Việt Nam là quốc gia nằm trong “top” 3 thế giới về XK cao su, chiếm trên 10% thị phần thị trường cao su thế giới, nhưng bên cạnh đó Việt Nam cũng thường xuyên NK cao su từ các thị trường. Một số quan điểm cho rằng, đó là điểm bất cập lớn.
Tuy nhiên, khi đem vấn đề này trao đổi với một chuyên gia trong ngành cao su, phóng viên Báo Hải quan nhận được lý giải: Phần lớn cao su NK là dạng cao su tổng hợp để phục vụ sản xuất phụ kiện ô tô và sản xuất dầu hỏa. Ngoài ra, lượng cao su thiên nhiên NK chủ yếu từ thị trường Lào, Campuchia hầu hết nhập theo dạng tạm nhập, tái xuất, NK về để phục vụ XK.
Lý giải việc vì sao ngành cao su Việt Nam không tập trung phát triển để có thể tự túc lượng cao su tổng hợp, vị chuyên gia này cho biết: Muốn sản xuất cao su tổng hợp, ngành hóa dầu trong nước phải thực sự phát triển. Thông thường các năm, trung bình, nhu cầu tiêu thụ cao su tổng hợp trong nước chỉ khoảng 100-200 nghìn tấn/năm. Trong khi đó, kinh phí để đầu tư một nhà máy sản xuất cao su tổng hợp không hề nhỏ.
Khi đã xây dựng nhà máy thì phải đảm bảo sản xuất một sản lượng nhất định chứ không thể chỉ sản xuất đủ nhu cầu tiêu thụ. Vì vậy, hiện tại, để các DN tự cân đối cung-cầu NK lượng cao su tổng hợp là cách giải quyết phù hợp.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy: 8 tháng đầu năm, khối lượng cao su NK đạt 346 nghìn tấn và 719 triệu USD, tăng 30,9% về khối lượng và tăng 77,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Bốn thị trường NK cao su chủ yếu trong 7 tháng đầu năm là Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Campuchia, chiếm 55,5% thị phần. Trong 7 tháng đầu năm, giá trị cao su ở tất cả các thị trường NK đều tăng. Trong đó, thị trường có giá trị tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2016 là Indonesia (tăng hơn 2,7 lần), tiếp đến là các thị trường Thái Lan và Nga (đều tăng hơn 2,3 lần)…