Phố Hội hấp dẫn du khách với “thực đơn du lịch” phong phú
Năm 2017, TripAdvisor đã xếp Hội An đứng đầu danh sách 10 điểm đến thu hút khách quốc tế nhất Việt Nam. Minh chứng là nơi đây đã đón hơn 3,22 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp 25% tổng lượng khách ngoại của cả nước. Trong khi, Hà Nội, TP.HCM, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng và các tỉnh thành khác… cùng chia sẻ mức đóng góp 75%.
Hành trình chinh phục vị trí dẫn đầu của du lịch Hội An không chỉ dựa vào sức hấp dẫn của di sản phố cổ trầm mặc soi bóng bên sông Hoài, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm hay sắc xanh hoang sơ của biển Cửa Đại – top 25 bãi biển đẹp nhất hành tinh. Từ năm 2015, bên cạnh những sản phẩm đã sẵn thương hiệu như “Đêm phố cổ”, “Sông xưa thuyền cổ”, hay thưởng thức nghệ thuật bài chòi, khám phá rừng dừa nước Cẩm Thanh,… phố Hội đã không ngừng mở rộng “thực đơn du lịch”, bổ sung nhiều lựa chọn cho du khách.
Mới đây, Hội An công bố nhóm sản phẩm sử dụng nguyên liệu ngô đồng đỏ – loài cây được mệnh danh “nữ hoàng Cù Lao Chàm”, bao gồm các thức bánh dân gian, hàng thủ công, mỹ phẩm,… tạo điều kiện cho du khách tiếp cận gần hơn các sản vật địa phương. Hay như “Đêm Cù Lao” – hoạt động tái hiện nét văn hoá đời thường của cư dân làng đảo đã bắc thêm cầu nối để khách thập phương hiểu thêm về nếp sống bản địa.
2017 là năm bứt phá của du lịch Hội An, khi đô thị cổ đã thoát khỏi “khuôn khổ” trầm lắng, thoát xác rực rỡ sắc màu trong Lễ hội ánh sáng phối hợp tổ chức cùng doanh nghiệp Thái Lan, những ngày văn hóa Hàn Quốc tại Hội An, cuộc thi Marathon quốc tế… Cái hay là, khi càng đa sắc, phố Hội lại càng gần hơn với nguồn cội xa xưa: một cảng thị Hội An giao thoa đa dạng các nền văn hóa Đông Tây kim cổ.
“Ký ức Hội An” – làn gió lớn để vươn xa
Đầu năm 2018, chủ đầu tư GHA chính thức công bố chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh “Ký ức Hội An” đến đông đảo du khách trong và ngoài nước. Ông John Nguyễn – đại diện GHA chia sẻ: “Xuất phát từ mong muốn sáng tạo một sản phẩm du lịch ấn tượng, cộng hưởng tình yêu dành cho đất và người Hội An, chúng tôi đã quyết tâm thực hiện “Ký ức Hội An” nhằm tái hiện lịch sử – văn hóa huy hoàng của thương cảng này.”
Bà Chúa Tằm Tang – một trong những nhân vật của “Ký ức Hội An”.
Được biết, GHA đã hợp tác với những chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong tất cả hạng mục từ kịch bản, âm nhạc, thiết kế trang phục đến vũ đạo. Riêng hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và kỹ xảo sân khấu sẽ được biến hóa dưới tay của những tên tuổi đã khai sinh nền nghệ thuật thực cảnh nổi tiếng thế giới. Hiện nay tại Việt Nam, “Ký ức Hội An” là chương trình được đầu tư lớn nhất về kinh phí và nhân sự.
Tham gia cố vấn chương trình, Giáo sư – Họa sĩ Trịnh Quang Vũ chia sẻ ba yếu tố sẽ làm nên sức hút của đêm diễn từ góc độ mỹ thuật dàn dựng: Thứ nhất, “Ký ức Hội An” được xây dựng kịch bản hình ảnh hoành tráng, tái hiện sống động không gian Hội An xưa. Thứ hai, khán giả sẽ được thưởng lãm phong cách trang phục Việt thế kỷ 16-17 như đeo kiếm sau vai, đội nón ba tầm, trang phục cung đình lộng lẫy. Thứ ba, những tiết mục trình diễn đều truyền tải rõ nét phong cách Việt đậm đà bản sắc. “Khi chính thức ra mắt, chương trình sẽ khơi dậy niềm tự hào về quá khứ nước Đại Việt xưa trong tâm khảm mỗi khán giả”, ông khẳng định.
Ở góc độ khác, cố vấn lịch sử – Nhà sử học Dương Trung Quốc tin rằng bản thân những giá trị truyền thống của Hội An sẽ đủ sức hấp dẫn người xem đương đại. “Tôi rất tin vào thành công. Trước hết bởi chủ đầu tư rất nghiêm túc, dám đầu tư lớn. Tôi cũng đã làm việc với Ban cố vấn, tất cả đều là những nhà chuyên môn kỳ cựu trong lĩnh vực của họ. Và “Ký ức Hội An” không thiếu chất liệu để truyền tải giá trị văn hóa lịch sử phố Hội. Mặc dù loại hình biểu diễn thực cảnh còn rất mới ở nước ta, nhưng nếu thành công sẽ là bước ngoặt cho phát triển du lịch”, ông chia sẻ.
Tính đến nay, 500 diễn viên đang bước vào những ngày tập dượt cuối cùng. Dự kiến khi sân khấu 25.000 m2 sáng đèn, đây sẽ là chương trình biểu diễn nghệ thuât quy mô lớn và ấn tượng bậc nhất Việt Nam, là “đặc sản du lịch” không thể bỏ qua của du khách khi đến vùng đất di sản Hội An.