Sau khi doanh nhân Hoàng Khải, chủ Tập đoàn và thương hiệu Khaisilk , thừa nhận dùng khăn lụa “Made in China” gắn mác thương hiệu mình bán trong suốt 30 năm qua, một cán bộ ngoại giao kỳ cựu đã chia sẻ ông không thể không lên tiếng khi bản thân mình cũng mua khá nhiều các sản phẩm Khaisilk để tặng đối ngoại thời gian qua.
Khăn lụa tương tự của Khaisilk được rao trên Alibaba mới mức giá chỉ 1,3-2,2 USD
Dẫn chứng một số mẫu khăn tương tự loại khăn tiền triệu của Khaisilk hiện đang được rao bán trên các trang web mua bán nổi tiếng của Trung Quốc như Taobao, Alibaba với giá “rẻ khủng khiếp”, chỉ 1,3-2,2 USD, nhà ngoại giao này nhận định việc xử lý gian lận thương mại của Khaisilk là việc của cơ quan có thẩm quyền thực hiện.
Một cán bộ công tác lâu năm tại Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam cũng cho biết chỉ riêng phái bộ ngoại giao này, khi có các đoàn của nước họ đến Việt Nam làm việc, nhân viên phái bộ đã rất nhiều lần đưa các vị quan chức hoặc người nhà các vị đó đến mua đồ ở cửa hàng Khaisilk. “Nếu tính cả khách nước ngoài khác nữa thì cũng nhiều không đếm xuể”- ông cho biết. Ông cũng cho rằng đây không phải là “mắc lỗi”, “vấp váp”, “sai sót” gì, mà phải khẳng định là “lừa có hệ thống”.
Một nhà ngoại giao khác cũng cho rằng: “Đây không còn là câu chuyện Khaisilk mà liên quan tất cả các sản phẩm nghề truyền thống của Việt Nam” và Việt Nam cần học hỏi thêm các nước về việc bảo tồn, phát huy các sản phẩm, nghề truyền thống.
Vụ bê bối của Khaisilk bị phanh phui khi một doanh nghiệp ở Hà Nội cho biết đã mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm Việt Nam của Khaisilk tại cửa hàng trên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) để làm quà tặng cho đối tác với giá 644.000 đồng/chiếc. Sau khi nhận hàng, khách phát hiện một chiếc khăn trong lô hàng 60 chiếc này có gắn 2 nhãn mác khác nhau: một nhãn với nội dung “Khaisilk Made in Vietnam” còn một nhãn nữa với nội dung “Made in China”. Khách hàng cũng cho biết khi kiểm tra 59 chiếc khăn còn lại, phát hiệu dấu hiệu của việc cắt mác cùng màu với dòng chữ “Made in China”. Tuy nhiên, khi trả lời khiếu nại của khách hàng, một đại diện của cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai – nơi bán lô hàng trên, khẳng định chất liệu khăn được làm từ 100% lụa tơ tằm.
Cơ quan quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã vào cuộc và xác định doanh nghiệp có dấu hiện vi phạm pháp luật về xuất xứ hàng hoá. Đáng lưu ý, người sáng lập Khaisilk là ông Hoàng Khải lại là một người từng có uy tín với phong trào Startup Việt. Bản thân ông Hoàng Khải cũng xây dựng được một hình tượng doanh nhân Việt gắn với các sản phẩm rất Việt, từ lụa tơ tằm, phở đến kinh doanh nghỉ dưỡng, bất động sản.
Mơ ước về thương hiệu lụa Việt
Nhìn xa hơn, cán bộ ngoại giao từng mua khá nhiều các sản phẩm Khaisilk để tặng đối ngoại mong rằng khi vụ này đóng lại, nếu còn tiền và còn thời gian, ông Hoàng Khải, người đã giảng nhiều về startup, sẽ rút khỏi tất cả các đầu tư ngoài ngành, dành toàn bộ tiền bạc và thời gian còn lại startup một doanh nghiệp đầu tư toàn bộ vào việc khôi phục nghề dệt lụa truyền thống Việt, làm sống lại từ một làng nghề, phát triển công nghệ xử lý lụa mới, hạ giá thành đủ cạnh tranh, và đưa trả lại vinh quang cho tơ tằm Việt. Phục hồi lại nhân phẩm và uy tín thương hiệu Khaisilk “xịn”.
Theo ông, phục hồi nghề tơ tằm truyền thống Việt cũng không quá khó. Cái quan trọng nhất là thị trường thì trong trường hợp Khaisilk chúng ta thấy rõ là có, nhất là với tinh thần dân tộc, và thị trường du lịch (khách du lịch mua nhiều sản phẩm lụa Việt, không chỉ Khaisilk), chưa kể lụa là lựa chọn để tặng quà đối ngoại. Thứ hai đây là sản phẩm mang tính đặc thù, có giá trị của chỉ dẫn địa lý, do đó có thể “sống tốt” cùng sự hiện diện của tơ tằm Ấn Độ, Trung Quốc… Thứ ba, nếu ta đi theo hướng “organic”, tự nhiên, ít hoá chất, công nghệ truyền thống và làm PR (truyền thông) tốt theo trào lưu sống tự nhiên, hữu cơ… thì thị trường này ngày càng lớn. Nếu có thêm chính sách của nhà nước hỗ trợ nữa thì điều này là không khó.