Nhà đầu tư bất động sản: Chỉ còn đất nhưng “hết tiền”

TIN MỚI

Thông thường, thời điểm đầu năm thị trường bất động sản luôn diễn biến sôi động, lượng thanh khoản cũng lên cao. Tuy nhiên, ở năm nay thị trường có nhiều diễn biến khác lạ khi người mua “thắt chặt hầu bao”, cân nhắc kỹ hơn trước khi xuống tiền, mặc dù nhiều chủ đất đã chấp nhận giảm giá.

Theo đó, thị trường vẫn giữ nhịp độ trầm lắng, thanh khoản thấp. Do vậy, không ít nhà đầu tư đã mua đất từ trước đó đã bị “mắc kẹt”, lâm vào có đất nhưng “hết tiền”.

Vốn là dân kinh doanh đồ nội thất nhưng tay ngang đầu tư bất động sản, Anh N.T (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, từ năm 2017 anh bắt đầu tham gia thị trường. Ở giai đoạn này, thị trường diễn biến khá tích cực nên không ít thương vụ anh đã thắng đậm từ đầu tư đất nền. Đến năm 2022, thị trường vẫn “nóng”, do đó anh T mạnh tay dồn hết số tiền đang có để sở hữu 8 mảnh đất ở các khu vực ven Hà Nội như Thạch Thất, Mê Linh, Thanh Oai, Đông Anh,…

“Bây giờ tôi đang nắm giữ khoảng 8 lô đất nằm rải rác ở các khu vực ven Hà Nội, ước tính tổng giá trị hàng chục tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 20% giá trị là tôi sử dụng đòn bẩy tài chính. Cuối năm vừa rồi, tôi bắt đầu rao bán 2 mảnh đất với mục đích để thanh toán hết nợ. Bởi công việc kinh doanh nội thất của tôi hiện nay cũng ế ẩm. Nhưng dù giảm giá bán từ 15 – 20% suốt 3 tháng nay tôi vẫn chưa tìm được chủ mới”, anh T nói.

Thậm chí, nhà đầu tư này còn chấp nhận chi hoa hồng cao hơn cho môi giới nhưng đều được phản ánh lại là rất khó tìm được người mua ở thời điểm này. “Mặc dù dùng đòn bẩy không quá lớn nhưng tôi vẫn muốn bán bớt đi để thanh toán hết nợ. Còn lại, dự tính sẽ đợi đến khi thị trường bất động sản khởi sắc trở lại. Nhưng cũng không biết bao giờ hai mảnh đất tôi đang rao bán mới có chủ mới, thị trường kém sôi động nên thanh khoản khó”, người này than.

Nhà đầu tư bất động sản: Chỉ còn đất nhưng “hết tiền” - Ảnh 1.

Đồng cảnh ngộ, anh Vũ Khải (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, thời điểm năm 2021 thị trường bất động sản sốt nóng, anh đã dồn hết tiền khoảng 10 tỷ đồng để đầu tư vào 5 mảnh đất nền. Tuy nhiên, hiện nay dù muốn bán nhưng anh khó tìm người mua.

“Có bao nhiêu tiền tôi đều dồn mua đất, bây giờ đúng là chỉ có đất nhưng hết tiền. Các mảnh đất tôi đang sở hữu nằm ở Vĩnh Phúc, Hòa Bình, ven Hà Nội. Tuy nhiên, bây giờ bán ở chỗ nào cũng không thấy có người mua”, anh Khải nói.

Anh Khải cho biết, dù không chịu áp lực tài chính, bởi đều được mua bằng tiền của mình. Tuy nhiên, hiện nay anh đang cần khoảng 2 tỷ đồng để mở kinh doanh nhà hàng lại không bán được đất.

“Tiền của tôi đã nằm hết trong đất, song bất động sản bây giờ khó kiếm lời. Tôi dự tính sẽ mở một cửa hàng kinh doanh nhưng chưa bán được đất, còn nếu vay ngân hàng thì lãi suất quá cao”, anh Khải nói.

Hiện nay tâm lý người mua đang có sự e dè, do đó không dám xuống tiền. Bởi, họ sợ rằng nếu mua hôm nay ngày mai giá có thể rẻ hơn. Do đó, nhiều người đầu tư vào đất nền trước đó đến nay muốn bán cũng khó tìm người mua, tiền bị “chôn” lại trong đất.

Thực tế, lãi suất tăng cao, áp lực không chỉ đến với những người sử dụng đòn bẩy tài chính mà ngay cả nhà đầu tư dùng tiền của mình để mua. Bởi, trước đó họ đều đã “tất tay” vào đất nền, nhưng phân khúc này hiện nay tính thanh khoản khá yếu.

Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển, đa phần các nhà đầu tư Việt Nam thường muốn tối đa hóa tỷ suất lợi nhuận, có nghĩa họ thường bỏ hết tiền vào kênh mà họ thấy có lời nhiều nhất. Tuy nhiên, những người này thường không có khái niệm về dòng tiền, tức là không duy trì nguồn thu nhập đều đặn. Và thường những ai đã đầu tư vào bất động sản sẽ rất ít khi nhảy sang các ngành khác, trừ một số người đã biết đầu tư chứng khoán từ trước đó.

“Những nhà đầu tư bất động sản cứ dồn từng miếng nhỏ thành một miếng lớn và tập trung tối đa hóa lợi nhuận. Nhìn sang nước ngoài, giả sử một người có 30 – 40 tỷ đồng, họ sẽ mua vài căn hộ để cho thuê lấy tiền chi tiêu mỗi tháng, rồi mua thêm vài mảnh đất, rồi đầu tư chứng khoán, tiền gửi ngân hàng cũng ít nhất có một vài tỷ để thanh khoản. Đôi khi họ không trực tiếp đầu tư mà có thể thuê một bên tư vấn tài chính để quản lý danh mục. Họ an toàn ở chỗ lúc nào họ cũng có tiền mặt, có chứng khoán, có bất động sản khai thác,…

Nhưng các tiểu gia và đại gia của Việt Nam thường dồn hết tiền vào một kênh, lợi nhuận có thể lên tới 30 – 40% một tháng. Vì thế, trong giai đoạn hiện nay, có nhiều người rất dễ bị “tăng xông”, sống trên đống tài sản nhưng không thấy vui”, chuyên gia nói.

Thanh Phong

Nhịp sống thị trường

Bài viết mới