng bán trên mạng, giao tận nhà, quả Tì bà được thổi giá lên tới 4 triệu/kg, trong khi tại Nhật Bản hay Trung Quốc, đây chỉ là loài cây trồng ven đường làm bóng mát, mọc hoang trên đồi hoặc trồng đơn giản trong vườn nhà, không có gì đặc biệt.
Vì sao giá gốc của loại quả này ở Trung Quốc hay Nhật chỉ từ 100- 400 ngàn/kg, mà khi về Việt Nam lại bị thổi giá như vậy? Liệu có tốt đến mức phải bỏ tiền mua với giá cao “ngất ngưởng” không? Chúng ta cùng tìm hiểu.
Quả tì bà được đóng gói đẹp bán trong siêu thị…
Nhưng chúng chỉ là loại quả bình thường mọc ven đường (Ảnh minh họa)
Giá trị dinh dưỡng của quả tì bà: Như dứa, không hơn gì táo!
Quả Tì bà khi chín có màu vàng cam, vị ngọt pha chua, phần thịt mềm, thanh mát, hơi thơm nhẹ, được Đông y xưa đánh giá là trái cây giàu dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Tốt cho người mắc bệnh hô hấp vì tác dụng chữa ho, thanh đàm, nhuận phổi.
Danh y nổi tiếng thời Minh (Trung Quốc) Lý Thời Trân viết trong cuốn ” Bản thảo cương mục” rằng, quả tì bà có tác dụng giảm khí trong dạ dày, thanh nhiệt, giải nóng. Vì ăn vào sẽ rất mát nên còn được gọi là “quả chi quán” (đứng đầu trong trái cây), hay hoàng hậu của trái cây. Hàng trăm năm trước, khi hoa quả còn hiếm, tì bà dùng để tặng nhau như một món quà.
Tuy nhiên, trong thực tế, tì bà thường được xem là loại trái cây mùa hè, chín rộ trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm, người dân ăn chúng bình thường như món dứa hay các loại hoa quả địa phương khác.
Nghiên cứu khoa học cho thấy, tì bà chứa các chất dinh dưỡng như carbohydrates, protein, chất béo, cellulose, pectin, carotene, tannin, axit malic, axit citric, kali, phốt pho, sắt, canxi, vitamin A, B, C và một số chất dinh dưỡng khác.
So sánh giữa tì bà và táo, quả tì bà nhỏ hơn táo, phần ruột không đặc như táo, do phần hạt to hơn. Phần thịt của tì bà khoảng 62g tương ứng với phần thịt của táo khoảng 76g. Ví dụ trong 100g tì bà, thì phần ăn được (phần thịt) sẽ chiếm khoảng 65g, còn phần bỏ đi (vỏ, hạt) là khoảng 35g.
Lượng đường có trong tì bà thấp hơn so với táo: Tỉ tệ đường của tì bà là 8,5g/100g, còn của táo là 12,3g/100g. Các chất beta-carotene trong tì bà phong phú hơn táo, cao hơn khoảng 40 lần. Chất beta-carotene này có thể được chuyển đổi thành vitamin A khi vào trong cơ thể.
Tuy nhiên, các thành phần canxi, sắt, vitamin E, vitamin B1, vitamin B2 trong tì bà lại không cao như táo (Nguồn: Bách khoa Trung Quốc).
Điều này phản ánh một thực tế rằng, các loại trái cây khác nhau sẽ chứa các chất dinh dưỡng khác nhau. Nếu muốn cân bằng dinh dưỡng, chúng ta nên ăn đa dạng, đó là yếu tố quan trọng trong quá trình chăm sóc sức khỏe.
Tóm lại, tì bà là một loại trái cây mùa hè phổ biến, giá cả bình dân, có những tác dụng tốt cho sức khỏe, nhưng không hẳn là đặc biệt so với các loại trái cây khác, kể cả so sánh với táo – loại quả được xem là đứng hàng đầu trong nhóm trái cây.
* Theo Health/KKNews, Baike