Nguy cơ nổ ra chiến tranh thương mại sau động thái thuế thép, nhôm của ông Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/3 tuyên bố sẽ đánh thuế mạnh đối với thuế và nhôm nhập khẩu nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước. Động thái này đặt ra nguy cơ trả đũa từ các đối tác thương mại lớn của Mỹ như Trung Quốc, châu Âu và Canada.

Theo hãng tin Reuters, ông Trump nói rằng mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm sẽ được chính thức công bố vào tuần tới.

Những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất

Người đứng đầu Nhà Trắng xem hàng rào thuế quan là biện pháp bảo vệ việc làm cho người Mỹ. “Chúng ta sẽ xây dựng lại ngành thép và ngành nhôm của mình”, ông Trump nói.

Trong khi đó, nhiều nhà phân tích nói rằng ảnh hưởng từ việc tăng giá thép và nhôm đối với những ngành tiêu thụ nhiều các mặt hàng này, như công nghiệp ôtô và dầu lửa, sẽ gây tổn thất việc làm nhiều hơn là số việc làm được tạo ra nhờ biện pháp như vậy.

Mối lo lớn nhất vào thời điểm này là các nước xuất khẩu thép sang Mỹ có thể nhằm vào các mặt hàng nông sản Mỹ để tung các biện pháp trả đũa. Chính một số nghị sỹ cấp cao trong Đảng Cộng hòa của ông Trump đã cảnh báo về nguy cơ này.

“Sự trả đũa sẽ xảy ra. Ngành nông nghiệp là mục tiêu số 1. Tôi cho rằng cách làm đó [đánh thuế mạnh nhôm, thép nhập khẩu] là vô cùng tai hại đối với ngành nông nghiệp”, nghị sỹ Pat Roberts, người đứng đầu Ủy ban Nông nghiệp Thượng viện, phát biểu.

Từ khi Mỹ cân nhắc dựng hàng rào hạn chế nhập khẩu thép và nhôm, Trung Quốc đã cảnh báo sẽ hạn chế nhập khẩu đậu tương Mỹ. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã đưa ra cảnh báo tương tự. Hiện cố vấn kinh tế cấp cao của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Liu He, đang có mặt ở Washington để bàn về các vấn đề thương mại.

Theo Reuters, thực ra việc Mỹ đánh thuế mạnh thép và nhôm nhập khẩu không ảnh hưởng trực tiếp nhiều đến Trung Quốc. Thống kê cho thấy Canada mới là nước xuất khẩu nhiều thép sang Mỹ nhất, chiếm 16% tổng lượng thép mà Mỹ nhập khẩu, so với mức 2% của Trung Quốc. Sau Canada, hai nước xuất khẩu thép nhiều tiếp theo sang Mỹ là Brazil và Hàn Quốc.

Nguy cơ nổ ra chiến tranh thương mại sau động thái thuế thép, nhôm của ông Trump - Ảnh 1.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, top 10 nước và vùng lãnh thổ xuất khẩu nhiều thép sang Mỹ nhất chếm 78% tổng lượng thép nhập khẩu của Mỹ, phần còn lại của thế giới chỉ chiếm 22% – Nguồn: IHS/CNBC.

“Nếu các biện pháp hạn chế được đặt ra đối với sản phẩm thép và nhôm của Canada, chúng tôi sẽ có biện pháp đáp trả để bảo vệ lợi ích thương mại và người lao động của nước mình”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Canada Chrystia Freeland nói trong một tuyên bố với những ngôn từ cứng rắn.

Bộ Công nghiệp Brazil thì tuyên bố sẽ cân nhắc dựng hàng rào thuế quan của riêng mình để đáp trả Mỹ, hoặc phối hợp hành động với các quốc gia khác. Cổ phiếu hai hãng thép hàng đầu của Brazil là Cia Siderurgiaca Nacional và Usiminas bị bán tháo, đóng cửa với mức giảm tương ứng 4,4% và 4,2% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm.

Tuyên bố về thuế thép và nhôm của Tổng thống Trump được đưa ra giữa lúc Canada và Mexico đang đàm phán với Mỹ về điều chỉnh Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA) giữa ba nước. Cuộc đàm phán căng thẳng đã kéo dài nhiều tháng mà các bên chưa đạt được bước tiến cụ thể nào.

Khi được hỏi liệu có quốc gia nào ngoại lệ trong kế hoạch hàng rào thuế quan thép, nhôm của Mỹ, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói sẽ không đưa ra chi tiết trước tuyên bố chính thức vào tuần tới. Bà Sanders cũng nói kế hoạch còn đang trong quá trình hoàn tất.

Mỹ sẽ được gì?

Sau tuyên bố của ông Trump, cổ phiếu của các hãng thép Mỹ tăng mạnh, trong đó cổ phiếu AK Steel Holding tăng gần 10%, cổ phiếu US Steel Corp tăng hơn 5%, cổ phiếu Nucor tăng 3,2%. Trong khi đó, cổ phiếu hãng xe Ford giảm hơn 3%, cổ phiếu hãng xe GM giảm khoảng 4%.

Chính quyền Trump dựng hàng rào thuế quan đối với thép và nhôm nhậu khẩu vì lý do an ninh quốc gia, nói rằng Mỹ cần nguồn cung thép và nhôm trong nước để sử dụng cho các thiết bị quân sự như xe tăng và chiến hạm.

Về phần mình, dù chỉ chiếm 2% lượng thép nhập khẩu của Mỹ, Trung Quốc sở hữu một ngành công nghiệp thép khổng lồ. Sản lượng thép tăng mạnh của Trung Quốc những năm qua đã khiến thế giới rơi vào tình trạng thừa mứa thép, đẩy giá thép giảm xuống.

Căng thẳng thương mại Trung-Mỹ đã gia tăng kể từ khi ông Trump lên cầm quyền vào năm 2017, trong đó thép và sở hữu trí tuệ là hai vấn đề mà phía Mỹ nhấn mạnh.

Ngành thép Mỹ đã mất 3/4 số việc làm trong thời giant ừ 1962-2005, nhưng một nghiên cứu của Hiệp hội Kinh tế Mỹ nói sự mất mát việc làm này chủ yếu do cải tiến công nghệ sản xuất giúp sản lượng thép tính trên mỗi công nhân tăng gấp 5 lần. Bởi vậy, nghiên cứu này nói rằng dù việc bảo hộ ngành sản xuất thép trong nước có thể giúp sản lượng tăng, nhưng số việc làm mới được tạo ra trong ngành này sẽ không lớn như kỳ vọng.

Trong khi đó, tổ chức Econofact rằng Mỹ hiện đang có 2 triệu việc làm trong những ngành công nghiệp sử dụng nhiều thép, bao gồm phụ tùng ô tô, thiết bị gia dụng, máy nông nghiệp và thiết bị dầu khí. “Tại nhiều bang, số việc làm bị ảnh hưởng [bởi việc đánh thuế thép, nhôm] trong những ngành sử dụng nhiều thép có thể vượt xa số lượng việc làm được tạo ra trong ngành thép”, Econofact cảnh báo.

Bởi vậy, tác dụng của kế hoạch trên đối với kinh tế Mỹ rất có thể bằng 0, chưa kể nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại.

Ngân hàng Barclays ước tính hàng rào thuế quan thép, nhôm sẽ khiến lạm phát lõi của Mỹ tăng thêm 0,1 điểm phần trăm sau một khoảng thời gian nhất định, khiến tăng trưởng kinh tế giảm 0,1-0,2 điểm phần trăm, xóa hết thành quả từ biện pháp kích cầu tăng trưởng bằng tài khóa của ông Trump.

Cổ phiếu thép châu Á lao đao, nhiều nước đồng loạt chỉ trích gay gắt chính sách thuế mới của ông Trump

Bài viết mới