Nhà giàu Trung Quốc “chạy” hộ chiếu Mỹ bằng cách nào?

Với dáng người cao ráo và vẻ ngoài toát lên sự cứng rắn, Ding khiến bạn liên tưởng đến việc cô là phiên bản nữ đến từ Trung Quốc của Tony Robbins, diễn giả hàng đầu về các thể loại truyền cảm hứng và phát triển tiềm năng con người với tài ăn nói khéo léo và cực kỳ lôi cuốn. Ding nói về quyết định chuyển sang Mỹ sinh sống của bản thân, về ngôi trường trung học danh giá mà các con gái của cô theo học nhờ chương trình cho phép người nhập cư đầu tư vào các doanh nghiệp mới để đổi lấy thẻ xanh.

Cuối cùng tấm vải phủ lên mô hình kim tự tháp cao 6 foot bên cạnh cô được gỡ xuống, hiện ra mô hình 1 tòa nhà ở Manhattan: dự án Via 57 West tọa lạc bên bờ sông Hudsen. Ding thôi thúc những người ngồi dưới lắng nghe hãy ký hợp đồng đầu tư 500.000 USD vào dự án này ngay trong ngày để nhận phần thưởng là 1 chiếc iPad mini.

Ellis Liu, giám đốc tài chính của 1 công ty điều hành các quán café internet, là một trong số những người tham dự. Anh không đăng ký ngay nhưng tỏ ra khá hào hứng. Thượng Hải chìm trong khói bụi ô nhiễm khiến đứa con trai bé nhỏ của anh hay bị ốm. Vài tháng sau, Liu quyết định trả mức phí 50.000 USD cho công ty Qiaowai của Ding và lấy số tiền 500.000 USD từ bố mình để đầu tư vào dự án phủ sóng wifi cho hệ thống tàu điện ngầm của New York. Sau đó Liu sẽ phải đợi thêm 4 năm mới được cấp visa có điều kiện (conditional visa) và bắt đầu đi tìm việc ở Los Angeles.

Mỗi năm Cục Nhập cư và Quản lý công dân Mỹ chỉ cấp 10.000 thẻ xanh có điều kiện. Bằng cách đầu tư 500.000 USD vào những vùng được cho là khó khăn về kinh tế, những người nhập cư có thể có được thẻ xanh cho họ và gia đình. Bất kỳ ai có khoản đầu tư tạo ra 10 việc làm cũng có thể nộp đơn xin giấy vĩnh trú.

Khi chương trình được đưa ra năm 1990, Quốc hội Mỹ đã rất cẩn thận về chuyện nó sẽ tạo ra ấn tượng xấu rằng Mỹ đang rao bán visa, vì thế luật quy định rằng đây sẽ là 1 khoản đầu tư mạo hiểm. Với ý tưởng ban đầu là chương trình sẽ giúp đầu tư bùng nổ ở những vùng nông thôn nghèo khó, trong mấy năm đầu nó gần như không được sử dụng. Chương trình chỉ “cất cánh” khi các công ty bất động sản ở New York và nhiều thành phố khác tìm ra cách biến dự án của họ thành dự án đủ điều kiện nhận vốn đầu tư. Đặc biệt trong mấy năm gần đây hơn 90% dòng vốn đầu tư từ chương trình EB-5 là ở các thành phố và khoảng 3/4 trong số đó rót vào các dự án bất động sản cao cấp ở Manhattan. Có rất nhiều nhà đầu tư Trung Quốc tìm đến những người như Ding từ những mẩu quảng cáo nhan nhản trên WeChat.

Sau sự kiện Brexit và sau khi ông Trump nhậm chức Tổng thống, biên giới dường như đã được siết chặt. Tuy nhiên, những công ty như của Ding vẫn nói về 1 thế giới vô vàn cơ hội. Họ đã biến một trong những cỗ máy được cho là quan liêu nhất thế giới thành loại hàng hóa tiêu dùng được tầng lớp nhà giàu mới nổi ở Trung Quốc săn đón. Có ít nhất 1.000 công ty tư vấn nhập cư được đăng ký ở Trung Quốc và những người trong ngành nói rằng con số không chính thức còn lớn hơn thế.

Công ty Qiaowai của Ding được nhiều người biết đến hơn sau khi tổ chức 1 sự kiện ở khách sạn Ritz-Carlton Bắc Kinh hồi tháng 5 với sự tham gia của Nicole Meyer, chị gái của con rể Tổng thống Trump Jared Kushner. Meyer đang tìm kiếm nhà đầu tư cho One Journal Square, dự án tháp đôi mà tập đoàn Kushner đang xây dựng ở Jersey City. Cô nói rằng “dự án này có ý nghĩa rất quan trọng đối với tôi và cả gia đình tôi”. Thậm chí có lúc hình ảnh Tổng thống Trump đã được trình chiếu trên màn hình lớn. Qiaowai quảng cáo đây là dự án được sự hậu thuẫn của Chính phủ Mỹ do đó rất an toàn.

Ngay lập tức những bình luận của Meyer đã được các hãng tin quốc tế đồng loạt đăng tải. Sau đó người phát ngôn của tập đoàn Kushner đã phải lên tiếng xin lỗi và quảng cáo bị gỡ bỏ. Các công tố viên liên bang điều tra thư từ và tài liệu của tập đoàn, cuối cùng kết luận không có vấn đề gì.

“Tai nạn” này bất ngờ trở thành “món quà” cho nhiều nghị sĩ Mỹ đang ngày càng bất mãn với chương trình EB-5. Nhiều người nói rằng nó “bẩn thỉu”, giống như bán quốc tịch Mỹ và đưa ra một loạt các vụ lừa đảo. Tuy nhiên một số người lập luận chương trình này giúp ích cho kinh tế địa phương.

Dẫu vậy, các công ty môi giới ở Trung Quốc vẫn hoạt động rất mạnh. Với các khoản vay EB-5, các công ty bất động sản trả lãi 4 – 8% mỗi năm, so với mức lãi suất của các khoản vay thương mại lên đến 10 – 18%. Giá trị của các khoản vay EB-5 tăng vọt từ 240 triệu USD trong năm 2007 lên 4,4 tỷ USD trong năm 2015.

Các công ty môi giới sẽ kiếm được tiền từ cả hai bên. Ngoài khoản phí 50.000 USD thu được trên mỗi nhà đầu tư, họ kiếm được một nửa số lãi mà công ty bất động sản chi trả.

Thường thì nhà đầu tư sẽ có được mức lãi suất 0,5% hoặc thấp hơn. Tuy nhiên, đây không phải là điều mà họ quan tâm. Chắc chắn được cấp visa mới là điều quan trọng nhất.

Qiaowai có khoảng 600 nhân viên hoạt động tại 15 thành phố của Trung Quốc. Năm ngoái, Mỹ nhận được khoảng 11.000 đơn xin nhập cư từ các nhà đầu tư Trung Quốc và Qiaowai cho rằng họ chiếm khoảng 30% thị phần trên thị trường EB-5 ở Trung Quốc. Nếu mỗi người trong số khoảng 3.700 người nộp đơn là khách hàng của Qiaowai và trả khoản phí 50.000 USD, công ty của Ding sẽ thu được khoảng 185 triệu USD.

Năm 2013, Ủy ban chứng khoán và hối đoái Mỹ phát đi cảnh báo nhà đầu tư nên tránh những công ty tự nhận là được Chính phủ hậu thuẫn. Tuy nhiên, những vụ lừa đảo ở cả quy mô lớn và nhỏ vẫn tiếp tục diễn ra. Ở Seattle, lãnh đạo 1 công ty bất động sản đã phải ngồi tù 4 năm vì sử dụng sai mục đích số tiền huy động được từ hơn 280 nhà đầu tư Trung Quốc.

Cuối cùng thì có lẽ người thiệt hại nhiều nhất trong hệ thống này là những nhà đầu tư khao khát được nhập cư vào Mỹ. Khoản đầu tư của họ có thể gặp rủi ro và họ sẽ mất cả chì lẫn chài. Bên cạnh đó, hạn ngạch thị thực dành cho người Trung Quốc đang giảm dần (xuống còn khoảng 7.500 trong năm 2016) vì số người đến từ các quốc gia khác nộp đơn xin thị thực ngày càng tăng. Hiện tại đã có quá nhiều đơn chờ duyệt từ Trung Quốc, đến nỗi theo ước tính sơ bộ 1 nhà đầu tư Trung Quốc nộp đơn bây giờ sẽ phải chờ tới 10 năm sau khi đầu tư 500.000 USD mới được phê duyệt chuyển tới Mỹ. Nộp tiền từ cuối năm 2013 nhưng đến tháng 5 vừa qua Liu mới được gọi tới Hàng Châu để phỏng vấn.

Tháng 9 này Liu có kế hoạch tới Los Angeles, đưa gia đình tới chơi ở Disneyland. Sau đó anh sẽ bắt đầu đi tìm việc.

“Ở Trung Quốc ai cũng có giấc mơ Mỹ” – và giấc mơ ấy sắp “chết”?

Bài viết mới