Mới đây, Bộ Công thương đã bất ngờ ra thông báo điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân lên 1.720,65 đồng/kWh, tăng 6,08% so với mức giá hiện hành, áp dụng từ 1/12/2017.
Trong phiên giao dịch 1/12, hàng loạt cổ phiếu ngành điện như REE, NT2, PPC, SJD, VSH, CHP, KHP…đồng loạt bứt phá mạnh. Việc các cổ phiếu ngành điện “dậy sóng” bên cạnh nguyên nhân từ việc KQKD ngành điện trong năm nay nhìn chung khả quan, PV Power sắp IPO chắc hẳn còn đến từ kỳ vọng của giới đầu tư về việc doanh nghiệp điện sẽ hưởng lợi từ quyết định tăng giá bán điện của Bộ Công thương.
Cổ phiếu ngành điện bứt phá mạnh sau tin tăng giá điện liệu có đúng?
Tuy vậy, trên thực tế việc tăng giá bán lẻ điện bình quân chỉ tác động nhẹ hoặc không tác động đến doanh thu và lợi nhuận của các công ty phát điện độc lập.
Theo CTCK HSC, các công ty điện đã niêm yết sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp do giá bán điện theo hợp đồng PPA là cố định. Trong khi đó, phần doanh thu tăng thêm từ bán điện trên thị trường phát điện cạnh tranh phụ thuộc vào cung/cầu thị trường nên giá đầu ra tăng sẽ không ảnh hưởng đến doanh thu.
Cụ thể, giá bán lẻ điện bình quân là giá đầu ra của EVN. Trong khi đó giá mua điện từ các công ty điện là giá đầu vào của EVN. Hơn nữa, EVN hiện vẫn độc quyền mua điện từ các công ty điện thông qua hợp đồng PPA và thị trường phát điện cạnh tranh. Do đó, điều chỉnh tăng giá đầu ra của EVN thực tế không tác động trực tiếp đến giá đầu vào của EVN.
Kỳ hạn bình quân của một hợp đồng PPA cho một công ty phát điện độc lập đã niêm yết (hợp đồng bán điện giữa EVN và các nhà máy điện) là từ 10 – 20 năm. Thông thường, kỳ hạn hợp đồng sẽ theo sát vòng đời kinh tế của các thiết bị sản xuất điện tại các nhà máy. Do đó, hợp đồng sẽ không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong giá bán lẻ điện. Và dù trên thị trường phát điện cạnh tranh, EVN cũng phân bổ sản lượng điện mua từ các nhà máy dựa trên giá đấu thầu theo chi phí thay đổi. Các nhà máy điện thường bán 10-20% sản lượng điện trên thị trường phát điện cạnh tranh. Và việc lựa chọn mua điện trên thị trường phát điện cạnh tranh của EVN cũng không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong giá bán lẻ điện.
Tuy nhiên, HSC cho rằng khi các hợp đồng PPA đáo hạn và được đàm phán, giá bán lẻ điện tăng cho phép EVN linh hoạt và hào phóng hơn khi đàm phán giá hợp đồng PPA với các nhà máy điện mới. Trong số các công ty phát điện độc lập đã niêm yết hiện tại, kỳ hạn các hợp đồng PPA như sau:
+ PPC – đến năm 2019 đối với nhà máy Phả Lại 1 và đến năm 2031 đối với nhà máy Phả Lại 2.
+ NT2 – đến năm 2021.
+ PV Power – thời gian đáo hạn cụ thể như sau;
+ Nhơn Trạch 1 – đến năm 2018.
+ Cà Mau 1&2 – đến năm 2028.
+ Vũng Áng – đến năm 2025.
+ Nậm Cát – đến năm 2022.
+ Hủa Na – đến năm 2023.
+ Đăk Đrinh – đến năm 2024
Do đó, trong ngắn hạn, câu chuyện tăng giá của cổ phiếu điện không liên quan nhiều tới việc tăng giá bán lẻ điện mà đến nhiều hơn từ kỳ vọng KQKD quý 4 hay việc PV Power chuẩn bị lên sàn.