Không riêng gì thị trường chứng khoán Mỹ, giảm điểm là tình trạng chung của thị trường toàn cầu trong 2 phiên gần nhất. Sau khi giảm 666 điểm phiên cuối tuần trước, hôm qua Dow Jones lại chốt phiên với mức giảm gần 1.200 điểm.
Đối với S&P 500, hôm qua là phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ khi Mỹ bị mất mức xếp hạng tín nhiệm cao nhất, giảm sâu hơn cả phiên rực lửa sau các cú sốc Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, Brexit và khi thị trường rung lắc trước cuộc bầu cử Tổng thống 2016. Khối lượng giao dịch của phiên hôm qua cao gần gấp đôi so với mức trung bình 30 ngày.
Win Thin, trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ mới nổi tại Brown Brothers Harriman, tâm lý risk off (từ bỏ rủi ro) của nhà đầu tư sẽ không thể sớm kết thúc.
Nhưng điều đầu tiên bạn cần biết về những con số khiến người ta “phải dụi mắt nhìn lại lần nữa” này là đằng sau đó không hề có nguyên nhân cơ bản nào. Trong phiên giao dịch khiến Dow Jones mất hơn 1.500 điểm chóng vánh trong 1 giờ giao dịch cuối cùng, không hề có thông tin đáng chú ý nào xuất hiện. Thay vào đó, tâm trạng của nhà đầu tư và dường như là một số giao dịch tự động đã đẩy phố Wall vào tình trạng rối loạn một cách khá kỳ dị. Nỗi lo lớn nhất của nhà đầu tư là lãi suất tăng, dù thực chất lợi suất trái phiếu Mỹ đã giảm nhẹ.
Theo Michael Yoshikami, CEO của Destination Wealth Management, nỗi hoảng sợ đã bao trùm thị trường theo cách không thể tin được. “Nhà đầu tư đang đứng ngồi không yên, có lẽ là đã có một số giao dịch tự động được kích hoạt”.
Một số người khác thì đổ lỗi cho Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), ít nhất là về trạng thái tâm lý đã dẫn đến tình trạng trắng bên mua. Đầu tiên là sau cuộc họp chính sách diễn ra tuần trước, nhận định lạm phát đang có xu hướng đi lên của Fed đã khiến thị trường chú ý. Sau đó là báo cáo việc làm tháng 1 được công bố thứ Sáu tuần trước, trong đó mức thu nhập trung bình mỗi giờ của người lao động Mỹ đã tăng kỷ lục 2,9%. Ngay lập tức triển vọng lãi suất tăng nhanh hơn dự đoán chiếm trọn tâm trí của nhà đầu tư.
Mặc dù từ phiên sáng Dow Jones đã bắt đầu giảm điểm, phần lớn số điểm bị mất đi vào khoảng 2h40 chiều, khiến nhà đầu tư nhớ lại “cú sụp đổ chớp nhoáng” (flash crash) cũng xảy ra vào 1 buổi chiều năm 2010 và khiến Dow Jones mất đi gần 600 điểm chỉ trong 5 phút. Tuy nhiên không có sự cố kỹ thuật nào được phát hiện.
Cú sốc đáng sợ bất ngờ nổ ra trên 1 thị trường mà ngay trong đầu tuần trước vẫn đang thăng hoa và gần như không thể bị tấn công. S&P 500 có khởi đầu năm mới tốt nhất trong lịch sử sau khi tăng ấn tượng gần 20% trong năm 2017. Dow Jones cũng đã tăng hơn 40% kể từ khi Tổng thống Donald Trump đắc cử cuối năm 2016.
Lời khuyên của giới chuyên gia dành cho nhà đầu tư trong “cơn bão”
Đừng lo lắng
Kristina Hooper, chiến lược gia của Invesco: “Đừng sợ hãi, đừng bốc đồng. Luôn tuân thủ kỷ luật dù thị trường diễn biến như thế nào đi chăng nữa, và hãy tiếp tục tiết kiệm, đầu tư theo kế hoạch dài hạn của bạn”. Hooper cho rằng các yếu tố lạm phát tăng, lợi suất trái phiếu tăng và mức độ biến động tăng kết hợp với nhau đã tạo thành công thức hoàn hảo khiến phố Wall chao đảo.
Jeff Carbone, chuyên gia tại Cornerstone Wealth: “Chúng tôi đang nhắc nhở khách hàng rằng ở thời điểm này hãy chủ động theo dõi thị trường chứ không phải phản ứng quá mạnh với nó. Đây là bài kiểm tra lớn về mức độ chịu đựng rủi ro, ai cũng muốn thị trường tăng điểm nhưng luôn có rủi ro giảm điểm tồi tại”.
Đừng mua vào, ít nhất là ở thời điểm hiện tại
Michael Wilson, chiến lược gia của Morgan Stanley, cảnh báo nhà đầu tư không nên bắt đáy trong bối cảnh nỗi lo ngày càng dâng cao về chi tiêu ngân sách và động thái của Fed đang tác động rất mạnh đến đường cong lãi suất.