Nguyên nhân STB và EIB tăng ‘bất chấp’!

Báo cáo của Bộ phận phân tích CTCK HSC cho rằng, cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (HOSE: STB, Sacombank) đã khởi sắc trong 2 phiên gần đây nhờ thông tin nợ xấu được xử lý nhanh hơn dự kiến.

Ngân hàng đã xử lý được tổng cộng 19 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong năm 2017. Cụ thể theo thông tin được chia sẻ, đã có 2.800 tỷ đồng thu được từ thanh lý tài sản nhận cấn trừ nợ, 2.600 tỷ đồng thu được từ bán nợ (đã bán cho VAMC) theo giá thị trường và 14.200 tỷ đồng thu được từ tự xử lý, thu hồi nợ xấu và các khoản phải thu.

Theo Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu trong ngành ngân hàng giai đoạn từ 2017-2021 được Quốc hội thông qua, thiệt hại từ xử lý nợ xấu có thể được phân bổ trong 5-10 năm trên báo cáo kết quả kinh doanh. Theo đó, STB có thể hạch toán thiệt hại phát sinh trong một thời gian dài, giúp không làm ảnh hưởng quá nhiều đến KQKD.

Mặc dù chưa có đầy đủ các chi tiết, theo HSC nhưng thông tin trên đã cho thấy một triển vọng rõ ràng hơn cho STB. Thị trường vẫn luôn lo ngại về nợ xấu tại ngân hàng này với một lượng lớn tài sản có vấn đề từ trước để lại (khoảng 86 nghìn tỷ đồng), khả năng thanh khoản của những tài sản này do quy mô tài sản lớn và tình trạng pháp lý còn nhiều vướng mắc. Tuy nhiên theo báo cáo tạm thời của STB về xử lý nợ xấu trong năm 2017 có thể thấy Ngân hàng đang làm được nhiều hơn kỳ vọng của nhà đầu tư trong vấn đề xử lý nợ xấu.

STB đã cho biết cho vay khách hàng tăng 12,6% so với cùng kỳ đạt 219.000 tỷ đồng. Huy động khách hàng tăng 11,4% so với cùng kỳ đạt 323 nghìn tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng 33% đạt 8.200 tỷ đồng, không có thông tin về lợi nhuận trước thuế cả năm 2017 nhưng 9 tháng đầu năm Ngân hàng công bố lợi nhuận trước thuế đạt 1.028 tỷ đồng (kế hoạch cho cả năm 2017 là 585 tỷ đồng). STB vẫn là NHTMCP ngoài quốc doanh có tổng tài sản lớn nhất (364.000 tỷ đồng) và mạng lưới gồm 566 chi nhánh/phòng giao dịch tại Việt Nam, Lào, Campuchia.

Năm 2018, HSC cho rằng, STB sẽ có kế hoạch xử lý nợ xấu tích cực hơn (số nợ xấu xử lý không thấp hơn năm 2017) và sẽ cố gắng giảm tỷ lệ nợ xấu công bố xuống dưới 3% (thời điểm cuối năm 2017 là 4,28% và cuối năm 2016 là 6,68%).

HSC dự báo, STB sẽ ghi nhận tăng trưởng 15%, đạt 247.920 tỷ đồng. Huy động khách hàng tăng trưởng 12% và đạt 339.710 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần sẽ tăng trưởng 7% lên 5.498 tỷ đồng. Lãi trước thuế dự kiến đạt 10,21 tỷ đồng trong 2018.

Với Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (HOSE: EIB, Eximbank), vừa qua cổ phiếu này cũng có 2 phiên tăng trần liên tiếp nhờ hưởng lời từ tin xử lý nợ xấu tại STB vì EIB muốn bán 8,75% cổ phần STB. EIB dự kiến sẽ có thể thoái vốn khỏi STB nhanh hơn dự kiến với mức giá thặng dư. Theo đó Ngân hàng có thể hạch toán lãi đột biến giúp xóa lỗ lũy kế trong năm 2018.

EIB nắm 165 triệu cổ phiếu STB (8,75% cổ phần) từ năm 2012. Giá vốn là khoảng 10.600đ/cp (theo ước tính của HSC). Sau khi được NHNN phê duyệt kế hoạch thoái vốn tại STB vào năm ngoái, EIB hiện có thể bán cổ phần STB theo nhiều phương án.

Lợi nhuận từ thoái vốn tại STB giúp EIB xử lý toàn bộ lỗ lũy kế còn lại, HSC giả định nếu EIB bán toàn bộ cổ phiếu STB đang nắm giữ với giá bình quân là 13.600đ/cp và có thể ghi nhận khoản lợi nhuận không thường xuyên khoảng 500 tỷ đồng.

Theo đó, Ngân hàng có thể ngay lập tức bù lại số lỗ lũy kế 416 tỷ đồng tính đến cuối năm 2016. Nhờ vậy, EIB sẽ không còn nằm trong danh sách cảnh báo của UBCK trong một vài tháng tới và khi đó cổ phiếu sẽ đủ điều kiện cho vay margin.

Cho năm 2018, HSC dự báo lợi nhuận trước thuế của EIB sẽ tăng trưởng 34,95% đạt 738 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng trưởng 16,35% đạt 113.000 tỷ đồng trong khi đó tiền gửi khách hàng tăng trưởng 16% đạt 134.000 tỷ đồng.

V.N.M ETF hút ròng hơn 7 triệu USD trong tuần đầu năm mới 2018

Bài viết mới