Với tư cách là giám đốc khoa phát triển tâm lý và giáo dục của trường đại học Standford, bà Emma Seppälä cho biết nhiều người sẽ suy nghĩ sự từ bi mang tính lý tưởng tâm linh và không khoa học. Tuy nhiên, bà giải thích rằng từ bi là một trong những yếu tố cho phép bạn thành công mà không phá hoại chính bản thân mình. Đó là lý do vì sao chúng ta nên thay thế sự tự phê bình bằng lòng từ bi. Nên hiểu rằng con người ai cũng có lúc mắc phải sai lầm nhưng hãy tử tế với bản thân và những người xung quanh, từ bi cho những suy nghĩ và cảm xúc của mình.
Chia sẻ trên kênh CNBC, bà Emma cho rằng rất nhiều người có khuynh hướng tâm lý “tự ngược”. Có nghĩa là chúng ta suy nghĩ vấn đề theo cách tiêu cực nhiều hơn. Chúng ta tin rằng làm như vậy sẽ giúp chúng ta chuẩn bị sẵn tinh thần để đối mặt với những tình huống xấu nhất có thể sảy ra. Tuy nhiên, cách này dường như không có hiệu quả mà ngược lại, suy nghĩ tiêu cực sẽ càng khiến chúng ta trở nên lo lắng, hoang mang.
Để chống lại xu hướng suy nghĩ tiêu cực, bà Emma khuyến khích tìm hiểu về hoạt động của não bộ, tập trung vào kinh nghiệm, tri thức và điểm mạnh của não bộ để học hỏi và phát triển. Ví dụ, có người giỏi về thống kê, người thích hoạt động như một diễn giả trình bày trước công chúng hoặc có tổ chất trở thành một nhà lãnh đạo đầy cảm hứng.
Thế nhưng khuyến khích suy nghĩ tích cực không có nghĩa là hoàn toàn phủ nhận khía cạnh tiêu cực. Nhắc đến những thiếu sót của con người, nhà tâm lý học Emma bắt đầu phân tích: “Nếu bạn nhận được 10 lời khen ngợi và 1 lời phê bình trong quá trình đánh giá hiệu suất công việc, vậy khi rời khỏi văn phòng lời nói nào khiến bạn ghi nhớ và suy nghĩ nhiều nhất: khen ngợi hay phê bình? Đó chính là lời phê bình”. Bà cũng thừa nhận rằng đôi khi những lời tiêu cực mang ý nghĩa đóng góp cho sự tiến bộ sẽ giúp chúng ta tránh được những nguy cơ tiềm ẩn, sửa chữa sai lầm và là động lực để phát triển tốt hơn.
Tuy nhiên, xét trong thời đại nay liên quan đến vấn đề môi trường và tự đánh giá thì sự thiên vị tiêu cực là có hại nhiều hơn. Chẳng hạn như, khi bạn đạt được mục tiêu mà vẫn không cảm thấy hài lòng, vì sao? Bởi vì bạn là người có thói quen định hướng tư tưởng tiêu cực, tự gây áp lực cho bản thân. Và từ đó sẽ tác động đến não bộ, chi phối toàn bộ suy nghĩ và cảm xúc.
Emma khuyên rằng chúng ta nên thay thế niềm tin vào sức mạnh bằng sự nỗ lực, tập trung vào lòng từ bi thay vì tự phê bình. Bà khẳng định các dữ liệu về khoa học thần kinh đều chỉ ra việc não bộ của chúng ta sẽ còn phát triển những đường mòn thần kinh mới trong suốt cuộc đời.. “Não bộ được thiết kế để phát triển và học hỏi những điều mới mẻ, giúp con người phát triển và hoàn thiện kĩ năng về mọi lĩnh vực dễ dàng hơn”.
Bên cạnh đó, để chứng minh quan điểm của mình, nhà tâm lý học Emma Seppälä – Giám đốc khoa phát triển tâm lý và giáo dục về lòng tốt và chủ nghĩa vị tha của trường đại học Standford còn đưa ra những ví dụ điển hình về tư tưởng, cách suy nghĩ của nhà vật lý học huyền thoại Albert Einstein, cùng với tỷ phú Jack Ma. Họ từng phải đối mặt với những tình huống khó khăn nhưng không bao giờ cho phép bản thân bị đánh bại. Thay vào đó, họ kiên trì và tin tưởng rằng nếu nỗ lực thì sẽ thành công. Thất bại cũng là một quá trình dẫn đến thành công.
Albert Einstein đã có niềm tin vững chắc và lối tư duy mạnh mẽ như vậy ngay từ khi còn nhỏ. Ít ai biết rằng, trước đây Albert Einstein từng bị đánh giá là một đứa trẻ chậm nói, chậm phát triển trí tuệ và thậm chí có thể khuyết tật về tinh thần. Ông đã không được đi học và sau đó cũng không đỗ vào Viện công nghệ Liên bang Thụy Sĩ. Albert Einstein là người duy nhất trong lớp không thể tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp đại học.
Albert Einstein từng nói rằng nếu tin vào lý tuyết sức mạnh thì có lẽ ông đã không theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. Nhưng ông tin rằng tất cả những kỹ năng của ông có thể phát triển và trau dồi dần theo thời gian. Albert Einstein không để thất bại và yếu đuối của bản thân ngăn cản tiến hành cách mạng hóa vật lý. Cuối cùng, ông đã giành giải Nobel và trở thành nhà vật lý học huyền thoại mang lại những giá trị cao cả cho nhân loại.
Trong khi nhiều người bị ám ảnh về những phẩm chất tiêu cực và điểm yếu khiến họ không thể tự tin bộc lộ hết năng lực của bản thân thì Einstein lại không giống như vậy. “Ông không từ bỏ khi thất bại. Einstein biết rằng đó là vấn đề về thời gian và sự nỗ lực. Chỉ cần ông tiếp tục cố gắng thì sẽ không còn thất bại. Thực tế, trí tuệ là có thể học hỏi, phát triển và thay đổi, ngay cả khi bạn không phải là người có năng lực bẩm sinh”, bà Emma chia sẻ.
Cũng giống như Albert Einstein, người sáng lập và giám đốc điều hành Alibaba – Jack Ma sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh nghèo khó ở Trung Quốc. Jack Ma cũng đã thất bại hai lần trong kì thi tuyển sinh đại học trước khi được nhận vào Học viện giáo viên Hàng Châu. Sau khi tốt nghiệp, ông thậm chí đã nộp đơn xin việc vào hàng chục công ty công nghệ nhưng đều bị từ chối.
Khi đó, Jack Ma lựa chọn trở thành một giáo viên tiếng Anh với mức lương cực kì khiêm tốn khoảng 12 USD/tháng. Vì công việc ông đã chuyển đến Mỹ. Đây là thời điểm ông bắt đầu làm quen với công nghệ, mạng điện tử. Jack Ma quyết định từ bỏ nghiệp giáo viên để thành lập hai công ty trên mạng Internet. Tuy nhiên, cả hai lần thành lập công ty của ông đều thất bại. Mặc dù vậy, Jack Ma vẫn kiên trì với đam mê của mình và thành lập công ty thứ ba mang tên Alibaba Shareholdings. Sau đó, sự nghiệp của Jack Ma mới thật sự khởi sắc, trở thành một trong những tỷ phú công nghệ thế giới.
Nhà tâm lý học Emma Seppälä cho rằng ở Jack Ma và Alber Einstein không chỉ có quan điểm, tự tin mà còn là sự kiên nhẫn quyết phải đối mặt với thất bại. Rõ ràng, bằng cách nhận ra những điều tốt đẹp, họ sẽ không chỉ thành công mà còn trở nên thực tế hơn. Cuộc sống sẽ không bị lãng phí bởi những điều tiêu cực, nhàm chán. Họ biết cách tận hưởng và làm tốt nhất những gì bản thân có.