Nhập nhèm hàng Trung Quốc đội lốt Việt

Vụ lùm xùm cửa hàng Khaisilk ở Hà Nội bán “lụa Việt Nam” còn nguyên mác Trung Quốc, trong khi ông chủ Khaisilk – doanh nhân Hoàng Khải – cũng thừa nhận đã nhập hàng Trung Quốc về gắn mác Việt Nam bán mấy chục năm nay đang tạo nên cơn phẫn nộ từ người tiêu dùng.

“Kim thiền thoát xác”

Tuy nhiên, theo giới kinh doanh, vụ việc Khaisilk chỉ là “cái kim trong bọc”. Bởi lẽ, hàng chục năm qua, sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc bằng nhiều cách khác nhau đã tràn vào Việt Nam và “phù phép” thành hàng Việt vẫn diễn ra công khai ở bất cứ nhóm hàng nào, từ cao cấp đến bình dân.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hàng Trung Quốc đang thống lĩnh không ít lĩnh vực hàng hóa Việt Nam, từ thời trang, vật liệu xây dựng, phân bón, thuốc trừ sâu – diệt cỏ đến đồ chơi trẻ em, hàng điện tử… Cuộc điều tra mà Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức hằng năm cho thấy nhiều DN ở các ngành này đã lặng lẽ “qua đời” vì cạnh tranh không xiết. Nếu DN Hàng Việt Nam chất lượng cao mấy năm trước hăng hái “Bắc tiến” thì nay, không ít công ty quay ngược về vì chịu không nổi hàng Trung Quốc.

Bà Hạnh cho biết hàng Trung Quốc giờ đây cũng biết thiên hạ sợ gốc gác của mình nên đã kịp thời tìm cách “kim thiền thoát xác”. Chẳng hạn, hàng Trung Quốc được dán nhãn hàng Thái rồi đem bán tại các hội chợ Thái Lan ở Việt Nam; DN Trung Quốc mở rộng đầu tư qua Campuchia, Lào và nhiều nước để “rửa” cái gốc “made in China”. Ngay tại Việt Nam, nhiều DN Trung Quốc chui vào các khu nông nghiệp công nghệ cao để hưởng thuế suất ưu đãi, nhập nông sản của họ qua, lau rửa sơ rồi dán nhãn Việt xuất xứ khu nông nghiệp công nghệ cao…

Theo giới kinh doanh, việc hàng Trung Quốc gắn mác hàng Việt đã xảy ra phổ biến nhiều năm nay. Trong ảnh: Cửa hàng Khaisilk tại TP HCM đóng cửa sau vụ lùm xùm bán hàng “made in China”

Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng từng tiết lộ nhiều nhãn hàng thời trang bán ở Việt Nam, hàng Việt Nam xuất khẩu… thực chất là hàng Trung Quốc hoặc làm giả nhãn hiệu, hay sản xuất tại Trung Quốc đem về gắn mác Việt Nam để “đánh tráo” nguồn gốc. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, cho rằng ngoài những thương hiệu Việt Nam có uy tín lớn trên thị trường nội địa như An Phước, Nhà Bè, Việt Tiến… bảo đảm 100% sản xuất trong nước, nhiều DN sản xuất – kinh doanh hàng may mặc nhập hàng Trung Quốc và các nước khác về gắn mác thương hiệu mình rồi bán ra thị trường.

“May mặc Việt Nam không chủ động được nguyên liệu. Chuyện DN nhập nguyên liệu Trung Quốc về sản xuất là bình thường, khác hoàn toàn với việc nhập thành phẩm từ nước ngoài về gắn mác Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng” – ông Hồng giải thích. Theo ông, hàng may mặc Trung Quốc giá rẻ, nhiều người sang Trung Quốc mua số lượng lớn về bán sỉ trong nước. Cũng có DN sang Trung Quốc đặt may, không gắn nhãn mác để dễ “qua cửa” hải quan, sau đó mới gắn mác thương hiệu Việt.

Ông Hồng cho rằng nếu DN để nguyên xuất xứ Trung Quốc thì khách “sợ”, không mua hàng nên người bán mới đánh tráo xuất xứ. DN, cơ sở làm như vậy thì lợi nhuận tốt hơn so với tự tổ chức sản xuất – kinh doanh nên cuối cùng, thị trường may mặc nội địa trở thành sân chơi riêng cho hàng ngoại.

Gian lận tinh vi, khó phát hiện

Theo một lãnh đạo QLTT TP HCM, tình trạng hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt đã có từ lâu với nhiều chiêu thức tinh vi. Có DN đặt hàng ở Trung Quốc nhưng in sẵn “Made in Vietnam”, sau đó chuyển về bằng đường tiểu ngạch. Thậm chí, có trường hợp chuyển hàng về Việt Nam bằng đường chính ngạch nhưng khai báo gian lận là hàng hóa thông thường, không phải kiểm tra chuyên ngành, nếu được xếp luồng xanh sẽ không bị kiểm tra thực tế hàng hóa.

Đơn cử vụ việc 10 container hàng lậu lọt lưới hải quan vào cuối năm 2013, có rất nhiều giày dép ghi xuất xứ Việt Nam nhưng thực tế được mua từ Trung Quốc. Có trường hợp nhập bột ngọt thành phẩm Trung Quốc bao lớn rồi đưa vào nhà máy chia gói nhỏ, ghi “sản xuất tại Việt Nam” và bán giá cao hơn nhiều lần so với giá nhập khẩu.

Tuy nhiên, để phát hiện những kiểu gian lận nêu trên không hề dễ, cần phải có quá trình trinh sát, nắm tình hình lâu dài mới có thể ập vào bắt quả tang và xử lý được vi phạm. Đối với mặt hàng may mặc, việc gắn mác giả xuất xứ Việt Nam khá dễ dàng do các chợ sỉ quần áo thường bán sẵn mác để khách gắn vào thành phẩm.

Không chỉ hàng tiêu dùng nội địa, sản phẩm xuất khẩu cũng xảy ra tình trạng mượn danh hàng Việt. Tại nhiều hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi ong Việt Nam đã cảnh báo tình trạng người Trung Quốc lập công ty tại Việt Nam, nhập mật ong giá rẻ từ Trung Quốc sang rồi ghi xuất xứ Việt Nam, sau đó xuất sang Mỹ. Lý do là mật ong Trung Quốc xuất khẩu đi Mỹ bị đánh thuế cao, trong khi Việt Nam được hưởng thuế ưu đãi. Do đó, hiệp hội kiến nghị các cơ quan chức năng kiểm soát chặt hình thức gian lận thương mại này để thương hiệu mật ong Việt Nam không bị ảnh hưởng, tránh bị Mỹ áp dụng biện pháp trừng phạt.

Ý KIẾN:

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinamit:

3

Trung thực với chính mình và khách hàng

Trung Quốc có 3 tầng sản phẩm: thấp, trung và cao. Dù là sản phẩm ở tầng cao thì giá vẫn rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm cùng loại sản xuất ở các nước khác. Họ cũng là những thiên tài làm hàng nhái giống thương hiệu thật gần như hoàn hảo. Việt Nam ở sát vách Trung Quốc nên khó lòng kiểm soát được hàng giả, hàng nhái, hàng lậu từ Trung Quốc đổ sang tiêu thụ.

Vì vậy, vấn đề là người tiêu dùng phải thông minh, biết lựa chọn cho mình những sản phẩm chất lượng, nếu dễ dãi thì rất dễ mắc sai lầm trong mua sắm – tiêu thụ. Tôi đã có lần cảnh báo người tiêu dùng thận trọng khi muốn mua các loại mứt xoài, kiwi, phô mai… vì các mặt hàng này từ Trung Quốc nhập về rất nhiều, chất lượng cực kỳ thấp. Đơn cử, mứt xoài thực chất làm bằng đu đủ, xử lý hóa chất cho ra vị xoài, thương lái nhập về Việt Nam bán 80.000 đồng/kg, bán lẻ ra thị trường 300.000 – 400.000 đồng/kg.

Về phía nhà sản xuất – kinh doanh, cần trung thực với chính mình và với khách hàng. Vụ việc của Khaisilk là bài học cảnh tỉnh cho tất cả thương nhân: phải trung thực; nếu không, không sớm thì muộn sẽ bị loại ra khỏi thị trường và tự giết chết thương hiệu mình.

Ông TRƯƠNG CHÍ THIỆN, Giám đốc Công ty CP Thực Phẩm Vĩnh Thành Đạt:

truong-chi-thien

Người tiêu dùng dễ mất lòng tin

Tôi biết nhiều DN đang có cách làm ăn giống Khaisilk và cách làm này đã diễn ra từ lâu. Một số DN đang hình thành hệ thống chuỗi cửa hàng để tạo dựng thương hiệu cũng chọn đặt hàng ở Trung Quốc rồi gắn nhãn mác riêng đem về tiêu thụ.

Trung Quốc là công xưởng của cả thế giới, họ hình thành nhiều khu công nghiệp, xây dựng sẵn nhà xưởng, ai thích thì vào thuê để sản xuất. Họ cung cấp từ A đến Z nên giá thành sản phẩm cực rẻ, không có nơi nào cạnh tranh nổi. Vấn đề ở đây là sản xuất ở đâu cũng được nhưng phải công bố rõ ràng với người tiêu dùng để họ lựa chọn sản phẩm này hay sản phẩm khác,tức là phải sòng phẳng với người tiêu dùng. Nếu cứ duy trì cách làm ăn mập mờ, gian dối sẽ làm cho người tiêu dùng mất lòng tin với DN trong nước. Người tiêu dùng sẽ đánh đồng với cả DN làm ăn đàng hoàng đang nỗ lực tạo ra sản phẩm chất lượng, vượt trội để cạnh tranh sòng phẳng với hàng ngoại nhập.

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp:

9

Giết chết sản xuất trong nước

Doanh nhân Việt Nam nhập hàng Trung Quốc về bán vì nhiều nguyên nhân như: thời thế thị trường, ham giá rẻ – lợi nhuận cao, mẫu mã nhiều dễ bán, giao nhanh, trả tiền chậm, chỉ cần thay đổi nhãn mác là dễ dàng lừa người tiêu dùng… Kết quả là giết chết sản xuất trong nước, làm hỏng niềm tin người tiêu dùng với hàng Việt và có khi bán hàng độc, hại người.

Hàng Việt không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc vì DN Việt yếu, thiếu sức cạnh tranh. Thế nhưng, nếu hàng Trung Quốc làm giả, gian lận thương mại, có độc tố vẫn cứ còn “thênh thang” trên thị trường bằng chính sách ưu ái, bằng đường tiểu ngạch… thì hàng Việt còn lâu mới vươn lên cạnh tranh được cùng họ, thắng họ. Trong khi đó, ta đang còn loay hoay tự gỡ đủ thứ trói buộc: mấy ngàn giấy phép con, thanh tra – kiểm tra, thuế phí, bảo hiểm cứ tăng, giá nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào tăng…

P.An – N.Hải ghi

Hàng Trung Quốc đội lốt “Made in Vietnam” không chỉ có Khaisilk

Bài viết mới